Thổ Nhĩ Kỳ không kích khu vực người Kurd ở biên giới với Iraq:

Nói một đằng, làm một nẻo

Thứ Năm, 16/10/2014, 08:12
Mặc dù Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vẫn khẳng định lập trường của chính phủ theo đuổi tiến trình đối thoại hòa bình với lực lượng người Kurd, nhưng quân đội nước này ngày 14/10 lại thực hiện các cuộc không kích mới vào các mục tiêu người Kurd ở khu vực biên giới với Iraq. Động thái này của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không những có nguy cơ làm đổ vỡ tiến trình đối thoại hòa bình trong nước, mà còn “dội một gáo nước lạnh” vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Mỹ được nhận định là đang bước đầu gặt hái những thành công.

Mặc dù các cuộc không kích mới này không cướp đi sinh mạng hay làm bị thương dân quân người Kurd nào nhưng không những đã gây ra thiệt hại đáng kể, mà còn có thể “đổ dầu” vào ngọn lửa giận dữ của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, làm chệch hướng tiến trình hòa bình đang được thực hiện. Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa ra lời giải thích rằng, các vụ không kích nhằm trả đũa cuộc tấn công ba ngày trước đó của nhóm vũ trang người Kurd nhằm vào lực lượng chính phủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Davutoglo vẫn khẳng định lập trường của chính phủ theo đuổi tiến trình đối thoại hòa bình với lực lượng người Kurd. Phát biểu trong buổi họp báo ngày 14/10, ông Davutoglo nhấn mạnh tiến trình hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ làm bất cứ điều gì có thể để duy trì an ninh trật tự, vì điều này là cơ sở nền tảng cho các cuộc đối thoại hòa bình”. Trong khi đó, nhóm người Kurd cáo buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm lệnh ngừng bắn mà hai bên đã ký kết hồi tháng 3/2013. Trong thời gian qua, họ tạo ra một làn sóng biểu tình nhằm phản đối thái độ “thờ ơ” của chính phủ trong việc cứu thành phố Kobani ở miền Bắc Syria - nơi có nhiều người Kurd sinh sống. Theo nhận định của giới chuyên gia, những cuộc biểu tình bạo động của người Kurd và các vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào các mục tiêu của người Kurd đã làm lung lay tiến trình hòa bình mong manh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đảng Công nhân người Kurd (PKK) gần biên giới với Iraq.

Thủ tướng Ahmet Davutoglu phát biểu tại cuộc họp của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền ngày 14/10. Ảnh: CNN.

Những diễn biến này còn có thể phá vỡ ý đồ của Mỹ về việc sử dụng căn cứ không quân trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực gần biên giới với Syria, trong cuộc chiến chống IS. Và mặc dù Washington đang cố gắng thuyết phục Ankara đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và đặc biệt là tại Syria, cũng như việc các đồng minh khác trong NATO liên tục gây sức ép, chính phủ của Thủ tướng Davutoglu vẫn kiên định với lập trường rằng, ưu tiên hàng đầu là loại bỏ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và xem mối đe dọa từ người Kurd lớn hơn IS. Theo các chuyên gia, một trong những lí do khiến Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn do dự gia tăng vai trò trong cuộc chiến chống IS của Mỹ là lo ngại điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của lực lượng người Kurd. Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS của Mỹ tại Syria và Iraq.

Cũng trong ngày 14/10, trong một động thái được cho là sẽ góp phần đẩy liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu “vào thế khó”, phát biểu tại một cuộc họp của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, Thủ tướng Davutoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia vào “cuộc phiêu lưu” ở Syria nếu cộng đồng quốc tế không có những động thái cần thiết, đồng thời nhắc lại rằng việc thiết lập khu vực an toàn hoặc khu vực cấm bay ở phía Bắc Syria là điều kiện để Ankara tham gia liên minh này. Ông Davutoglu nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không can dự vào cuộc chiến chống IS ở Syria nếu một số nước vẫn không thay đổi quan điểm, trừ khi cộng đồng quốc tế làm những việc cần thiết và đưa ra một chiến lược toàn diện.

Tuyên bố của ông Davutoglu được đưa ra trong bối cảnh các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ chuẩn bị khởi động các cuộc đàm phán về việc Ankara tham gia cuộc chiến chống IS

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.