Nỗi lo chiến tranh Nagorno-Karabakh

Thứ Tư, 06/04/2016, 08:45
Nguy cơ lặp lại lịch sử cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh cách đây gần 30 năm đang cận kề khi xung đột và bạo lực đã gia tăng tại vùng lãnh thổ tranh chấp này. Thậm chí, Azerbaijan đã lần đầu tiên sử dụng pháo phản lực nhiều nòng Smerch và tuyên bố chuẩn bị tấn công thủ phủ Stepanakert của CH Nagorno Karabakh (NKR) nếu các lực lượng do Armenia hậu thuẫn tiếp tục nổ súng gần khu vực này.

Hãng tin Reuters ngày 5-4 cho biết, tình hình ở khu vực Nagorno-Karabakh đang ngày càng căng thẳng. Quân đội Azerbaijan đã lần đầu tiên sử dụng pháo phản lực nhiều nòng Smerch để tấn công vào các lực lượng do Armenia hậu thuẫn và tuyên bố đã tiêu diệt được hơn 20 xe quân sự và 70 binh sĩ của đối phương. Chưa hết, chính quyền Baku còn cho biết đã phá hủy sở chỉ huy quân sự của đối phương và đang chuẩn bị pháo kích thủ phủ Stephanakert của Nagorno-Karabakh.

Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan trong cuộc gặp gỡ báo chí đã kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Armenia rút quân khỏi khu vực Nagorno-Karabakh tranh chấp và đề nghị phải giải quyết cuộc xung đột theo đúng những quy định trong các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như những tiêu chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. 

Phía Armenia cũng xác nhận thông tin về những lời đe dọa tấn công của Azerbaijan và cho biết thêm rằng, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở các hướng Đông Bắc, Đông Nam. Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Ovhannisyan cho hay, Bộ Quốc phòng NKR thề sẽ "đáp trả tương xứng" nếu Azerbaijan tấn công Stepanakert. 

Lính Armenia tại làng Mardekert ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP.

Cũng theo lời ông Artsrun Ovhannisyan thì từ sáng 3-4, Azerbaijan đã nối lại các cuộc pháo kích nhằm vào các vị trí của quân đội Armenia ở Nagorno-Karabakh. Đạn pháo bắn từ hướng Nam đường ranh giới, buộc các đơn vị tiền tiêu của quân đội Armenia phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành động tấn công của đối phương và rằng Azerbaijan không thực thi lệnh ngừng bắn thực sự dọc các đường tuyến giới của khu vực Nagorno-Karabakh.

Nagorno-Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng lại có đa số dân cư là người Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2 năm 1988 đến tháng 5 năm 1994. 

Sau đó, các cuộc xung đột vũ trang quy mô nhỏ vẫn tiếp tục tiếp diễn ra đến năm 2008. Từ đó đến nay, hai bên đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề song chưa tìm ra được giải pháp ổn thỏa nào bởi cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải đã được đưa ra. 

Ngày 5-4, trong lúc diễn ra giao tranh thì đại diện Chính phủ Azerbaijan và Armenia cũng đã gặp gỡ đàm phán tại Vienna (Áo) dưới sự bảo trợ của Pháp, Mỹ, Nga và các nước đồng chủ tịch nhóm hòa giải quốc tế Minsk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Nhưng xem ra vẫn chưa có tia hy vọng gì mới.

Trước đó, vào chiều 2-4, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Armenia David Tonoyan đã gặp đại sứ các nước Đức, Italia, Pháp và lãnh đạo phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Armenia để thông báo về tình hình căng thẳng tại khu vực Nagorno-Karabakh trong vài ngày qua cũng như những biện pháp phía Armenia áp dụng "để ngăn chặn và vô hiệu hóa các đợt tấn công của đối phương”. 

Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kery và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng đã có các cuộc điện đàm để đánh giá lại những nỗ lực chấm dứt xung đột bùng phát tại khu vực này. 

Thông báo về cuộc điện đàm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Ngoại trưởng Mỹ-Nga đã thảo luận những nỗ lực nhằm thúc đẩy ngay lập tức việc chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh, đồng thời hối thúc cả Armenia và Azerbaijan khôi phục đàm phán hòa giải dưới sự bảo trợ của OSCE. Chúng tôi lên án mạnh mẽ nhất diễn biến xung đột đã cướp đi sinh mạng của người dân 2 nước cuối tuần qua. Chúng tôi kêu gọi các bên không sử dụng vũ lực và tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi chính phủ và Tổng thống 2 nước thiết lập tiến trình cho một thỏa thuận hòa bình”. 

Còn theo hãng Itar-Tass, phía Nga cũng nghi ngờ có thế lực thứ 3 đứng đằng sau những diễn biến ở Nagorno-Karabakh. Trong bài viết đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Sergei Zheleznyak nhận định: "Rõ ràng thế lực đó tiếp tục thổi ngọn lửa chiến tranh ở Trung Đông, Trung Á và khu vực Kavkaz. Thế lực ấy không hài lòng với sự thành công trong quá trình gìn giữ hòa bình và chống khủng bố của Nga và các đồng minh của chúng tôi ở Syria nên đã quan tâm tới việc làm gia tăng sự tức giận trong cuộc xung đột kéo dài đã lâu ở khu vực Nagorno-Karabakh”. 

Ông Sergei Zheleznyak cũng cho rằng "cả Azerbaijan lẫn Armenia không cần gia tăng sự tức giận vào lúc này”. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), thì bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng nhân đạo từ cuộc giao tranh mới bùng phát và tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa hai nước. Kyrgyzstan cũng bày tỏ quan điểm muốn làm cầu nối hòa bình cho vấn đề ở Nagorno-Karabakh.

Sông Thương
.
.
.