Những vòng xoáy mới trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine

Thứ Ba, 04/11/2014, 13:55
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc bầu cử nhằm lựa chọn những người đứng đầu chính quyền và cơ quan lập pháp ở miền Đông Ukraine được công bố ngày 3/11, các nhà lãnh đạo đối lập đã giành chiến thắng không mấy bất ngờ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử cũng đánh dấu một nấc leo thang mới trong căng thẳng giữa chính quyền Ukraine và lực lượng đối lập, cũng như giữa Nga và phương Tây.
>> Tranh cãi về cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine với việc “Khối Poroshenko” của Tổng thống Petro Poroshenko và đảng “Mặt trận nhân dân” của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk giành được tỷ lệ phiếu sít sao đang khiến cho việc thành lập liên minh cầm quyền ở Ukraine trở nên khó khăn.

Cuộc bầu cử ở miền Đông: Leo thang căng thẳng giữa các bên liên quan

Tại Lugansk, lãnh đạo lực lượng đối lập Igor Plotniski, một cựu quân nhân 50 tuổi dưới thời Liên bang Xôviết trước đây đã giành chiến thắng với hơn 63% số phiếu ủng hộ và đảng của ông này cũng chiếm đa số tại cơ quan lập pháp địa phương. Còn tại Donetsk, người đứng đầu khu vực, Thủ tướng tự xưng Alexandre Zakhartchenko đã giành chiến thắng áp đảo với 81,37% số phiếu ủng hộ. Đảng của ông này cũng giành được hơn 65% số phiếu ủng hộ.

Phát biểu với báo chí sau khi kết quả được công bố, ông Zakhartchenko đã chỉ trích chính quyền Ukraine “không muốn hòa bình” và “đang chơi trò hai mặt”. Ông cũng tuyên bố, chính quyền Donetsk sẵn sàng đối thoại và đang chờ đợi. Ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Chính phủ Nga đã ra tuyên bố khẳng định “tôn trọng kết quả các cuộc bầu cử” này. Theo Bộ Ngoại giao Nga, sự kiện đã diễn ra trong hòa bình, với tỉ lệ cử tri tham gia cao.

Đồng quan điểm, quan sát viên người Pháp, nghị sĩ châu Âu Jean Luc Schaffhauser đã hoan nghênh các cuộc bầu cử là dân chủ và phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine lại bác bỏ tuyên bố này và cho rằng không có tổ chức quốc tế nào gửi quan sát viên, đồng thời cáo buộc Nga đã triển khai một phái bộ giám sát giả tới khu vực...

Đông đảo người dân đã đi bầu cử ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters.

Đối với Chính phủ trung ương Ukraine, các cuộc bầu cử này như là cái gai trong mắt họ. Chúng làm tăng nguy cơ mất quyền kiểm soát đối các vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử cũng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa Nga và phương Tây. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, đây (các cuộc bầu cử) là một “rào cản mới” đối với các nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình cuộc xung đột.

Theo tân Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini, các cuộc bầu cử này là trái với tinh thần thỏa thuận đạt được hồi đầu tháng 9 tại Minsk, Belarus giữa chính quyền Ukraine và lực lượng đối lập, với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và Nga.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cho rằng, các cuộc bầu cử ngày 2/11 tại nước “Cộng hòa Nhân dân” tự xưng Donetsk và Lugansk là vi phạm thỏa thuận được ký kết ở Minsk. Trước cuộc bầu cử vài ngày, ông Ban Ki-moon cũng đã lên tiếng phản đối cuộc bầu cử đầy tranh cãi này...

Hậu bầu cử Quốc hội Ukraine: Khó khăn thành lập liên minh cầm quyền

Việc thành lập liên minh cầm quyền tại Ukraine sau cuộc bầu cử Quốc hội đang gặp ít nhiều khó khăn. Cả Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk đều đưa ra kế hoạch của riêng mình và khả năng đi tới một thỏa thuận hiện chưa chắc chắn. Mặc dù Tổng thống Poroshenko từng tuyên bố ủng hộ ông Yatsenyuk tiếp tục giữ chức thủ tướng nhưng bấy nhiêu đó dường như chưa đủ để thuyết phục đảng “Mặt trận nhân dân” liên minh với “Khối Poroshenko”.

Không những thế, ông Yatsenyuk thậm chí còn thẳng thừng bác bỏ các đề xuất của ông Poroshenko, đồng thời cảnh báo rằng đảng của ông sẵn sàng thành lập liên minh với các đảng “Tự cứu” của Thị trưởng Lvov Andriy Sadovy và đảng “Đất mẹ” của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Theo nhận định của giới phân tích, nếu kịch bản trên xảy ra, vai trò của Tổng thống Poroshenko sẽ yếu đi đáng kể và ông sẽ không có sự hậu thuẫn cho các chính sách của mình trong Quốc hội. Và, trong trường hợp “Khối Poroshenko” không giữ vị trí then chốt trong Quốc hội mới, chính trường Ukraine sẽ chẳng có gì khác so với trước khi liên minh cầm quyền cũ bị giải tán. Hơn nữa, việc ông Yatsenyuk tiếp tục giữ chức thủ tướng và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của liên minh cầm quyền trong Quốc hội được dự báo sẽ khiến cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng thêm phức tạp.

Việc ông Yatsenyuk muốn trở thành một đối tác bình đẳng với Tổng thống Poroshenko trong việc lãnh đạo quốc gia đi theo đường hướng thân phương Tây cho thấy tham vọng chính trị và những mâu thuẫn nội bộ trong giới lãnh đạo Ukraine. Trong khi ông Poroshenko muốn ổn định tình hình ở miền Đông thông qua việc củng cố các thỏa thuận ngừng bắn đã có hiệu lực từ đầu tháng 9 vừa qua, thì Thủ tướng Yatsenyuk lại muốn chính quyền Ukraine tiếp tục cuộc chiến ở Donbass cho tới khi “sạch bóng” những tay súng đòi độc lập.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.