Những ưu tiên nào của châu Âu với chính quyền mới ở Mỹ?

Thứ Hai, 07/12/2020, 08:32
Vào thời điểm này, giới chính trị châu Âu có hai nhiệm vụ: Làm rõ và tìm ra những lợi ích ưu tiên của châu Âu trong nhiều lĩnh vực chính trị có hợp tác xuyên Đại Tây Dương; chủ động đưa ra những đề nghị, sáng kiến đối với Mỹ, qua đó vạch ra khuôn khổ mới cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Thứ nhất, châu Âu cần định hình chính sách kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Để chấm dứt sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và người đồng hành tranh cử Kamala Harris cần dựa vào hợp tác toàn cầu và xây dựng khái niệm một nền kinh tế thế giới bền vững. Cả hai đều ủng hộ phương pháp đạt được mục tiêu chính trị thông qua những thể chế và cơ chế đàm phán đa phương. Ủy ban châu Âu (EC) đã có một kế hoạch cho phát triển châu Âu và tái cơ cấu kinh tế theo “Thỏa thuận châu Âu xanh”. 

Chiến lược này và kế hoạch của ông Joe Biden không chỉ có nhiều điểm chung, mà còn có những phương pháp mà Washington và Brussels có thể thực hiện cùng lúc để đẩy mạnh hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, để thúc đẩy một chính sách kinh tế bền vững trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nên có sự đồng thuận lớn hơn trong 3 lĩnh vực thương mại, năng lượng và số hóa. 

Trong lĩnh vực thương mại, các lợi ích của châu Âu nằm ở chỗ giảm xung đột thương mại với Mỹ, trước hết là dỡ bỏ thuế đánh vào thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thuế trả đũa của châu Âu. EC có thể đề xuất các thỏa thuận mới với chính quyền mới tại Washington cho những lĩnh vực công nghiệp riêng biệt. Đầu tiên, có thể chỉ cần thỏa thuận về thuế, sau đó là những thỏa thuận về quy định hợp tác. Về chính sách năng lượng, trong khuôn khổ hội đàm với chính quyền Mỹ trong tương lai, EU nên chuyển sự chú ý tới vấn đề tại sao một chính sách năng lượng châu Âu bền vững là điều cần thiết. 

Hội đàm không nên chỉ xoay quanh các lệnh trừng phạt mà Washington muốn áp đặt đối với dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Mỹ và EU nên trao đổi lập trường về những khái niệm chính sách năng lượng và sự tương thích của chúng với những mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Còn về chính sách số hóa, EU nên tiếp cận với chính quyền mới tại Washington và đề nghị đối thoại với họ về tương lai nền kinh tế số. Một cuộc hội đàm như vậy cũng nên bàn về các chủ đề như tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu, luật cạnh tranh, nền tảng số và đánh thuế các dịch vụ số.

Cờ EU và cờ Mỹ.

Thứ hai, EU và Mỹ cũng cần một khuôn khổ chung để chống lại sự lan truyền thông tin chính trị sai lệch. Việc phổ biến có chủ đích những thông tin sai trong xã hội hoặc thông qua các nhân tố nước ngoài đang ngày càng gia tăng tại hai bờ Đại Tây Dương. Tại châu Âu cũng như ở Mỹ đang bị cáo buộc rằng họ đã phổ biến những thông tin không đúng sự thật để gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định chính trị và đào sâu xung đột xã hội. 

Tuy EU và Mỹ phải đối mặt với cùng một thử thách, nhưng phương pháp tiếp cận của mỗi bên là khác nhau. Vì thế, sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Mỹ sẽ có lợi hơn để đối phó với mọi trở ngại. Bất chấp những phản ứng trái chiều, việc châu Âu gia tăng khả năng chống trả của xã hội trước thông tin sai lệch thông qua các cơ quan truyền thông do xã hội tài trợ cũng được Mỹ quan tâm. 

Nỗ lực của EU để quản lý các công ty internet có trụ sở tại Mỹ sẽ trở nên hiệu quả hơn với hỗ trợ từ Washington và các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ các quy định thống nhất. Trong hoàn cảnh các hệ thống quản lý khác nhau thì những giải pháp tương thích cũng đáng được xem xét. Một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - EU về vấn đề công nghệ có thể là một khúc dạo đầu để thống nhất các quy định về những phương pháp chống thông tin sai lệch.

Vào giai đoạn giữa năm 2020 – 2021, rất có thể sẽ có vaccine chống virus SARS-CoV-2. Các doanh nghiệp Âu và Mỹ sẽ cạnh tranh lợi nhuận, trong khi các chính phủ sẽ cố gắng phân phối vaccine cho người dân trong lãnh thổ của mình sớm nhất có thể. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy chính sách y tế có thể trở thành công cụ địa chính trị thế giới như thế nào. Vì vaccine là một mặt hàng công, EC đã thành lập sáng kiến “Phản ứng toàn cầu” với sự tham gia của nhiều nước, tổ chức và doanh nghiệp. EC theo đuổi một tầm nhìn gồm 3 yếu tố củng cố chủ nghĩa đa phương, bình ổn khu vực láng giềng của EU và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Do những mục tiêu này cũng là lợi ích của chính quyền Mỹ trong tương lai, nên chúng có thể là điểm kết nối cho EU. Vì thế Brussels và Washington nên thành lập một liên minh vaccine xuyên Đại Tây Dương nhanh nhất có thể, với nhiệm vụ là tạo điều kiện đưa vaccine phòng COVID-19 đến với mọi người trên thế giới. Bước thứ hai là hai bên nên nhất trí về một chính sách sức khỏe quốc tế với mục tiêu là củng cố hệ thống y tế tại các nước bên thứ ba và giúp họ đề phòng khủng hoảng trong tương lai. Bên cạnh đó, nên xác định các nước và khu vực có tầm quan trọng địa chính trị với phương Tây và ưu tiên họ.

Chính sách với các nước láng giềng phía Đông châu Âu của EU và NATO vẫn sẽ là một yếu tố chủ đạo trong quan hệ Mỹ - châu Âu. Với EU, có cơ hội nối lại với đối thoại với Washington hay thậm chí đạt được sự hợp tác sâu hơn trong vấn đề này. Cho dù chính sách của Mỹ về Đông Âu sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng chính quyền tương lai có thể cởi mở hơn trong việc tiến tới những mục tiêu của họ thông qua phối hợp với các đồng minh và qua trao đổi, tạo điều kiện để tập trung vào những lợi ích chung.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.