Những món quà vô giá

Thứ Hai, 28/09/2020, 08:52
Khi thế giới đã quá “mệt mỏi” với liên tiếp các cuộc khủng hoảng và những cuộc cạnh tranh nước lớn không hồi kết, thì lời đề nghị của Nga cấp miễn phí vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên Liên hợp quốc (LHQ) hay cam kết sản xuất vaccine cho toàn nhân loại của Ấn Độ có thể coi là những món quà vô giá, và cũng là một điểm sáng tại kỳ họp Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 75 đang diễn ra bằng hình thức trực tuyến.

“Chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch COVID-19 khi tất cả các quốc gia cùng chiến thắng”, là thông điệp bao trùm và xuyên suốt bài  phát biểu của hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới tại kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 75 lần này. Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, trước kẻ thù chung vô hình tới nay đã cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã đến lúc các nước phải nhận thức được rằng, đoàn kết là vì lợi ích của chính mình.

Theo ông Antonio Guterres, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng hơn những bất công trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất và xóa sạch những tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ. Vì thế, đã đến lúc thế giới phải nhận thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết thay vì chia rẽ. Nếu không, tất cả sẽ cùng thua trong cuộc chiến khốc liệt này.

Trước bối cảnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho LHQ như cấp miễn phí vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên LHQ, sẵn chia sẻ kinh nghiệm với tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế trong ứng phó với COVID-19, cũng như cung cấp vaccine ngừa dịch bệnh này của Nga cho nước khác. Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh: “Đất nước chúng tôi đã và đang đóng góp tích cực vào các nỗ lực chống COVID-19 trên toàn cầu và khu vực, cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả về phương diện song phương và đa phương. Để làm được như vậy, trước hết chúng tôi quan tâm đến vai trò điều phối trung tâm, tăng cường năng lực của Tổ chức Y tế Thế giới”.

Các nước lớn cần phải chia sẻ vaccine với thế giới vì lợi ích của toàn nhân loại.

Hòa chung nỗ lực này, trong bài phát biểu được ghi hình trước và phát tại kỳ họp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ giúp thế giới sản xuất và cung cấp vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng. Ông nói: “Với tư cách là quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, tôi muốn cung cấp thêm một sự đảm bảo cho cộng đồng toàn cầu. Năng lực sản xuất và phân phối vaccine của Ấn Độ sẽ được sử dụng để giúp toàn nhân loại chống lại cuộc khủng hoảng do COVID-19”. Không hề nhắc tới cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ mà đất nước đang phải đối mặt, tới căng thẳng gia tăng với nước láng giềng Pakistan hay tranh chấp biên giới kéo dài nhiều tháng qua với Trung Quốc, thay vào đó, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã xem “cả thế giới như một gia đình”, với cam kết đưa ngành công nghiệp dược phẩm mạnh mẽ của đất nước trở thành một “tài sản quốc tế trong đại dịch”.

Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ cũng cam kết, New Delhi sẽ giúp tất cả các nước nâng cao năng lực bảo quản trữ lạnh vaccine. Ông cho biết, Ấn Độ đang tiếp tục các đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 quy mô lớn đối với các vaccine COVID-19 tiềm năng. Hồi tháng 8, ông nói rằng, Ấn Độ sẵn sàng sản xuất vaccine COVID-19 quy mô lớn khi được giới khoa học chấp thuận. Những lời đề nghị của Ấn Độ và Nga vào thời điểm này có thể coi là những món quà vô giá, một điểm sáng tại kỳ họp ĐHD LHQ khóa 75 này, nhất là khi thế giới đã quá “mệt mỏi” với liên tiếp các cuộc khủng hoảng và những cuộc cạnh tranh nước lớn không hồi kết.

Cũng tại kỳ họp lần này của ĐHĐ LHQ, lãnh đạo các nước Mỹ Latinh đã hối thúc LHQ mở rộng quyền tiếp cận tự do đối với vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai, đồng thời khẳng định các nước lớn cần phải chia sẻ vaccine với thế giới vì lợi ích của toàn nhân loại. Trong bài phát biểu gửi tới Kỳ họp ĐHĐ LHQ, Tổng thống Argentine Alberto Fernandez cho rằng, không có ai trên thế giới có thể an toàn khi đại dịch và nạn đói nghèo vẫn đang hoành hành. Ông khẳng định, vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai cần phải được coi là “hàng hóa công cộng toàn cầu” để tất cả người dân trên thế giới đều có cơ hội được tiếp cận.

Trong khi đó, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã đề cập tới sự cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch hoành hành thế giới và gây ra nhiều hệ lụy. Ông kêu gọi hai nước cần chấm dứt thế đối đầu mang tính “thâm căn cố đế” để cùng nhau dẫn dắt cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo ông Sebastian Pinera, trên mặt trận y tế, các nước cần chia sẻ các giải pháp và kiến thức, điều phối hoạt động mở/đóng cửa biên giới, cùng nghiên cứu phát triển vắcxin cũng như hỗ trợ các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Tổng thống Ecuador Lenin Moreno thì cho rằng, Trung Quốc và Nga - hai quốc gia hiện đang đi đầu về nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 - cần tham gia Cơ chế Tiếp cận vaccine Toàn cầu (COVAX), được sáng lập với mục tiêu đảm bảo tới cuối năm 2021 thế giới có được 2 tỷ liều vaccine.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận, dịch COVID-19 đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa các quốc gia và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết chống lại “kẻ thù chung”. Nhà lãnh đạo Anh cũng đề xuất một kế hoạch ngăn chặn các đại dịch toàn cầu trong tương lai, trong đó có việc thiết lập một mạng lưới các phòng thí nghiệm nghiên cứu động vật trên khắp thế giới để xác định các mầm bệnh nguy hiểm trước khi truyền từ động vật sang người.

Chia sẻ quan điểm này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa chỉ trích thất bại tập thể trong việc đánh bại đại dịch và cho rằng đã đến lúc các quốc gia phải tái tạo lại hợp tác quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.