Những kịch bản liên minh quốc phòng và an ninh ở châu Âu

Thứ Năm, 15/06/2017, 08:26
Trung tuần tháng 6, Ủy ban châu Âu (EC) đã thảo luận công khai về đường hướng tương lai của quốc phòng châu Âu. Trong khi đó, tại cuộc họp ở Prague, CH Czech, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bàn cách làm thế nào để sử dụng hết tiềm năng của các Hiệp ước để tăng cường hợp tác trong quốc phòng.

Theo báo chí châu Âu, EC đang đóng góp vào các cuộc bàn luận đó và thảo luận rộng hơn trên khắp châu Âu về quốc phòng bằng cách đưa ra những kịch bản có thể xảy ra cho tương lai quốc phòng châu Âu. Về vấn đề này, Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tiến nhanh trong vấn đề an ninh của EU với việc Ủy ban đang sát cánh và hỗ trợ cho quyết tâm của các nước thành viên.

Thông qua EU, chúng tôi có thể hỗ trợ cho các quốc gia thành viên trong việc phát triển năng lực quân sự và đầu tư hiệu quả hơn cho quốc phòng. Chúng tôi đã tiến được một bước dài trong chưa đầy một năm và chúng ta quyết tâm duy trì tốc độ này”.

Các lãnh đạo châu Âu đang muốn mở rộng hợp tác an ninh, quốc phòng cho khu vực.  Ảnh: Euintheus.

Cũng theo Cao ủy Federica Mogherini, những cuộc thảo luận này đóng góp quan trọng tới việc EU sẽ tăng cường bảo vệ và an ninh cho các công dân châu Âu như thế nào, đặc biệt là trong việc thành lập một Quỹ Quốc phòng châu Âu nhằm hỗ trợ việc chi tiêu hiệu quả hơn của các quốc gia thành viên trong việc cùng chia sẻ năng lực quốc phòng.

Hãng tin AP thì cho hay, Quỹ Quốc phòng châu Âu theo đề xuất của Chủ tịch EC Jean-ClaudeJuncker sẽ điều phối, bổ sung và mở rộng các khoản đầu tư quốc gia vào nghiên cứu quốc phòng, vào việc phát triển các nguyên mẫu và mua sắm thiết bị và công nghệ quốc phòng.

Hồi tháng 3 vừa qua, trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo EU cũng đã cam kết hướng tới một EU27 giúp tạo ra một ngành công nghiệp quốc phòng có tính cạnh tranh và hội nhập hơn, đồng thời tăng cường an ninh và quốc phòng chung trong việc hợp tác và hỗ trợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sách Trắng về tương lai của châu Âu được trình bày cùng thời điểm đó còn đưa ra những thách thức và cơ hội chính cho châu Âu trong thập kỷ tới, đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình cho EU27 quyết định tương lai liên minh của họ.

Vậy EU đã sẵn có các biện pháp để tránh xa sự hợp tác quân sự song phương và đa phương hiện tại, thay vào đó là các hình thức hội nhập quốc phòng hiệu quả hơn hay chưa? Theo các nhà phân tích, có 3 kịch bản hợp tác an ninh quốc phòng trong EU tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới.

Trong kịch bản thứ 1 mang tên “hợp tác an ninh và quốc phòng, các quốc gia thành viên EU vẫn sẽ quyết định nhu cầu hợp tác về an ninh và quốc phòng trên cơ sở tự nguyện trong từng trường hợp trong khi EU sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của các quốc gia. Hợp tác quốc phòng sẽ được tăng cường, tuy nhiên sự tham gia của EU trong những hành động đòi hỏi nhiều nhất vẫn còn hạn chế. Quỹ Quốc phòng châu Âu mới sẽ giúp phát triển một số năng lực chung mới nhưng các quốc gia thành viên vẫn sẽ giám sát công việc mua và phát triển của các năng lực quốc phòng một cách riêng rẽ. Hợp tác EU-NATO sẽ vẫn giữ nguyên cấu trúc và hình thức hiện tại. Còn với kịch bản tham vọng hơn mang tên "Chia sẻ an ninh và quốc phòng", các quốc gia thành viên sẽ cùng huy động nguồn tài chính và phương tiện quốc phòng nhất định để tăng tính đoàn kết trong quốc phòng. EU cũng sẽ tham gia tích cực hơn trong việc bảo vệ châu Âu bên trong và ngoài biên giới của khu vực.

EU sẽ đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong các lĩnh vực như: bảo vệ biên giới, an ninh mạng hay chống khủng bố và đẩy mạnh phương diện quốc phòng và an ninh trong các chính sách nội khối EU như năng lượng, y tế, hải quan hay không gian vũ trụ.

Điều này sẽ phù hợp với ý chí chính trị là hành động cũng như việc ra quyết định phù hợp với bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng. EU và NATO cũng sẽ tăng cường hợp tác chung và phối hợp trên toàn bộ các lĩnh vực. Riêng với kịch bản tham vọng nhất "An ninh quốc phòng chung" thì sẽ dự tính hình thành một chính sách quốc phòng chung của Liên minh, mang đến nền quốc phòng chung dựa trên Điều 52 của Hiệp ước EU.

Điều khoản này sẽ cho phép một nhóm các quốc gia thành viên đưa nền quốc phòng châu Âu lên một tầm mới. Trong kịch bản này, bảo vệ châu Âu sẽ trở thành trách nhiệm chung được tăng cường của EU và NATO. EU sẽ có thể tiến hành những hành động an ninh và quốc phòng cao cấp, được củng cố bởi mức độ hội nhập lớn hơn của các lực lượng quốc phòng của các quốc gia thành viên.

EU sẽ hỗ trợ các chương trình quốc phòng chung với Quỹ Quốc phòng châu Âu, cũng như thành lập cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng châu Âu chuyên biệt. Điều này cũng sẽ thúc đẩy việc tạo ra một thị trường quốc phòng châu Âu đích thực, có khả năng bảo vệ các hoạt động chiến lược trọng yếu từ những đơn vị tiếp quản từ bên ngoài.

Các kịch bản này không loại trừ nhau nhưng thể hiện ba mức độ tham vọng khác nhau về sự đoàn kết. Nhìn về tương lai, các nhà lãnh đạo EU phải quyết định ngay bây giờ con đường họ sẽ đi và tốc độ họ muốn đi để bảo vệ các công dân châu Âu.

Sông Thương
.
.
.