Những điểm mới trong chiến lược an ninh quốc gia của Nga

Thứ Bảy, 24/10/2015, 09:19
Trong bối cảnh mâu thuẫn với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Ukraine ngày càng gia tăng cùng với sự lớn mạnh đáng sợ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia của nước này tới năm 2020.


Nguyên tắc tối thượng của chiến lược này vẫn là mối liên hệ mật thiết giữa bảo đảm an ninh quốc gia với phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường hợp tác

Thông tin về quyết định điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia của Nga được tờ The Moscow Times đăng tải ngày 23/10. 

Theo đó, ngày 22/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sửa lại chiến lược an ninh quốc gia để đảm bảo tiếp nối chính sách nhà nước trong phạm vi an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia và các ưu tiên chiến lược. Cơ quan báo chí của Hội đồng an ninh quốc gia Nga cho biết, văn kiện Chiến lược an ninh quốc gia mới đã được một uỷ ban liên ngành chuyên trách của cơ quan này xem xét. Cơ quan này cũng khẳng định, bản sửa đổi sẽ giúp Moskva không bị cách biệt với phần còn lại của thế giới và vạch ra chính sách đối ngoại chủ động tích cực.

Quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin khi chỉ đạo việc này là phải lấy mối liên hệ không  tách rời giữa bảo đảm an ninh quốc gia với phát triển kinh tế - xã hội của nước Nga làm nguyên tắc nền tảng của chiến lược mới. Bản sửa đổi này cũng sẽ phải được trình lại cho ông Vladimir Putin xét duyệt chậm nhất là vào cuối năm 2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc  gia.  Ảnh: Sana.

Hãng tin Sputnik thì cho hay, hôm 22/10, trong khi đang tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận “Câu lạc bộ Valdai” diễn ra ở thành phố Sochi, Tổng thống Nga vẫn thường xuyên điện thoại, chỉ đạo các cấp, ban, ngành sớm thực thi những gì ông đã vạch ra cho việc thay đổi chiến lược an ninh quốc gia. Và khi ông Vladimir Putin đang kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác giải quyết các vấn đề chung, xây dựng một hệ thống hiệu quả nhằm đối phó với các nguy cơ vì lợi ích của tất cả các bên thì tại thủ đô Moskva, dự thảo văn kiện này cũng đã được đưa ra bàn thảo trong một cuộc họp cấp uỷ ban liên chuyên trách thuộc Hội đồng an ninh quốc gia. Kết luận của cuộc họp được đặc biệt chú ý khi các thành viên của uỷ ban này cho rằng cần phải ngăn chặn ngay việc Nga bị cô lập với thế giới bên ngoài như những gì mà Mỹ và EU đang mưu toan thực hiện.

Không thương mại hoá chủ quyền

Luật của Nga yêu cầu cập nhật chiến lược an ninh quốc gia 6 năm một lần. Phiên bản hiện tại được thông qua ngày 12/5/2009. 

Hồi tháng 7 vừa qua, trong cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Ptin cũng đã kêu gọi điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia để Nga có thể đối phó tốt hơn với những thách thức và mối đe doạ từ bên ngoài. Khi đó, ông Vladimir Putin đã yêu cầu các thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia phải nhanh chóng phân tích toàn bộ những thách thức và rủi ro tiềm năng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thông tin… rồi dựa vào đó để đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng, Nga sẽ tiếp tục giao lưu và hợp tác với các quốc gia khác trên cơ sở tôn trọng và tính đến lợi ích của nhau, nhưng với một điều kiện tiên quyết là không gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh quốc gia của Nga.

Đặc biệt, ông Vladimir Putin rất chú trọng đến vấn đề kinh tế và nhấn mạnh, đảm bảo an ninh kinh tế, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Tổng thống Nga còn yêu cầu Hội đồng an ninh quốc gia trong quá trình soạn thảo chiến lược phát triển cần phải nêu chi tiết các nguy cơ đe doạ tiềm ẩn trong lĩnh vực này để xác định tiêu chí và chỉ tiêu giới hạn của nền kinh tế trong đó nêu những rủi ro đối với an ninh quốc gia, đồng thời cụ thể hoá các biện pháp và cơ chế nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.

Về lĩnh vực tài chính, ông Vladimir Putin cũng đề nghị Chính phủ Nga phối hợp với Ngân hàng trung ương Nga chú trọng việc đảm bảo sự ổn định trong lĩnh vực tài chính, cải thiện cân bằng ngân sách, giảm gánh nặng nợ cho các chủ thể Liên bang tiếp tục chính sách hỗ trợ thay thế nhập khẩu song song với kiểm soát chất lượng hàng hoá.

Gia Nam
.
.
.