Nhiều nước thừa nhận phán quyết của PCA

Chủ Nhật, 02/10/2016, 08:24
Từ ngày 28 đến 30-9, tại Học viện Quốc phòng Australia ở Thủ đô Canberra, Australia đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Biển Đông trong an ninh hàng hải rộng hơn của Ấn Độ-Thái Bình Dương” với sự tham gia của khoảng 70 chuyên gia từ Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore.

Hội thảo do Học viện Quốc phòng Australia, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện các vấn đề quốc tế Nhật Bản đồng tổ chức.

Trong 3 ngày diễn ra hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề như triển vọng chiến lược và địa kinh tế ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trước sự gia tăng căng thẳng ở biển Đông; thế khó về kinh tế và an ninh cho Đông Nam Á liên quan vấn đề biển Đông; quan hệ Mỹ-Trung trong vấn đề biển Đông; lợi ích quốc gia và vai trò của những cường quốc chính và bậc trung trong vấn đề này; nhìn lại luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan); những thách thức và các biện pháp thực thi để giảm thiểu xung đột hay giải quyết tranh chấp…

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Carlyle Alan Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng, sau phán quyết của PCA hồi tháng 7, bất kể Trung Quốc có chấp nhận hay không thì các cường quốc hàng hải còn lại như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu… đều thừa nhận phán quyết đó nay như một phần của luật pháp quốc tế.

Tòa đã nói rất rõ rằng, không có đảo đá nào ở Trường Sa mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và chỉ có các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền với lãnh hải 12 hải lý và mọi tàu thuyền quân sự đều có quyền đi qua mà không bị cản trở. 

Minh Nhật
.
.
.