Nhiều nước cần có Nga trong giải quyết khủng hoảng toàn cầu

Thứ Ba, 03/04/2018, 08:41
Nga đang rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ thời hậu Xô Viết, khi căng thẳng ngoại giao với Anh, Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đang ở giai đoạn đỉnh điểm, xuất phát từ vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc trên lãnh thổ Anh.


Anh nhất quyết cáo buộc Nga là tác giả của vụ việc nhưng chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào. Trong khi đó, Moscow liên tục phủ nhận sự liên quan của mình và yêu cầu hỗ trợ điều tra làm rõ vụ việc.

Trong bối cảnh trên, hàng loạt nước châu Âu đã bày tỏ sự đoàn kết với Anh thông qua việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Theo số liệu do hãng Sputnik cung cấp, tính tới ngày 2-4, đã có hơn 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 quốc gia bị trục xuất.

Mặc dù vậy, nhiều nước châu Âu vẫn bày tỏ không muốn leo thang căng thẳng với Nga. Những nước này tuyên bố sẵn sàng từ chối gia nhập liên minh đoàn kết với Anh chống lại Nga, thậm chí lên tiếng chỉ trích London và các đồng minh, điển hình là Australia. Người phát ngôn Chính phủ Australia, Peter Launsky-Tieffenthal tuyên bố sẽ không thực hiện bất cứ biện pháp ở cấp độ quốc gia nào và cũng sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao.

“Lý do cho việc này là chúng tôi dự định giữ các kênh đối thoại cởi mở với nước Nga. Australia là quốc gia trung lập và là cầu nối giữa Đông và Tây. Tuy nhiên chúng tôi ủng hộ quyết định triệu hồi Đại sứ EU ở Moscow”, ông Peter Launsky-Tieffenthal cho biết.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Haiko Maas cũng đã cho rằng, lắng nghe và đối thoại với Nga là việc làm cần thiết. Ông Maas nhấn mạnh vai trò đối tác của Nga trong việc giải quyết các cuộc xung đột khu vực, đồng thời là một trụ cột quan trọng đối với hợp tác đa phương.

Máy bay chở các nhà ngoại giao Nga hạ cánh xuống sân bay Vnukovo.

Ông tuyên bố: “Chúng tôi cần nước Nga với tư cách là đối tác để giải quyết các xung đột trong khu vực, giải trừ quân bị và với tư cách là trụ cột quan trọng của chủ nghĩa đa phương. Do đó chúng tôi để ngỏ việc đối thoại và đang cố gắng khôi phục lại niềm tin nếu nước Nga sẵn sàng”.

Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis cũng nhấn mạnh, Nga là một đối tác chiến lược và cũng là mối quan ngại chiến lược, song cần thực tế để hiểu rõ việc cần có Nga trong giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu như ở Syria.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh cần điều tra kỹ vụ Skripal trước khi đưa ra kết luận: “Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ tới nước Anh và người dân Anh, nhưng đồng thời chúng tôi cần điều tra”.

 Về phần mình, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, từng làm luật sư hình sự, cho biết ông muốn nghe Thủ tướng Anh Theresa May trình bày trực tiếp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Từ châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận của Mỹ cũng rất thận trọng khi cho rằng, cần phải xem xét kĩ lưỡng và không vội trục xuất các nhà ngoại giao Nga khi chứng cứ chưa thuyết phục.

Về phía Nga, hôm 1-4 (giờ địa phương), Đại sứ nước này tại Anh Alexander Yakovenko cho rằng, cái gọi là vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc tại Anh là một “chiến dịch cờ giả” do các cơ quan tình báo Anh thực hiện, vì “chúng tôi không được cung cấp bất cứ bằng chứng nào và họ từ chối hợp tác với chúng tôi”.

Đại sứ Alexander Yakovenko chỉ ra rằng, hành động khiêu khích này được thực hiện với hai lý do. Lý do thứ nhất liên quan tới việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

“Tại Brussels, khi phát ngôn về vụ Skripal được đưa ra, chủ đề Brexit đã không được nhắc đến nữa, trong khi đó, có những thỏa thuận rất quan trọng được đưa ra vào thời điểm đó còn cần thêm các cuộc thương lượng giữa Anh và EU. Vấn đề là ở chỗ, chủ đề Brexit đã bị chìm đi”, ông Yakovenko nhấn mạnh. Lý do thứ hai, theo Đại sứ Yakovenko, có liên quan tới vai trò của Anh ở phương Tây.

Cùng ngày, Cơ quan đại diện thường trực Nga tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã cho Ban Thư ký Kỹ thuật (TKKT) của tổ chức này một danh sách gồm 13 câu hỏi liên quan đến cáo buộc Moscow đứng đằng sau vụ đầu độc trên.

Trong đó, Nga muốn làm rõ phía Anh có gửi thông tin bổ sung nào đó về cuộc điều tra riêng của nước này hay không, Anh đã giao tài liệu gì và liệu OPCW có chia sẻ thông tin của phía Anh với Nga không. Nga cũng quan tâm xem Anh đã đề nghị Ban TKKT OPCW hỗ trợ như thế nào, yêu cầu Ban TKKT OPCW xác nhận cụ thể điều gì: chỉ chứng nhận chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ đầu độc, hay chứng nhận rõ đó là loại “Novichok” như các nước phương Tây cáo buộc.

Trong danh sách này cũng có những câu hỏi cho chính OPCW: ai dẫn đầu nhóm chuyên gia của tổ chức này đến Anh để điều tra vụ đầu độc, những chuyên gia nào tham gia nhóm, thời gian điều tra bao lâu...

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu làm rõ thủ tục lấy mẫu thử và việc tuân thủ nguyên tắc tiến hành điều tra của OPCW khi lấy mẫu. Nga còn yêu cầu giải thích liệu Ban TKKT OPCW đã nhất trí tiết lộ các dữ liệu điều tra của phía Anh cho các nước Liên minh châu Âu (EU) hay không, hay Pháp có thông báo cho tổ chức này việc tham gia hỗ trợ kỹ thuật theo đề nghị của Anh. Và nếu Pháp đã tiến hành điều tra vụ việc này thì Paris đã chuyển cho OPCW kết quả hay không.

Cuối cùng, Moscow cũng yêu cầu OPCW nêu rõ lý do nếu tổ chức này không chia sẻ những thông tin điều tra (nếu có) của Pháp cho Nga. Trước đó, ngày 31-3, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã công bố danh sách câu hỏi gửi Bộ Ngoại giao Anh (14 câu) và Pháp (10 câu) liên quan vụ việc trên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.