Nguy cơ khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Cuba

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:41
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 3-10 về việc trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba để trả đũa cho việc “không bảo vệ nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại La Habana” đang thổi bùng căng thẳng giữa hai quốc gia này.

Hãng tin Miami Herald đưa tin, thời hạn để các nhà ngoại giao Cuba rời khỏi Mỹ là trong vòng 7 ngày, tính từ ngày 3-10. Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ rút hơn nửa số nhân viên ngoại giao tại La Habana về nước – bước đi được xem là gây tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ Mỹ-Cuba mới chỉ vừa được cải thiện năm 2015. 

Cũng theo hãng tin này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lý giải rằng, chính quyền Washington buộc phải làm căng trong quan hệ với Cuba là bởi nước này đã thất bại trong việc bảo vệ các nhân viên trong Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô La Habana khỏi những đợt tấn công sức khỏe một cách bí ẩn. 

Thêm vào đó, các cuộc trục xuất từ Đại sứ quán Cuba ở Washington cũng nhằm đảm bảo sự “công bằng về nhân sự” giữa Đại sứ quán hai nước. Trong khi đó, nguồn tin từ hãng AP khẳng định, các cuộc tấn công sức khỏe nhằm vào nhân viên Mỹ tại La Habana như Ngoại trưởng Rex Tillerson đề cập, thực tế là nhắm vào trái tim của mạng lưới tình báo Mỹ tại Cuba với các điệp viên tình báo nằm trong số những nạn nhân đầu tiên và bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. 

Nguồn tin này còn nhấn mạnh, các điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã hoạt động tại Cuba dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao và đến nay, có ít nhất 21 người bị gặp vấn đề về sức khỏe, một số người thậm chí còn bị tổn thương về não hoặc mất thính giác. Báo cáo từ Đại sứ quán Mỹ gửi về Washington cho biết, các nạn nhân trước khi ngã bệnh đều nghe thấy những âm thanh kỳ lạ, sau đó họ bắt đầu có triệu chứng ù tai, mệt mỏi và mất dần nhận thức…

Các nhân viên Đại sứ quán Cuba tại Mỹ bị yêu cầu phải rời khỏi nước Mỹ trong vòng 7 ngày. Ảnh: Getty

Mặc dù không có bằng chứng nào về việc này cũng như chưa có kết luận điều tra, song Mỹ ngay lập tức đã cáo buộc Cuba phải chịu trách nhiệm cho những vụ tấn công kỳ lạ. Rồi để chứng tỏ phản ứng của mình, Mỹ đã quyết định rút bớt nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở La Habana, dừng cấp visa cho công dân Cuba và đưa ra một cảnh báo du lịch đối với những người Mỹ muốn đến Cuba... 

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: “Cho đến khi Chính phủ Cuba có thể đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao, Đại sứ quán của chúng tôi sẽ giảm tối thiểu số nhân viên để ngăn chặn nguy cơ bị tấn công”. 

Đồng thời, ông Rex Tiller vẫn khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba, và sẽ tiếp tục hợp tác với Cuba khi chúng tôi theo đuổi cuộc điều tra về những cuộc tấn công này" và rằng nước Mỹ không loại trừ khả năng có kẻ thứ 3 đứng đằng sau vụ việc, gây chia rẽ quan hệ 2 nước.

Về phía Cuba, Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez đã gọi quyết định trục xuất nhân viên ngoại giao là hành động không có lý lẽ. Ông Bruno Rodriguez còn cáo buộc Mỹ không hợp tác với việc điều tra của Cuba về cái gọi là “các cuộc tấn công sức khỏe” và kêu gọi Washington ngừng việc chính trị hóa vấn đề này. 

Cuba cũng phủ nhận việc tham gia vào các cuộc tấn công sức khỏe và cho biết đã tăng cường an ninh cho nhân viên ngoại giao Mỹ nhưng phía Mỹ vẫn không hài lòng. 

Trước đó, Bộ Ngoại giao Cuba cũng tuyên bố, quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc rút bớt nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán nước này ở La Habana sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương, đặc biệt là đối với vấn đề hợp tác vì lợi ích chung cũng như những trao đổi có tính chất đa dạng giữa hai nước. 

Bà Josefina Vidal, Vụ trưởng Các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba nói: "Cuba không có bất kỳ trách nhiệm nào đối với những cáo buộc liên quan tới sự cố y tế của các nhân viên ngoại giao Mỹ trong thời gian gần đây. La Habana sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực giữa các cơ quan chức năng của hai nước để làm sáng tỏ sự việc"…

Giới quan sát nhận định, sau hơn nửa thập kỷ căng thẳng, Mỹ và Cuba đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 2 năm, nhưng có vẻ cánh cửa hòa bình vừa mở, lại đang có nguy cơ bị khép lại bởi những vấn đề khá nhạy cảm và dễ gây sóng gió. 

Một điều đáng chú ý nữa là dù trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Barack Obama đã thúc đẩy việc ký kết 18 hiệp định hợp tác giữa hai nước, song dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, những việc này vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai nhỏ giọt. 

Đỉnh điểm của chuyện này là chuyện ông Donald Trump tạm dừng một số chính sách đối với Cuba của người tiền nhiệm và ký gia hạn 1 năm đạo luật thương mại được áp dụng từ năm 1917 – đạo luật được cho là một trong những nền tảng pháp lý quan trọng của cuộc bao vây cấm vận chống Cuba. Do đó, nguy cơ quan hệ Mỹ-Cuba quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh là không nhỏ.

Gia Nam
.
.
.