Nga phủ nhận cáo buộc của phương Tây về vấn đề Syria

Thứ Năm, 12/11/2015, 08:24
Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/11 đã lên tiếng phủ nhận thông tin do hãng tin Reuters của Anh đăng tải trước đó một ngày rằng, Moskva đã đề xuất Chính phủ Syria và phe nổi dậy tiến hành quá trình cải cách kéo dài 18 tháng, tiếp sau đó là cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn và không loại trừ khả năng Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tham gia tranh cử.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phủ nhận việc Nga dự thảo một tài liệu như vậy trước thềm cuộc gặp ở Vienna với tuyên bố “thông tin này là không đúng với thực tế”.
Không quân Nga tấn công một mục tiêu của IS. Ảnh: Sputnik.

Theo nguồn tin trên, Nga được cho là đã soạn ra một bản đề xuất 8 điểm trước khi cuộc đàm phán quốc tế về tình hình Syria dự kiến diễn ra vào ngày 14/11 tại Vienna, Australia. Theo bản đề xuất này, các bên liên quan tại Syria cần phải đạt đồng thuận về những bước đi 8 điểm này tại cuộc gặp tới ở Vienna do Liên hợp quốc (LHQ) đứng ra bảo trợ; lưu ý rằng tiến trình cải cách này sẽ không do ông Assad chủ trì, mà do một nhân vật được các bên chỉ định.

“Tổng thống dân bầu của Syria sẽ nắm chức tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, kiểm soát các cơ quan đặc biệt và chính sách đối ngoại”, Reuters trích đoạn từ bản đề xuất. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định rằng, không có tài liệu nào được soạn thảo cho cuộc họp về Syria trong tuần này tại Vienna. Bà Zakharova cho biết, tại cuộc họp này, Moskva chỉ tập trung vào hai vấn đề chính, “một là, hệ thống hóa và có được nhận thức đúng về việc xem ai là quân khủng bố ở Syria và khu vực. Kế đến là lập một danh sách đại diện cho phe đối lập Syria để đàm phán với Damascus. Sự chuẩn bị của chúng tôi cho cuộc gặp ở Vienna là dựa trên văn bản được thông qua tại cuộc hội đàm hôm 30/10”.

Thực tế cho thấy, những kết quả mà Nga thu được từ khi bắt đầu chiến dịch không kích cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria tới nay rõ ràng đang khiến cả Mỹ lẫn phương Tây như “ngồi trên đống lửa”. Về góc độ chính trị, sự can thiệp quân sự của Nga đang làm thay đổi chính sách của Mỹ và phương Tây đối với Syria.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Ria Novosti hôm 10/11, Giáo sư Joshua Landis, tới từ Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Oklahoma (Mỹ) chỉ thẳng ra rằng, Mỹ không quan tâm tới việc kết thúc cuộc chiến tại Syria, và cũng không chịu thừa nhận việc Washington không biết làm cách nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong khi Nga đang thực sự chiến đấu chống lại IS, đồng thời đang hỗ trợ để tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột đẫm máu tại quốc gia Arab này.

Theo Giáo sư Landis, Washington tuyên bố sẽ gửi một đơn vị nhỏ của lực lượng đặc biệt tới Syria để “hỗ trợ” các chiến binh chống lại những kẻ khủng bố, nhưng đằng sau quyết định này là những mục tiêu “đen tối”. Tổng thống Mỹ Barack Obama “trước tiên chỉ cố gắng đáp lại những lời chỉ trích ông” rằng, Mỹ đang mất dần ảnh hưởng tại Trung Đông, và rằng, Nhà Trắng không muốn tiêu diệt IS mà chỉ muốn khống chế con quái vật này để nó không thể gây nguy hiểm cho nước Mỹ.

Giáo sư Landis nói: “Đúng là ông ấy (Tổng thống Obama) nói rằng sẽ tiêu diệt IS và rất nhiều người mong đợi điều này, nhưng ngay sau đó ông ấy lại nói rằng, việc này sẽ tốn nhiều thời gian”. “Washignton không có đủ ảnh hưởng để cái gọi là “đối lập ôn hòa”, những thế lực mà họ đang trợ giúp, có thể điều hành chính trị tại Syria. Mỹ không biết phải làm gì ở Syria, trong khi Nga đang có một cơ hội thực sự để trợ giúp hình thành một chính sách tại Syria”, Giáo sư Landis nói thêm.

Theo giới chuyên gia, việc Nga triển khai quân và thiết bị quân sự tới Syria gần đây khá đa dạng và điều này cho thấy các mục tiêu chiến thuật, chiến lược khác nhau của Moskva ở Syria trong tình hình hiện nay. Về mặt chiến thuật, Nga triển khai lực lượng là nhằm bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad trước sự chống đối của các lực lượng đối lập, chứ không phải chỉ chống một mình IS. Như vậy, mục tiêu chiến lược của Nga là bảo đảm duy trì một chính quyền Syria của người Alawite.

Còn về phương diện chính trị, Nga gắn hoạt động can thiệp quân sự ở Syria vào các nỗ lực để đưa Nga trở lại sân chơi quốc tế như một nhân tố trung tâm sau khi bị phương Tây cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraine. Đồng thời, việc Nga xây dựng một liên minh với Syria, Iran và Iraq cũng nhằm thể hiện rằng liên minh do Nga dẫn đầu này hiệu quả hơn liên minh do Mỹ dẫn đầu, đồng thời có tính chính danh cao hơn khi dựa trên sáng kiến của từng nước ở khu vực và kết nối với các đối tác địa phương nhiều hơn.

Kịch bản chiến tranh Nga - phương Tây không thể xảy ra

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 11/11 đã thừa nhận rằng, quan hệ giữa nước này với một số quốc gia phương Tây không được lý tưởng, song khẳng định các mối quan hệ đó sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn và kịch bản chiến tranh là điều không thể xảy ra.

Thủ tướng Medvedev nói: “Hiện có một vài nguyên thủ đã gợi nhắc về thời kỳ Thế chiến II”, đồng thời nhấn mạnh rằng, hành tinh của chúng ta đã sống sót sau 2 cuộc chiến tranh thế giới và hiện chúng ta không được phép nghĩ đến khả năng xảy ra điều gì giống như thế. Ông Medvedev cũng chỉ ra rằng, “điều quan trọng là mọi lãnh đạo nhà nước đều phải nhận thức rõ về những hậu quả và chịu trách nhiệm về các quyết định như vậy. Trong thế kỷ XXI, kịch bản (chiến tranh) này là điều không thể xảy ra”.

Kim Linh (theo Nước Nga ngày nay)

Khổng Hà
.
.
.