Nga - Mỹ lại leo thang căng thẳng vì Syria

Thứ Ba, 17/04/2018, 09:08
Vốn luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nay mối quan hệ Nga – Mỹ lại tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi Washington cùng đồng minh thực hiện đợt tấn công nhằm vào Syria hôm 14-4.

Không những vậy, Mỹ còn tuyên bố sẽ áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Đáp lại, Moscow tuyên bố sẽ không trì hoãn việc thông qua đạo luật đáp trả những biện pháp trừng phạt này.

Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình CBS của Mỹ hôm 15-4 (giờ địa phương), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley cho biết: “Các lệnh trừng phạt Nga đang được lên kế hoạch công bố. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ đưa ra thông báo về vấn đề này vào ngày 16-4, đánh trực tiếp vào các công ty mua bán thiết bị với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học. Tôi cho rằng, tất cả mọi người đều biết rằng chúng ta đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ, và hy vọng họ sẽ lắng nghe thông điệp đó”. 

Bên cạnh đó, bà Haley khẳng định, những hành động phản đối của Mỹ đối với chính phủ Syria và những người ủng hộ, trong đó có Nga là vô cùng quyết đoán. 

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow sẽ không trì hoãn việc thông qua đạo luật đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Các thành viên cấp cao của Hạ viện Nga đã thông báo họ đang cân nhắc một đạo luật để trao quyền cho Điện Kremlin cấm hoặc hạn chế đối với danh sách các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ. 

Thứ trưởng Ryabkov cho biết Moscow đang thảo luận về điều mà ông miêu tả là việc Washington lạm dụng vị thế của đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Liên quan tới vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria do liên quân Mỹ, Anh, Pháp tiến hành hôm 14-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, nếu những hành động vi phạm Hiến chương LHQ như vậy tiếp diễn, sẽ không tránh khỏi tình trạng hỗn loạn trong các mối quan hệ quốc tế. 

Ông cũng cho rằng, các cuộc tấn công của phương Tây đã phá hỏng cơ hội đạt được giải pháp chính trị tại Syria. Rõ ràng, cái gọi là vụ tấn công hóa học ở Douma (Syria) tới nay vẫn chưa có một tổ chức uy tín nào tiến hành một cuộc điều tra độc lập và khách quan. 

Tổng thống Assad khẳng định rằng, những cáo buộc của Mỹ “dựa trên những thực tế được thêu dệt”, Nga cũng công bố bằng chứng đã có sự “ngụy tạo” trong vụ việc này với ý đồ đổ lỗi cho quân đội Syria.

Nhấn mạnh Syria không sản xuất vũ khí hóa học, Moscow cho rằng, đợt tấn công này của Mỹ và đồng minh không phải phản ứng đối với một cuộc tấn công hóa học mà là phản ứng đối với thành công của các lực lượng vũ trang Syria trong việc giải phóng lãnh thổ của họ thoát khỏi những kẻ khủng bố. 

Thực tế cho thấy, đợt không kích được thực hiện đúng vào ngày sứ mệnh đặc biệt của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) bắt đầu tại Damascus để điều tra làm rõ chân tướng vụ việc ở Douma – nơi người ta nghi là vũ khí hóa học đã được sử dụng. 

Do đó, việc Mỹ và đồng minh vội vàng lên tiếng cáo buộc Chính phủ Syria vượt qua “lằn ranh đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học mà Mỹ đặt ra chỉ là cái cớ để Washington và đồng minh có hành động phiêu lưu quân sự.

Biểu tình tại Washington phản đối cuộc tấn công nhắm vào Syria.

Việc sử dụng vũ khí hóa học là đáng bị lên án và cộng đồng quốc tế cần có hành động kiên quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, một cuộc điều tra toàn diện nên đi trước bất cứ sự trừng phạt và hành động nào, đặc biệt là động thái quân sự, để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Các hành động như vậy trước tiên cần có sự thông qua của LHQ. 

Theo Hiến chương LHQ, bất cứ tranh chấp nào đều phải được giải quyết thông qua đối thoại, đàm phán và thỏa hiệp, và toàn bộ các thành viên phải kiềm chế sử dụng vũ lực chống lại quốc gia có chủ quyền khác. 

Việc sử dụng vũ lực mà không có sự cho phép của LHQ và không qua điều tra kỹ lưỡng sẽ chỉ là hành động vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, đồng thời làm leo thang căng thẳng tại Syria nói riêng, và cả khu vực Trung Đông nói chung. 

Lịch sử đã chứng minh hậu quả nguy hiểm từ chính sách can thiệp quân sự của các nước phương Tây tạo ra quãng thời gian bất ổn tại khu vực Trung Đông, từ Iraq đến Syria. 

Cuộc chiến tại Iraq năm 2003 và không kích Libya năm 2011 đều thất bại trong việc đảm bảo hòa bình, thay vào đó gây bất ổn hơn nữa tại Trung Đông khiến hàng triệu dân thường thương vong hoặc phải di tản.

Đợt không kích ngày 14-4 không phải là lần đầu tiên Mỹ có động thái răn đe Syria. Cách đây đúng 1 năm, Mỹ đã phóng tên lửa vào một sân bay quân sự của Syria nhằm đáp trả lại một cuộc tấn công bằng thứ được cho là “khí sarin” vào dân thường tại Khan Sheikhoun. 

Tuy nhiên, với những gì cả thế giới đang chứng kiến thì cuộc tấn công đó đã thất bại khi cuộc nội chiến ở Syria chẳng tiến thêm bước khả quan nào và người dân quốc gia Trung Đông này thì vẫn sống trong cái chết cận kề. 

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Chính phủ Peru thông báo đang cùng với các nước tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, cũng như bảo vệ dân thường trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, nhiều học giả, nhà hoạt động vì hòa bình đã bày tỏ quan điểm không đồng tình đối với hành động quân sự của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria. 

Họ lên án vũ khí hóa học và việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng phải điều tra cụ thể về việc này để có biện pháp can thiệp phù hợp, chứ không thể áp dụng can thiệp quân sự, triển khai các vụ không kích nhằm vào Syria. 

Bởi cả vũ khí hóa học và tấn công bằng tên lửa đều khiến người dân thường ở Syria phải chịu thiệt hại. Họ mong muốn tất cả các bên hãy ngồi vào bàn để cùng nhau thảo luận, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề ở Syria. 

Quan điểm của các các học giả, nhà hoạt động hòa bình này là phải xóa bỏ chiến tranh, phải giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng thông qua giải pháp hòa bình.

Châu Âu bất đồng về cuộc tấn công Syria

Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 16-4 đã nhóm họp tại Luxembourg với nỗ lực tạo ra một mặt trận chung trong bối cảnh bất đồng tại Syria và xử lý cuộc khủng hoảng chính trị đang ngày càng gia tăng với Nga. 

Trong khi nhiều chính phủ châu Âu đánh giá cuộc tấn công chớp nhoáng của Mỹ, Pháp và Anh vào Syria là cần thiết và thỏa đáng thì một số khác lại cảnh báo chống lại mọi sự leo thang quân sự vì lo ngại phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

Bất đồng còn xuất hiện ngay trong nội bộ liên quân đã thực hiện cuộc tấn công vào Syria hôm 14-4. Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đã thuyết phục thành công người đồng cấp Mỹ Donald Trump về việc giữ quân lại Syria một thời gian dài. Tuy nhiên ngay sau đó, Nhà Trắng khẳng định Washington muốn rút quân khỏi Syria “càng sớm càng tốt”. 

Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã thiết lập một căn cứ quân sự ở Đông Deir ez-Zor của quốc gia Trung Đông này. Cụ thể, căn cứ quân sự mới của Mỹ tọa lạc tại khu vực mỏ dầu al-Tanak, nơi hiện do lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát.

Trần Linh

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.