Nga – Hy Lạp: Bước sang trang mới, lạc quan hướng về tương lai

Thứ Hai, 30/05/2016, 08:10
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có chuyến thăm Hy Lạp kéo dài 2 ngày. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh, an ninh châu Âu không thể đạt được nếu không có sự hợp tác và đối thoại với Nga. Châu Âu khó có thể tiến lên phía trước hoặc đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế trong khi vẫn sa lầy trong cái vòng luẩn quẩn của lệnh trừng phạt, quân sự hóa và sự đối đầu kiểu thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là đối thoại. Tất cả mọi người đều thừa nhận rằng, sẽ không thể tồn tại một tương lai cho châu Âu với sự bất đồng sâu sắc giữa EU và Nga.

Về việc Nga tham chiến tại Syria, Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh rằng, Moskva đóng “vai trò then chốt” ở Syria về mặt ngoại giao cũng như quân sự, và có thể có những đóng góp đáng kể, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông nói: “Chuyến thăm của Tổng thống Putin mang tới cho chúng tôi cơ hội để tăng cường đối thoại chính trị về các vấn đề khu vực cũng như Syria”. Về tương lai của mối quan hệ giữa Hy Lạp và Nga, Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh sự cần thiết phải tái thiết lập các cuộc đối thoại về việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực với Moskva; đồng thời tiết lộ rằng sẽ cùng ông chủ Điện Kremlin ký kết một tuyên bố chính trị về tăng cường các mối quan hệ trong khuôn khổ chuyến thăm này.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trả lời báo giới hôm 28-5.

Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh rằng, hiện Athen và Moskva đang nỗ lực đưa mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới: “Chúng tôi đang bước sang một trang mới và chấm dứt tình hình bất ổn. Chúng ta có thể lạc quan hướng về tương lai để khởi động lại nền kinh tế, xây dựng lại sản xuất và tiến tới phát triển. Tôi tin rằng, tất cả các yếu tố này sẽ đóng góp tích cực để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa Nga và Hy Lạp trong một môi trường ổn định và triển vọng”.

Trước đó, hôm 27-5, Tổng thống Putin đã thực hiện chuyến thăm Hy Lạp đầu tiên trong 9 năm qua. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh, chỉ còn vài tuần nữa, EU sẽ xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Athen sau khi hội đàm với Thủ tướng Tsipras, Tổng thống Putin khẳng định, các lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa 2 nước là năng lượng và du lịch.

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng đã ký nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng với Hy Lạp. Ngoài việc ký các thỏa thuận nói trên, ông chủ Điện Kremlin cũng nhắc lại mối quan hệ lịch sử và tôn giáo giữa Nga và Hy Lạp nhằm gửi thông điệp muốn xích lại gần châu Âu. Ông nói: “Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về triển vọng hợp tác song phương. Chúng tôi đang có nhiều vấn đề khó khăn và những rào cản, song giữa Nga và Hy Lạp chắc chắn có những triển vọng hợp tác tích cực”.

Nhân dịp này, Tổng thống Putin đã lên tiếng chỉ trích những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU nhằm vào Nga. Theo ông, Nga không áp đặt các biện pháp trừng phạt mà chỉ đơn thuần đưa ra các biện pháp ứng phó với các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với nước này.

Phát biểu hôm 26-5 trước thềm chuyến thăm Hy Lạp, Tổng thống Putin tuyên bố EU sẽ không thể có tầm ảnh hưởng toàn cầu nếu thiếu sự giúp đỡ của Nga, đồng thời nhấn mạnh, một vị thế chính đáng của Lục địa Già trong các vấn đề thực tiễn của thế giới sẽ chỉ có thể được bảo đảm bằng cách kết hợp năng lực của tất cả quốc gia châu Âu, trong đó có Nga.

Ông Putin cũng kêu gọi thành lập một liên minh năng lượng với châu Âu và nới lỏng quy định về cấp thị thực cho công dân Nga tới EU. Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ thị các bộ trưởng soạn thảo các kiến nghị gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây đến hết năm 2017. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev khẳng định nước này không có kế hoạch mở rộng danh sách các mặt hàng thực phẩm phương Tây bị cấm.

Cũng trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng nước chủ nhà, Tổng thống Putin nhấn mạnh một số yếu tố trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, vốn đã được triển khai và lắp đạt tại Romania và Ba Lan, là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh nước Nga. Vì vậy, Nga sẽ có những động thái đáp trả thích đáng với những động thái không thân thiện trên.

Khổng Hà
.
.
.