NATO và vở kịch phi lý nhằm “dằn mặt” Nga

Thứ Tư, 13/07/2016, 17:59
Sau hai ngày nhóm họp, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kết thúc hôm 9-7, với một loạt các “quyết sách mới”, trong đó phải kể đến quyết định mở rộng phạm vi hoạt động lẫn tầm ảnh hưởng ở sườn phía Đông của khối này với bốn tiểu đoàn luân phiên tại Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva từ năm 2017, bất chấp những cảnh báo và phản ứng gay gắt trước đó của Nga. Ngay sau đó, đã có bình luận rằng, Hội nghị lần này của NATO đã trở thành vở kịch phi lý và không hề có đóng góp gì cho ý tưởng an ninh tập thể.

Mặc dù Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sẽ giải thích về biện pháp trên cho Moscow, song quyết định đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua có thể coi là “lời tuyên chiến” với Nga, quốc gia luôn coi bất kỳ hành động “bành trướng” nào của NATO về khu vực phía Đông giáp biên giới nước này là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và làm giảm lòng tin giữa hai bên.

Bài bình luận trên tờ The Nation Interest chỉ ra rằng, Hội nghị của NATO chỉ tập trung vào việc “bảo vệ các cựu thành viên Hiệp ước Warsaw khỏi mối đe dọa Nga”. Những người nghiêm túc sẽ không hy vong đe dọa Nga bằng cách bố trí bốn tiểu đoàn trên với mục đích dằn mặt Moscow. Nhiều khả năng, các thành viên Liên minh này hy vọng sẽ tạo ra một cái gì đó để “răn đe” Moscow và làm dịu sự “căng thẳng thần kinh” của các nước đang lo sợ trước thông tin về việc Nga tái vũ trang. Nếu như các nước NATO thực sự quan tâm duy trì sự ổn định trong khu vực Baltic, thì thay vì gửi các đơn vị chiến đấu, có lẽ họ đã tập trung vào các vấn đề như thái độ của chính quyền địa phương đối với những bộ phận dân cư nói tiếng Nga và sự hòa hợp của các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, lạ một điều là, trong kế hoạch của NATO không hề có kịch bản nào như vậy, trước hết vì từ lâu Liên minh đã không còn là công cụ phòng thủ tập thể và duy trì ổn định trên thế giới. Bây giờ, vai trò quan trọng của EU là tạo khả năng để cho Mỹ điều khiển an ninh châu Âu. Còn tất cả những mục tiêu và nhiệm vụ khác, kể cả những mục tiêu và nhiệm vụ thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Warsaw chỉ là một “trò hề” để đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi thực tế đó.

Trong khi đó, theo nhận định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, NATO đang ngày càng khuếch trương mưu toan tô vẽ hình ảnh nước Nga như một mối đe dọa để biện minh cho các hành động của mình cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi vai trò của NATO và một số quốc gia thành viên trong việc gây ra các cuộc khủng hoảng và duy trì tình hình căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới.

Bà Zakharova nhấn mạnh Moscow đang nghiên cứu kĩ các quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO, tuy nhiên đánh giá sơ bộ cũng cho thấy bất chấp nhu cầu khách quan duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu, nhu cầu phối hợp tiềm năng của tất cả các quốc gia nhằm chống lại những thách thức thực tế của thế giới ngày nay, NATO đang tập trung vào việc kiềm chế một nguy cơ mà họ tự vẽ ra từ phía Đông.

Theo nhà ngoại giao người Nga, ngày càng rõ rệt hơn về mưu toan vẽ nên hình ảnh nước Nga thành một mối đe dọa nhằm biện minh cho các biện pháp tăng cường quân sự cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi vai trò của NATO và một số quốc gia thành viên trong việc gây ra các cuộc khủng hoảng và duy trì tình hình căng thẳng tại các khu vực trên thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo NATO đang xem nhẹ những hậu quả tiêu cực đối với an ninh của NATO, xuất phát từ các kế hoạch của Mỹ và khối này nhằm thay đổi cán cân lực lượng hiện nay, trong đó có việc tăng cường thực hiện các kế hoạch phòng thủ tên lửa ở Châu Âu.Bà Zakharova tuyên bố Nga chờ đợi sự giải thích cụ thể của NATO về việc tăng cường quân sự trên mọi hướng tại cuộc họp ngày 13-7 tới của Hội đồng Nga - NATO cấp đại diện thường trực. Nga cũng chờ đợi ý kiến của NATO đối với đề nghị của Phần Lan về các biện pháp tăng cường an toàn hàng không khu vực Baltic.

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw, Ba Lan.

Và để đáp lại các hành động “khiêu khích và gây hấn” của NATO, Moscow cũng tăng quân bảo vệ sườn phía Tây giáp các nước NATO, bao gồm việc thành lập 2 sư đoàn mới tại Quân khu miền Tây và một sư đoàn mới ở Quân khu miền Nam. 

Hơn 2.000 loại thiết bị quân sự mới hoặc đã được nâng cấp sẽ được đưa vào hoạt động trong các đơn vị của Quân khu miền Tây, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-400. Một quân đoàn mới cũng đã được thiết lập trong Hạm đội Baltic của Nga hồi tháng 4. Trong vòng 3 năm qua, Hạm đội Baltic đã tiếp nhận 2 tàu chiến cùng nhiều hệ thống phòng không và phóng rocket, ...

Cũng có ý kiến bình luận rằng, NATO xem Nga như là một đe dọa lớn gây bất ổn cho châu Âu, thế nhưng chính bản thân NATO cùng với hệ thống truyền thông chống Nga mới là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ở châu Âu. 

Ông Haldun Solmaztürk, một vị tướng về hưu của Thổ Nhĩ Kỳ và hiện đang là người đứng đầu Viện Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ XXI, khẳng định, phương Tây luôn cố gắng tìm cách đổ lỗi cho Nga mỗi khi họ mắc sai lầm và trò đổ lỗi này cực kỳ tiêu cực và rất vô lý.

Ông Solmaztürk nêu rõ: “Chúng ta hay hỏi những người đã cố gắng tìm lấy lý do để quy trách nhiệm cho Nga phá hoại tình hình địa chính trị ở châu Âu, trong khi Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002. Vậy Washington có quyền gì chỉ trích Moscow?”. 

Đây không chỉ là khác biệt duy nhất giữa Mỹ, NATO và Nga. Bởi ngoài ra, Nga đã chủ động thực hiện các nỗ lực quân sự và ngoại giao để xóa sổ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chiến dịch của Moscoww đã đạt được nhiều thành công vang dội, trong khi đó các nước phương Tây vẫn tỏ ra chần chừ khi hợp tác với Nga để chống khủng bố.

Không những thế, NATO còn nhiều lần chỉ trích Nga vì những hành động của họ ở Syria. Vị tướng về hưu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án lãnh đạo các nước phương Tây vì đã khuyến khích thực hiện chiến lược tuyên truyền bài Nga trên truyền thông và tất cả thông tin có thể được dùng để chống lại Nga đều được thổi phồng quá mức. 

Đây chính là lý do vì sao các nước Đông Âu và các nước Baltic thường tỏ ra lo ngại trước những hành vi được cho là “gây hấn” của Nga.

Những động thái mới nhất của NATO đang “đổ thêm dầu” vào những căng thẳng và mâu thuẫn vốn âm ỉ từ lâu trong quan hệ với Nga. Nhưng, vào chính thời điểm hiện tại, ngay trong nội bộ NATO lại đang tồn tại khá nhiều mâu thuẫn xung quanh việc sẵn sàng thực hiện đường lối chống Nga quyết liệt do Washington áp đặt. Cụ thể, Đức, Pháp và Italy đã không hề giấu giếm quan điểm từ bỏ chính sách cứng rắn trong quan hệ với Moscow cả trong vấn đề các lệnh cấm vận kinh tế chống Nga cũng như trong vấn đề luân chuyển lực lượng quân sự của NATO với mục đích kiềm chế Nga.

Và chính cuộc họp Hội đồng Nga – NATO, dự kiến diễn ra vào ngày 13-7, chính là cơ hội để hai bên làm dịu đi tình hình. Dẫu sao, một cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn giữa hai bên vào lúc này cũng là một cách thức tốt để cả Nga và NATO có thể tìm kiếm một giải pháp giảm đối đầu, bởi điều đó không chỉ đáp ứng lợi ích của hai bên mà còn vì lợi ích an ninh của toàn khu vực châu Âu và Đại Tây Dương.

Khổng Hà
.
.
.