Mỹ muốn tránh xung đột hạt nhân bằng mọi giá?

Thứ Ba, 19/06/2018, 08:21
Trong bối cảnh thiếu sự ủng hộ của các thành viên trong đảng Cộng hòa, sự chỉ trích từ các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ đối lập, sự hoài nghi từ các đồng minh cùng giới truyền thông, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, thách thức những lời nhận xét cho rằng thỏa thuận này là mơ hồ và thiếu mục tiêu rõ ràng.

Ông Trump cho rằng, thỏa thuận này đã giúp thế giới tránh một cuộc xung đột hạt nhân.

Trong một phát biểu tại Nhà Trắng gần đây, ông Donald Trump khẳng định: “Tôi không muốn thấy vũ khí hạt nhân phá hủy bạn và gia đình bạn. Nếu chúng tôi bước vào bàn đàm phán với tâm lý chuẩn bị chiến tranh với Triều Tiên thì tính mạng của hàng triệu người có thể bị đe dọa”.

Người đứng đầu Nhà Trắng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ thỏa thuận phi hạt nhân hóa giữa Washington với Bình Nhưỡng, khẳng định Mỹ cần nắm bắt cơ hội để ngăn chặn một cuộc “xung đột hạt nhân” bằng mọi giá. “Thế giới của chúng ta đã chứng kiến quá nhiều cuộc xung đột. Nếu có cơ hội hòa bình, nếu có cơ hội chấm dứt mối đe dọa khủng khiếp về xung đột hạt nhân, chúng ta phải theo đuổi nó bằng mọi giá”, ông nói.

Tổng thống Donald Trump cũng kêu gọi các nhà lập pháp bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận. Trong số các nhà chính trị Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo là một trong những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump mạnh mẽ nhất. Ông Pompeo đã dẫn đầu các cuộc đàm phán tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều và sẽ tiếp tục làm việc với CHDCND Triều Tiên để đưa ra những chi tiết cụ thể trong khuôn khổ thỏa thuận.

Nhưng để tránh một cuộc “xung đột hạt nhân”, từ thành công của Thượng đỉnh liên Triều, Mỹ giờ cũng cần phải tính đến giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, hồ sơ hạt nhân của Iran lại có bản chất hoàn toàn khác, trước hết là chính quyền Tehran chưa sở hữu vũ khí hạt nhân đủ sức răn đe và làm phá sản tư duy “hòa bình thông qua sức mạnh” của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump muốn tránh cuộc chiến hạt nhân. Ảnh: Time.

Do đó, Tổng thống Donald Trump không chỉ tuyên bố đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran mà còn đưa ra yêu sách 12 điểm, trong đó có 6 điểm quan trọng. Gồm: Iran phải vĩnh viễn từ bỏ chương trình hạt nhân dưới sự kiểm chứng của các thanh sát viên quốc tế; chấm dứt mọi hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo; Iran phải rút tất cả các lực lượng nằm dưới quyền kiểm soát và chỉ huy của họ ra khỏi Syria; Iran phải ngừng hỗ trợ tất cả các nhóm mà Mỹ coi là khủng bố ở Trung Đông như tổ chức Hezbollah của Lebanon, phong trào Hamas của Palestine và lực lượng người Housi ở Yemen; hoàn toàn từ bỏ mọi hành động đe dọa và kế hoạch hủy diệt nhà nước Israel; thả tất cả các công dân Mỹ và các đồng minh cũng như các đối tác của Mỹ từng bị Iran giam giữ.

Rõ ràng, những yêu sách này của Mỹ đã vượt ra ngoài khuôn khổ hồ sơ hạt nhân của Iran nhằm thực hiện toan tính thay đổi chính thể ở Iran. Bởi vậy, chính quyền Tehran coi đó như là bản tối hậu thư buộc Iran phải “đầu hàng”. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố không chấp nhận các yêu sách này của Mỹ và cho rằng kỷ nguyên Mỹ có thể sử dụng sức mạnh để “bắt nạt” các nước đã qua rồi.

Ông nhấn mạnh: “Iran sẽ đi theo con đường mà mình đã chọn. Tất cả nhân dân Iran ủng hộ chính phủ. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép Mỹ đưa ra quyết định thay cho cộng đồng quốc tế”.

Hồi tuần trước, Mỹ đã hé lộ chiến lược gọng kìm siết chặt đối với Iran. Theo đó, những mục tiêu trong chính sách của Washington đối với Tehran đã được xác định cụ thể, gồm 3 nội dung: Không chương trình hạt nhân; không gây hấn và hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố tại khu vực; và không đàn áp dư luận Iran. Để đạt được 3 mục tiêu này, Ngoại trưởng Mỹ vạch ra một bản chiến lược 3 yếu tố, trong đó tập trung vào gây sức ép kinh tế chưa từng có nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.

Ngoài ra là trừng phạt quân sự và khuấy động dư luận Iran. Như vậy, chính sách đối địch toàn diện của Mỹ với Iran đã rất rõ ràng. Mỹ có đầy đủ các công cụ từ kinh tế, quân sự, liên minh, ngoại giao và nhân đạo để gây áp lực đa chiều hơn với Iran.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.