Mỹ - Nga tái khởi động đàm phán chiến lược

Thứ Sáu, 30/07/2021, 07:00
Các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ và Nga mới đây đã tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và nhất trí gặp mặt lại vào tháng 9 tới đây, sau các cuộc tham vấn không chính thức.

Hai phái đoàn đàm phán Mỹ - Nga do Thứ trưởng Ngoại giao hai bên, Wendy Sherman và Sergei Ryabkov, dẫn đầu ngày 28-7 đã có cuộc gặp tại trụ sở cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ. Được sự ủy nhiệm của các nhà lãnh đạo hai nước, đây là lần đầu tiên sau gần một năm hai bên tổ chức cái gọi là “cuộc đàm phán ổn định chiến lược” trong bối cảnh mâu thuẫn song phương về một loạt vấn đề, bao gồm cả kiểm soát vũ khí.

Sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã đạt được đồng thuận về một số lĩnh vực, đáng chú ý là việc nhất trí tổ chức một cuộc họp cấp cao khác vào tháng 9 tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, “bất chấp một số thời điểm căng thẳng, hai bên vẫn duy trì cam kết nhằm đảm bảo tính dễ dự đoán và giảm nguy cơ xung đột vũ trang cũng như mối đe dọa chiến tranh hạt nhân”.

Ông Price dành hai từ “chuyên nghiệp” và “thực chất” khi đánh giá về các cuộc thảo luận giữa hai bên, đồng thời nhấn mạnh, phía Mỹ đã thẳng thắn đề cập đến môi trường an ninh quốc tế, triển vọng kiểm soát vũ khí hạt nhân, các ưu tiên chính sách của mình cũng như hình thức tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo. Hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov cho biết ông hài lòng với cuộc đàm phán và phía Mỹ cũng thể hiện sự sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng tại cuộc hội đàm.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - Nga tại cuộc gặp. Ảnh: Getty Images.

Hãng tin Al Jazeera nhận định, cuộc đàm phán không đem lại kết quả đột phá nào, trong khi đó, đài Sputnik của Nga trích dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết, “đã có một cuộc thảo luận toàn diện về các phương pháp tiếp cận” nhằm duy trì sự ổn định chiến lược, triển vọng kiểm soát vũ khí và các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Quy mô và kết quả cụ thể của cuộc đàm phán ngày 28-7 không được công khai, tuy nhiên, một số chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là khởi đầu của một tiến trình.

Daniel Hogsta, nhà nghiên cứu từ Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân – một tổ chức từng đoạt giải Nobel, cho biết “các cuộc đàm phán nhiều khả năng là bước đệm dẫn đến việc cắt giảm thực chất và đáng kể vũ khí hạt nhân” và nếu không đạt được mục đích này, đó sẽ là “một thất bại vô trách nhiệm”. Trong khi đó, Andrey Baklitskiy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ cao cấp tại Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, lại không đặt quá nhiều kỳ vọng.

Ông này cho biết, Nga “đang tái khởi động với một chính quyền mới tại Mỹ, bắt đầu từ con số không”. Chuyên gia này nhận định, cuộc gặp của hai phái đoàn ngoại giao cấp cao này nhằm “chào hỏi và cố gắng thiết lập những hiểu biết cơ bản” giữa hai nước.

Cuộc đàm phán chiến lược này được tổ chức trong bối cảnh Nga đang tăng cường tích lũy sức mạnh quân sự ở Bắc Cực và thử nghiệm các vũ khí mới nhất, bao gồm cả ngư lôi tàng hình không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, phát biểu hôm 27/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Nga đã có hành động nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào năm tới, và nói thêm rằng các cuộc tấn công mạng đều có thể dẫn đến chiến tranh.

“Chúng ta đều đã thấy cách mà các vụ tấn công mạng, bao gồm tấn công bằng mã độc, có thể tàn phá và làm gián đoạn thế giới thực tế như thế nào. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa các nước lớn và gây ra hậu quả nghiêm trọng”, ông Biden cho biết. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn nhận định người đồng cấp Nga đang “gặp rắc rối” vì nền kinh tế Nga “chỉ có vũ khí hạt nhân và các mỏ dầu”. Đáp lại, Điện Kremlin cho biết ông Biden đã sai khi đưa ra nhận định này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo hai siêu cường nắm giữ 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới, hồi tháng 6 đã nhất trí khởi động đối thoại song phương về ổn định chiến lược để “đặt nền móng cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai”.

Reuters trích dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, quyết định tiếp tục gặp nhau trong thời gian tới cho thấy các bên nhận thức được cần phải giải quyết các tranh chấp về kiểm soát vũ khí với trách nhiệm, tư cách là những nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng, theo quan chức này, là đối phó với các mối đe dọa do “các công nghệ mới xuất hiện có thể làm đảo lộn sự ổn định chiến lược”, bao gồm vũ khí điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo, các cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí siêu thanh trên không hoặc dưới nước, cơ động cao và có thể né tránh các hệ thống phòng thủ.

Tháng 2 vừa qua, Nga và Mỹ đã gia hạn thêm 5 năm cho Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START Mới), một thỏa thuận nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương, vài ngày trước khi hiệp ước này hết hiệu lực. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược, tên lửa và máy bay ném bom mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Phía Nga từ lâu khẳng định không thể có sự ổn định chiến lược mà không có giới hạn về vũ khí phòng thủ cũng như tấn công. 

Nga kiên quyết rằng phòng thủ tên lửa nên là một phần của thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai. Về phần mình, chính quyền Biden muốn Moscow đồng ý hạn chế cái gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược, không nằm trong START Mới.

Duy Tiến
.
.
.