Một cuộc điều tra khoa học có thể ngăn chặn xung đột Mỹ-Trung?

Chủ Nhật, 10/05/2020, 15:05
Thông thường, những thảm hoạ tồi tệ sẽ đem tới vài khía cạnh tích cực. Trong quá khứ, các thảm hoạ đã khiến chúng ta phải rút ra nhiều bài học xương máu, từ đó tạo ra thay đổi đáng kể và giúp nhân loại tiến bộ. Giờ đây, đại dịch COVID-19 cũng không phải là ngoại lệ.


Do đó, việc thế giới muốn tiến hành một cuộc nghiên cứu khoa học nghiêm túc về COVID-19 là điều hợp lý, giúp điều tra cách thức virus lây lan và chỉ rõ ra được liệu những phản ứng của chính phủ nhằm ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả hay không.

Với những thiệt hại mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho loài người, đây là việc làm bắt buộc để trả lời một chuỗi các câu hỏi chưa có lời giải, ví như việc liệu đại dịch có phải là thảm hoạ “không thể tránh khỏi”? Hay liệu con người và lối sống của họ có đáng trách? Vai trò của toàn cầu hóa là gì? Và nên làm gì để ngăn chặn những vấn đề tương tự trong tương lai?...

Các nhà khoa học ngành y tế, nhà virus học, nhà miễn dịch học, nhà dịch tễ học và dược sĩ đều mong muốn truy tìm nguồn gốc của virus và xem cách thức lây lan của nó có phải từ động vật sang người hay không. Việc tìm hiểu rõ về đặc điểm của virus, xác định nguồn gốc, nguyên nhân và lý do của sự lây lan là vô cùng quan trọng đối với họ.

Hình biếm hoạ trên tờ SCMP về màn khẩu chiến thời gian qua về dịch COVID-19 giữa Mỹ-Trung. (Ảnh: Kaliz Lee)

Các nghiên cứu khoa học sẽ giúp các cơ quan y tế công cộng tìm ra các biện pháp kiểm dịch hiệu quả hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus trong tương lai và hỗ trợ phát triển vaccine, thuốc điều trị và thiết bị bảo hộ.

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những lỗ hổng trong hệ thống quản lý và an ninh y tế công cộng toàn cầu. Các nghiên cứu học thuật sẽ giúp cải thiện các hệ thống này cũng như tăng cường hợp tác, phối hợp và quản lý toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh để mọi người nhận ra họ đang sống dưới hai mối đe dọa khác nhau, một là từ tự nhiên, hai là từ chính con người.

Liên tiếp các cuộc khẩu chiến về COVID-19 giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng các đồng minh phương Tây của Mỹ đã giảm quan hệ các bên xuống mức thấp lịch sử. Vì vậy, một cuộc điều tra độc lập là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp này và giúp xoa dịu căng thẳng.  

Bên cạnh đó, do thực tế là cả thế giới đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, mọi người nói chung có quyền hợp pháp để đặt câu hỏi về những gì đã xảy ra, cách chính phủ phản ứng với đại dịch, cũng như liệu có ai hay bất kỳ nhóm nào phải chịu trách nhiệm hay không.

Chính phủ và người dân nhiều nước có quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc - như Đức, Pháp, Australia và New Zealand đã lên tiếng kêu gọi một cuộc điều tra như vậy, nhưng Trung Quốc đã kịch liệt phản đối vì cho rằng “phương Tây đang mải mê với trò chơi đổ lỗi cho các nước khác và tổ chức quốc tế mà làm ngơ trước những sai lầm của chính mình".

Về phần mình, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cho biết, có thể với cùng một hiện tượng, mỗi đối tượng có một cách hiểu khác nhau. Một khi chúng ta lật giở lại những trang của đại dịch này, sẽ có thời gian để hiểu được đầy đủ cách thức mà đại dịch đã xuất hiện là lan rộng, sức tàn phá nhanh chóng của nó trên toàn cầu, và cách mà tất cả đã ứng phó với cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

Để chắc chắn, một cuộc điều tra như vậy phải được tiến hành độc lập, khách quan và công bằng. Việc chỉ trích cũng cần dựa trên khoa học, bằng chứng, thực tế và sự thật. 

Một cuộc điều tra độc lập sẽ là cách tốt nhất để giải quyết ổn thoả các tranh chấp và căng thẳng leo thang. Nếu không, nó rất có thể gây ra một cuộc chiến tranh, khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã liên tục chỉ trích Bắc Kinh, tiết lộ việc đang cân nhắc thêm biện pháp trừng phạt Trung Quốc và khả năng đòi bồi thường tài chính từ Trung Quốc. 

Mới đây, phát biểu tại một sự kiện hôm 3/5, ông Trump đã đe dọa kết thúc thỏa thuận thương mại giai đoạn một nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ.

Đại dịch đã làm dấy lên sự ngờ vực và thậm chí là thù hận đối với Trung Quốc. Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của tổ chức Redfield & Wilton Strategies (Anh) cho thấy 55% số người được hỏi cảm thấy Bắc Kinh phải nhận trách nhiệm về đại dịch. Kết quả từ một cuộc thăm dò khác của tổ chức này cho thấy một nửa số người Mỹ ủng hộ các vụ kiện tập thể để yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại.

Trung Quốc nên tiến hành điều tra riêng để tìm ra sự thật đằng sau vụ dịch ở nước này. Nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước đang yêu cầu một cuộc điều tra như vậy, đặc biệt là sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus SARS-CoV-2.

Chẳng có nhà khoa học viễn tưởng vĩ đại nhất nào có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai, nhưng gần như chắc chắn rằng COVID-19 sẽ không phải là lần cuối cùng loài người phải đối phó với đại dịch. Một nghiên cứu khoa học nghiêm túc là bước đầu tiên chúng ta phải thực hiện để chuẩn bị cho những mối đe dọa tiếp theo trong tương lai.

Cao Trung (Lược dịch bài viết của bình luận viên Cary Huang từ SCMP)
.
.
.