Một cơ hội lớn không thể bỏ lỡ để khôi phục hòa bình

Thứ Bảy, 31/10/2015, 07:34
Đó là nhận định của Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura đối với cuộc đối thoại về Syria diễn ra ngày 30/10 tại Vienna, Austria.

Với sự xuất hiện lần đầu tiên trên bàn nghị sự của Iran và Saudi Arabia, hai nước được cho là bên trực tiếp hậu thuẫn chính phủ và phe nổi dậy ở Syria, ông Mistura cho rằng, việc cuộc đối thoại diễn ra với tất cả các thành phần tham dự đã là một tín hiệu rõ ràng, đồng thời bày tỏ hi vọng điều này sẽ mang lại một bước tiến thực chất nào đó nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp người đồng cấp Iran Javad Zarif trước thềm hội nghị tại Vienna, Austria.

Đặc phái viên LHQ về Syria nhận định: “Tôi cho rằng chúng ta đã đạt đến mức có được sự nhận thức chung rằng các công thức quân sự sẽ không dẫn đến kết quả nào, kể cả khi Nga có can thiệp và thực sự làm thay đổi cục diện, khiến cho một giải pháp ngoại giao trở nên cấp bách hơn. Nếu không có một chính phủ chuyển giao ở Syria, chúng ta sẽ không thể chấm dứt cuộc xung đột này cũng như chắc chắn không thể chiến đấu và chiến thắng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 29-10 đã lên tiếng kêu gọi kêu tất cả các nước tham gia đối thoại về Syria ở Vienna gạt sang một bên quan điểm riêng của mỗi nước để có thể giải quyết cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này. Ông Ban Ki-moon đã hoan nghênh sự tham gia lần đầu tiên của Iran tại các cuộc thảo luận tại Vienna, đồng thời kêu gọi các bên tham gia thể hiện “sự linh hoạt” để đạt được giải pháp cụ thể cho vấn đề Syria.

Tổng Thư ký LHQ đồng thời bày tỏ hy vọng 5 nước Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hãy tư duy một cách toàn cầu nhằm thể hiện vai trò dẫn dắt trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Về phía nước chủ nhà, Ngoại trưởng Sebastian Kurtz cho rằng: “Chúng tôi có Mỹ, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ ở một bên và bên kia là Nga, Iran. Họ đang đi theo những phương hướng khác nhau, bao gồm cả mặt quân sự. Vì thế điều quan trọng là các cường quốc như Nga, Mỹ và các nước trong khu vực cùng tìm ra một hướng đi chung. Chỉ khi họ cùng ủng hộ một tiến trình thì tiến trình đó mới có cơ hội khả thi”. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì nói rằng, hội nghị quốc tế về Syria sẽ thành công nếu các bên tham gia đạt được đồng thuận về một số nguyên tắc cơ bản, ví như duy trì chính thể nhà nước Syria đơn nhất, tiến trình tạo lập một chính phủ chuyển tiếp. “Bước đột phá sẽ không có trong ngày mai”, ông Steinmeiner phát biểu khi ở thăm Athens, Hy Lạp hôm 29-10. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thì khẳng định các bên sẽ không thể đạt được một giải pháp hợp lý về vấn đề Syria nếu không có sự tham gia của Tehran trong các cuộc đàm phán.

Việc Iran lần đầu tiên tham dự một cuộc gặp cấp cao đa phương về Syria được đánh giá là một diễn biến mới, phản ánh sự thay đổi quan điểm của Mỹ về vai trò của Tehran. Phát biểu từ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest bày tỏ, loại Nga và Iran ra khỏi tiến trình đàm phán sẽ đánh mất đi cơ hội. Tuy nhiên, Washington hiện vẫn chưa chắc liệu Tehran có sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy nghị trình chuyển tiếp chính trị ở Syria hay không. Trước đó, mặc dù là một đồng minh chủ chốt của Syria, nhưng Iran luôn bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán quốc tế về lập lại hòa bình ở Syria mà kết cục luôn là đổ vỡ, thất bại. Ngay trước thềm cuộc gặp cấp cao này, Iran đã bắn tín hiệu sẵn sàng thể hiện một cách tiếp cận linh hoạt trong vấn đề tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thứ trưởng ngoại giao Iran Amir Abdollahian khẳng định: “Iran không đóng đinh vào đường hướng để (Tổng thống) Assad nắm quyền suốt đời”. Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Syria, Iran luôn là một trong những nhà trung gian hòa giải tích cực nhất trong nỗ lực thiết lập các kênh đối thoại giữa phe đối lập Syria và chính quyền Damascus. Tehran liên tục đăng cai tổ chức một loạt cuộc tiếp xúc giữa các phe phái ở Syria nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải, tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở quốc gia này. Cùng với việc ủng hộ đối thoại dân tộc để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, Iran phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài, nhất là quân sự, vào nước này.

Theo nhận định của giới chuyên gia, cùng với sự tham dự của Iran, các cuộc đàm phán quốc tế nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria sẽ có được tương quan thế và lực mới. Ít nhất, tại hội nghị ở Vienna, Iran, Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ… có thể tìm cách tháo gỡ điểm bất đồng mấu chốt nhất khiến các hội nghị quốc tế về Syria không đạt được kết quả, đó là vai trò của Tổng thống Assad trong tiến trình chính trị ở Syria. Theo một quan chức cấp cao tại Trung Đông theo dõi tình hình Iran, Tehran có thể sẽ chấp nhận việc ông Assad nắm quyền 6 tháng trong thời kì chuyển tiếp, sau đó ai lên lãnh đạo đất nước sẽ được quyết định bởi một một cuộc bỏ phiếu toàn quốc. Dĩ nhiên, việc này “còn phụ thuộc vào việc người dân Syria sẽ quyết định về vận mệnh đất nước”.

Hy vọng, sự tham gia của Iran trong tiến trình đàm phán quốc tế về Syria cũng có thể tạo ra cú hích giúp chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng đã bước sang năm thứ 5, không chỉ khiến hơn 250.000 người thiệt mạng mà còn đẩy hàng triệu người phải đi lánh nạn và tạo ra cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.