Mong manh thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và P5+1

Chủ Nhật, 23/11/2014, 09:36
Mặc dù cuộc đàm phán mang tính quyết định về hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 diễn ra tại Vienna (Áo) đã bước vào giai đoạn “nước rút” vì thời hạn chót (24/11) để đạt được thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài 12 năm qua liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này đã cận kề. Giới phân tích nghi ngờ rằng, chỉ trong vòng 7 ngày, khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện là vô cùng mong manh, vì, trên thực tế, tới thời điểm này, các bên vẫn còn bất đồng về các vấn đề cốt lõi, đó là quy mô chương trình làm giàu urani của Iran và việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Theo nhà phân tích giải giáp hạt nhân cho Hiệp hội kiểm soát vũ khí tại Áo, Kelsey Davenport, trong khi phương Tây muốn thấy Iran giảm số lượng máy ly tâm thì Iran lại muốn giữ số lượng hiện có, thậm chí muốn tăng thêm. Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong phạm vi nào cũng vẫn đang là vấn đề còn bất đồng lớn. Trong khi đó, về phía Mỹ, chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama ít có khả năng nhượng bộ về vấn đề hạt nhân Iran khi mà đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát lưỡng viện trong Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Thậm chí, ông Obama ngày 21/11 đã gia hạn lệnh cấm nhập khẩu dầu và sản phẩm dầu của Iran, tuy nhiên người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest cho biết Mỹ tạm thời sẽ không sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm hạn chế các nước khác mua dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Iran.

Một vòng đàm phán của Iran và nhóm P5+1. Ảnh: PressTV

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano thì cho biết, một trong những bế tắc là Iran vẫn chưa giải thích cho cơ quan này về hồ sơ nghiên cứu bom hạt nhân, một trong những điều kiện để P5+1 dỡ bỏ trừng phạt. Tuy nhiên, Iran lại tuyên bố sẵn sàng cho phép IAEA thanh sát một cơ sở quân sự tại thành phố Marivan ở miền Tây nước này. Trong tuyên bố trên kênh truyền hình PressTV ngày 21/11, đại diện của Iran tại IAEA Reza Najafi tuyên bố Tehran “tình nguyện cho phép” các thanh sát viên quốc tế tiếp cận cơ sở quân sự nói trên, nằm cách thủ đô Tehran hơn 700km về phía Tây. Marivan là địa điểm mà bấy lâu nay phương Tây cho rằng là nơi Iran bí mật tiến hành các nghiên cứu chế tạo bom hạt nhân. Tehran đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc “bịa đặt và vô căn cứ” này. Bên cạnh đó, cũng trong ngày 21/11, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho biết, trong những ngày qua đã diễn ra các cuộc thảo luận tích cực nhưng những cường quốc thế giới “chưa đưa ra đề xuất đáng kể nào” đối với Iran.

Để đạt được thỏa thuận cuối cùng, theo bà Sara Bazoobandi - Nghiên cứu sinh về Trung Đông, Bắc Phi của Viện các vấn đề quốc tế của Áo, cả Iran và Mỹ cần phải xây dựng lòng tin lẫn nhau, thay vì chỉ trích yêu cầu của nhau. Bà Sara Bazoobandi cho biết: “Trong điều kiện khó khăn ở cấp độ trong nước mà 2 bên đang phải đối mặt, cũng như những vấn đề bất đồng vẫn chưa được thu hẹp, hai bên có thể sẽ ưu tiên cho việc để ngỏ đàm phán hơn là có một thỏa thuận cuối cùng hay thỏa thuận toàn diện”.

Về phía Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 21/11 tuyên bố, để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran cần phải có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông Ryabkov nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ giống như kế hoạch hành động chung năm 2013, được thông qua bởi sự nhất trí, sau đó để nó có tính ràng buộc pháp lý cần phải thông qua ít nhất một nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ông Ryabkov cho rằng các bên tham gia đàm phán không nên bỏ lỡ thời gian để cuộc đàm phán có thể thành công. Theo ông, việc các ngoại trưởng quyết định ở lại Vienna cho thấy cuộc đàm phán có thể thành công, tuy nhiên cần phải có nhân nhượng từ cả hai phía. Nga cũng cho rằng gây áp lực lên các bên đàm phán thông qua truyền thông là điều không thể chấp nhận được.

Trước đó, một số tờ báo nước ngoài đưa thông tin, do còn quá nhiều bất đồng chưa được giải quyết, các nhà đàm phán hạt nhân của Iran với nhóm P5+1 đã quyết định kéo dài cuộc thương lượng đến tháng 3 năm sau. Hãng tin IRNA của Iran dẫn một nguồn thân cận với các nhà đàm phán Iran khẳng định, thông tin trên sai sự thật và không đúng với thực tế. Trong khi đó, tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, thỏa thuận trong cuộc đàm phán “nước rút” hiện nay giữa Iran và nhóm P5+1 sẽ không có chữ kí, “tất cả các yếu tố đã được đặt sẵn trên bàn” đàm phán để đạt được một thỏa thuận và điều duy nhất còn thiếu là “ý chí chính trị”.

Theo kế hoạch, các Ngoại trưởng của nhóm P5+1 đến Vienna vào cuối tuần này. Hãng tin Nga Sputniknews dẫn nguồn tin ngoại giao nói rằng, thỏa thuận toàn diện đạt được hay không phụ thuộc vào việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, các bên chỉ có thể đi đến thỏa thuận toàn diện nếu nhóm P5+1 “không đòi hỏi quá nhiều”

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.