Lãnh đạo Mỹ - Nhật gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc

Thứ Sáu, 16/04/2021, 09:33
Với việc sắp xếp gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Washington DC, trong hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ngày 16/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn gửi một thông điệp rằng châu Á, và đặc biệt là Nhật Bản, là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ trong ngày 16/4. Ảnh AP. 

Trong khi các vấn đề như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và Triều Tiên được cho là sẽ nằm trong danh sách thảo luận của hai nhà lãnh đạo, thì một quốc gia khác, cụ thể là Trung Quốc, cũng có thể trở thành chủ đề hàng đầu. Bắc Kinh tỏ ra không hài lòng về hội nghị thượng đỉnh này.

Mỹ và Nhật Bản có chung nhiều quan ngại liên quan đến Trung Quốc, như cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, các tranh chấp trên biển và việc sử dụng công nghệ tiên tiến để đạt được lợi thế kinh tế với các đối thủ cạnh tranh.

Một số chuyên gia nhận định, sẽ không có lợi cho cả Mỹ và Nhật Bản nếu quá “gây hấn” trong đối phó với Trung Quốc, trong khi đó, Tokyo lại càng phải cẩn trọng hơn trong các hành động của mình so với Mỹ. Ít nhất trong lĩnh vực thương mại, Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng với Nhật Bản hơn Mỹ.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản vào năm 2020, vượt qua Mỹ, và tiêu thụ hơn 22% hàng hóa Nhật Bản bán ra nước ngoài. Đối với Mỹ, Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này, sau Canada và Mexico.

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn muốn đảm bảo mối liên kết với Mỹ, đồng minh quân sự duy nhất của họ, trong bối cảnh tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh về các đảo ở Biển Hoa Đông.

Sau nhiều năm cựu Tổng thống Donald Trump nỗ lực “không phân biệt bạn và thù” nhằm giảm thặng dư thương mại của các nước với Mỹ, đương kim Tổng thống Joe Biden đang có một cách tiếp cận khác. Ông đã khẳng định rõ từ khi vận động tranh cử rằng ông sẽ tìm cách hợp tác với các đồng minh truyền thống của Mỹ - bao gồm cả Nhật Bản - để đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề như mất cân bằng thương mại và cáo buộc lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ và nhân quyền của nước này, những cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ.

Một trong những cơ sở cho cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Nhật là chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Tokyo vào tháng trước, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của hai quan chức này, một tín hiệu khác về tầm quan trọng của Nhật Bản đối với các mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Hai bên cũng đang thành lập các nhóm công tác để thảo luận về các công nghệ mới nổi, biến đổi khí hậu, các biện pháp phòng chống COVID-19 và hợp tác kinh tế song phương, theo Japan Times đưa tin hồi tháng trước.

Trước hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc đã “tăng nhiệt” với Nhật Bản. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng đã cho người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi biết rằng hai nước nên đảm bảo quan hệ song phương “không can dự vào cái gọi là đối đầu giữa các nước lớn”.

Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến Mỹ và Nhật Bản là làm thế nào để đối phó với sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trung Quốc đã dồn nguồn cung cấp linh kiện toàn cầu cho mạng viễn thông di động thế hệ thứ năm (5G). Các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE sản xuất thiết bị tiên tiến có giá bán thấp hơn các đối thủ cạnh tranh như Nokia của Phần Lan, hứa hẹn khả năng truy cập băng thông rộng tốc độ cao đến ngay cả những nơi nghèo nhất trên thế giới.

Vào năm 2019, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách thực thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia, một cáo buộc mà công ty này phủ nhận.

Hai ông Biden và Suga được cho là đang lên kế hoạch thảo luận về các tận dụng “bí quyết” của hai nước - Mỹ và Nhật Bản là hai trong số những quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất - để có tầm nhìn xa hơn 5G về cái gọi là công nghệ di động thế hệ thứ 6.

Thêm nữa, ngoài các cuộc thảo luận liên quan đến Trung Quốc, vấn đề thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ cũng sẽ trở thành một trọng tâm.

Nhật Bản và Mỹ đã ký một hiệp định thương mại hạn chế vào năm 2019 dưới sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Điều này đã phần nào giảm bớt nhức nhối từ quyết định của ông Trump về việc áp thuế trừng phạt đối với thép và nhôm của Nhật Bản vào năm trước.

Tuy nhiên, thỏa thuận năm 2019 không bao gồm lĩnh vực ô tô, được coi là gốc rễ của phần lớn thâm hụt thương mại lên đến 55,4 tỷ USD của Mỹ với Nhật Bản vào năm 2020.

Việc đạt được một thỏa thuận giúp tăng cường mối quan hệ thương mại của Nhật Bản với Mỹ sẽ là một chiến thắng hữu hình quan trọng đối với Thủ tướng Nhật Bản trong bối cảnh ông đang củng cố quyền lực và nỗ lực thực hiện bước tiến lớn đầu tiên trên đấu trường địa chính trị.

Một mục tiêu quan trọng là vừa kiềm chế được Trung Quốc trong khi vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế có lợi với nước này đòi hỏi nhiều nỗ lực và sự khéo léo trong hành động cũng như sự hỗ trợ từ một siêu cường hàng đầu thế giới.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.