Làm suy yếu IS bằng cách chặn nguồn cung tài chính

Thứ Bảy, 12/12/2015, 09:37
Bên cạnh việc tăng cường không kích các căn cứ địa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), liên quân quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu đã quyết định mở thêm một cuộc chiến khác trên mặt trận tài chính nhằm vào IS.

Theo tin từ tờ The New York Times, việc thực hiện chiến dịch chống IS trên mặt trận tài chính được thực hiện bắt đầu từ ngày 11-12, tức chỉ một ngày sau khi trùm tài chính của IS là Abu Salah bị tiêu diệt trong một chiến dịch không kích do liên quân quốc tế mà Mỹ đứng đầu chủ trì. Tên này được ví như “Bộ trưởng tài chính của IS”, là có kẻ giàu kinh nghiệm trong việc luân chuyển các nguồn tiền phi pháp của IS, tránh khỏi sự truy đuổi của lực lượng an ninh nước này.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren cho biết, tên này chịu trách nhiệm quản lý nguồn tiền lên tới 2 tỷ USD mỗi năm mà IS thu về rồi lên kế hoạch chi tiêu hợp lý từ việc trả lương cho các chiến binh đến việc mua vũ khí, đạn dược…

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Adam Szubin trong cuộc tiếp xúc với báo giới nhân chuyến công tác ở thủ đô London của Anh cũng nhấn mạnh rằng, lợi dụng vị trí trống trong quản lý tài chính của IS hiện giờ, Mỹ đang phối hợp với các quốc gia trong liên minh quốc tế chống IS nhằm ngăn chặn nguồn tài chính khổng lồ của tổ chức này.

Trước mắt, Mỹ đã làm việc với Chính phủ Iraq và sẽ đóng cửa 90 văn phòng giao dịch và ngân hàng đang hoạt động trên vùng lãnh thổ do IS kiểm soát. Bởi lẽ, IS đã sử dụng hoạt động của các ngân hàng này để tiến hành các giao dịch tài chính khác trên khắp Iraq và Syria. Riêng trong năm 2014, Mỹ đã phát hiện ra IS đã thực hiện các giao dịch với tổng trị giá số tiền chuyển là 1 tỷ USD.

Ông Adam Szubin khẳng định, có thể IS sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự hoạt động của các ngân hàng và phòng giao dịch nói trên nhưng chúng không còn thuộc hệ thống thanh toán tài chính quốc tế. Nghĩa là IS sẽ không thể chuyển tiền ra ngoài để mua vũ khí, đạn dược hay buôn lậu dầu mỏ. Ngoài ra, Mỹ cũng đã công bố danh sách hơn 30 cá nhân và thực thế bị trừng phạt vì có quan hệ làm ăn với IS.

Thứ trưởng tài chính Mỹ còn cho biết thêm rằng, nguồn tài chính của IS cũng phụ thuộc nhiều vào các hoạt động giao dịch ở khu vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ nên Washington đang cố gắng thuyết phục Ankara tạm đóng cửa vùng này.

IS là một tổ chức khủng bố giàu có nhất trên thế giới và nguồn thu lớn nhất của chúng là từ việc bán dầu thô khai thác được từ những khu vực do chúng kiểm soát ở Iraq và Syria. Ảnh: Telegraph.

Trong khi đó, tại Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng đã đưa ra một đề xuất về kế hoạch đánh bại IS, trong đó có việc tăng cường không kích, cấm các đối tượng bị nghi là phần tử khủng bố mua súng trong nước và thúc đẩy một số đạo luật để cải cách chương trình miễn thị thực nhập cảnh (visa) nhằm yêu cầu những quốc gia tham gia chương trình này phải cấp hộ chiếu điện tử trên toàn cầu.

Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng thúc đẩy việc Mỹ, Nga cùng lên dự thảo nghị quyết trình Liên Hợp Quốc (LHQ) với mục đích ngăn chặn hoạt động buôn bán dầu thô và đồ cổ vốn mang lại hàng triệu USD cho IS. Dự thảo nghị quyết mới này được xây dựng dựa trên một nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hồi tháng 2 và dự kiến được Hội đồng Bảo an LHQ xem xét trong cuộc họp vào ngày 17-12.

Cùng với nỗ lực của Mỹ và Nga, các nước Liên minh châu Âu hôm 9-12 cũng đã nhất trí thúc đẩy một số đạo luật mới nhằm hạn chế nguồn cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố, bao gồm việc chú trọng hợp tác xuyên biên giới trong các cuộc điều tra tài chính; giám sát các giao dịch đáng ngờ; phong tỏa ngay lập tức tài sản của các đối tượng bị tình nghi tài trợ hoặc tham gia vào các nhóm cực đoan.

Hãng Telegraph thì dẫn lời một quan chức cấp cao trong Ủy ban châu Âu cho hay, EU cũng có thể sẽ thiết lập quyền truy cập vào các tài khoản ngân hàng để cho phép cảnh sát truy cập với mục đích điều tra khủng bố. Hệ thống này từng được Mỹ áp dụng sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 và rất hiệu quả.

Cho đến nay, tình báo Mỹ và châu Âu vẫn khuyến cáo rằng, IS là một tổ chức khủng bố giàu có và được hỗ trợ tốt nhất trên thế giới. Tổ chức này có tới 10 nguồn thu tài chính khác nhau trong đó doanh thu từ việc bán dầu tại những khu vực do nhóm này kiểm soát ở Iraq và Syria có thể mang lại cho tổ chức này ít nhất 1 triệu USD/ngày (mức thấp nhất kể từ khi Mỹ, Nga, Pháp cùng tiến hành các cuộc không kích vào Syria). Hiện IS đang kiểm soát 8 điểm khai thác dầu ở Iraq và Syria. Nguồn thu lớn thứ 2 của chúng là bán các cổ vật.

Thậm chí, thời gian gần đây, Mỹ còn phát hiện ra rằng IS đang mở rộng hoạt động kinh doanh bất hợp pháp sang cả lĩnh vực buôn bán ma túy. Chúng thậm chí còn ăn chặn nguồn cung ma túy của một số tổ chức buôn bán ma túy lớn trên thế giới. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 11, chúng đã cướp trắng một lô hàng của băng nhóm khét tiếng Sinaloca Cartel ở Mexico khiến thủ lĩnh tổ chức này là Joaquin “El Chapo” Guzman tức giận và gửi thông điệp đe dọa tiêu diệt.

Theo nhận định của các nhà phân tích, cắt đứt nguồn tài chính của IS không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Tuy nhiên, khi kết hợp với việc tăng cường không kích, phá hủy các cứ điểm của tổ chức này thì việc ngăn chặn các giao dịch tài chính liên quan đến IS cũng sẽ giúp làm suy yếu khủng bố và hạn chế được những nguy cơ, rủi ro mà tổ chức này có thể gây ra.

Phan Hiển
.
.
.