Hai thái cực của Mỹ trước thềm thượng đỉnh với Triều Tiên

Thứ Ba, 12/06/2018, 07:59
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-6 cho biết, ông lạc quan rằng cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày 12-6, hôm nay, sẽ có thể mang lại một thỏa thuận thực sự khi cả hai bên đang nỗ lực hết sức để thu hẹp những bất đồng xung quanh việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ lạc quan trước thềm thượng đỉnh với Triều Tiên. Ảnh Reuters

Trái ngược với tinh thần lạc quan của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo lại đưa ra một cảnh báo thận trọng rằng vẫn chưa thể khẳng định được liệu phía Triều Tiên có thực sự muốn phi hạt nhân hóa hay không.

Quan chức của cả 2 nước đã tổ chức các cuộc đàm phán vào phút chót để đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh của 2 nước từng ở thế thù địch, một sự kiện mà chỉ vài tháng trước không ai có thể tưởng tượng được là có thể xảy ra khi lãnh đạo hai nước liên tục “dành” cho nhau những lời lăng mạ, làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến có thể xảy ra.

Những cuộc gặp cấp độ cán sự giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đang diễn ra “tốt và nhanh chóng”, Tổng thống Mỹ truyền tải qua một tin nhắn trên Twitter sáng 12-6.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm: “Đến cuối cùng, điều đó cũng không còn quan trọng nữa. Chúng ta sẽ sớm biết được rằng liệu nó có thể trở thành một thỏa thuận thực sự hay không, không giống như trong quá khứ, điều này hoàn toàn có thể xảy ra!”

Sau một loạt các hoạt động “vuốt ve” ngoại giao làm phần nào dịu bớt các căng thẳng, các nhà lãnh đạo đang hướng đến một cái bắt tay lịch sử mà các quan chức Mỹ hy vọng có thể sẽ dẫn đến được thành quả là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên cũng như chương trình tên lửa đạn đạo có thể đe dọa đến đất Mỹ.

Nhà Trắng cho biết, ông Trump sẽ có một cuộc gặp “mặt đối mặt” với lãnh đạo Kim tại đảo Sentosa, trước khi họ cùng các quan chức tiến hành hội đàm và sau đó là có thể ăn trưa cùng nhau.

“Tôi chỉ nghĩ rằng nó sẽ đem lại kết quả tốt”, ông Trump cho biết hôm 11-6, mặc dù vẫn còn đó những khác biệt giữa hai nước về việc “phi hạt nhân hóa” sẽ đòi hỏi những gì.

Ông Pompeo cũng nói với cánh phóng viên rằng sự kiện này sẽ đặt nền tảng và khuôn khổ cho “chặng đường khó khăn ngay tiếp sau”, nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẽ phải hướng đến việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Tuy vậy, Triều Tiên lại chẳng mảy may thể hiện mong muốn từ bỏ chương trình hạt nhân tên lửa của mình khi coi đó là cần thiết để bảo vệ đất nước.

Các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vẫn sẽ được duy trì cho đến khi điều đó (phi hạt nhân hóa toàn toàn bán đảo Triều Tiên) xảy ra, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố. “Nếu các biện pháp ngoại giao không đi đúng hướng…những biện pháp trừng phạt sẽ gia tăng.”

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh thêm: “Triều Tiên trước đó đã xác nhận với chúng tôi về việc đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân và chúng tôi đang chờ đợi xem những lời đó có thực sự chân thành hay không”.

Lãnh đạo Triều Tiên dự kiến sẽ rời Singapore vào chiều 12-6, Reuters cho biết.

Trước đó, ông Kim đã thăm thú Singapore trong tối 11-6, mỉm cười và vẫy chào những người đi đường, đem lại một hình ảnh thân thiện hơn từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi cuối tháng 4 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, được cho là đã không bước ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên từ khi ông nhậm chức hồi năm 2011, ngoại trừ chuyến thăm đến Trung Quốc và Hàn Quốc gần đây.

Duy Tiến
.
.
.