Kỳ vọng mang lại luồng sinh khí mới vực dậy kinh tế

Chủ Nhật, 20/06/2021, 08:42
Ngày 19/6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố thẩm phán theo đường lối cứng rắn Seyyed Ebrahim Raisi đã trở thành Tổng thống mới được bầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này và kể từ nay, tất cả mọi người phải phối hợp với ông ấy. Nhà ngoại giao hàng đầu Iran đồng thời khẳng định, tân Tổng thống sẽ dẫn dắt đất nước tốt.

Cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo rơi vào suy thoái nghiêm trọng trong những năm qua, chủ yếu do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt đối với Tehran vào năm 2018, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Nền kinh tế Iran đã liên tiếp sụt giảm khi ghi nhận các mức giảm 6,8% trong năm 2018-2019, giảm 6% năm 2020 và không tăng trưởng từ năm 2017. Lạm phát đã tăng vọt và luôn đứng ở mức trên 45%, trong khi đồng nội tệ rial suy yếu mạnh so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 11,2%. Sản lượng khai thác dầu thô của Iran giảm mạnh từ 3,9 triệu thùng/ngày ở thời điểm Mỹ chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (5/2018) xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày hiện nay.

Ứng cử viên Tổng thống Iran, ông Seyyed Ebrahim Raisi.

Xuất khẩu dầu thô cũng giảm sâu từ hơn 2 triệu thùng/ngày xuống khoảng 650.000 thùng/ngày. Bên cạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ, đại dịch COVID-19 bùng phát cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với Iran, nơi ghi nhận số ca tử vong cao nhất ở Trung Đông, đồng thời các hạn chế áp đặt liên quan đến đại dịch đã làm gia tăng khó khăn kinh tế của nước này.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và thách thức, cử tri Iran kỳ vọng cuộc bầu cử Tổng thống Iran năm nay sẽ mang lại luồng sinh khí mới, giúp vực dậy nền kinh tế vốn đã điêu đứng do các lệnh trừng phạt quốc tế. Một cử tri ở Tehran cho biết: “Kỳ vọng lớn nhất của tôi, cũng giống như hầu hết những cử tri khác, là ban lãnh đạo mới sẽ giải quyết tốt các bài toán về vực dậy nền kinh tế và nâng cao mức sống cho người dân. Kế đến là giải quyết tốt đại dịch COVID-19, tăng cường chiến dịch tiêm chủng, đưa ra các giải pháp để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Điều này là thực sự quan trọng”.

Trong khi đó, nhiều cử tri cũng bày tỏ ban lãnh đạo mới của Iran sẽ nỗ lực đàm phán để Mỹ và các nước khác sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này: “Chúng ta phải đàm phán với các cường quốc trên thế giới để gỡ bỏ những lệnh trừng phạt không công bằng mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt đối với chúng ta. Chúng ta cần sẵn sàng làm việc với mọi quốc gia trên thế giới”.

Do vậy, với chiến thắng của mình, ông Ebrahim Raisi đã nắm trong tay cơ hội để thực hiện những ưu tiên hàng đầu của mình là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đặc biệt là về lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Ông sẽ đẩy mạnh thực thi chính sách “kinh tế kháng chiến” do lãnh tụ tối cao khởi xướng để giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế, khuyến khích tinh thần tự lực, tự cường sản xuất trong nước. Ông đã đề ra những cam kết như chống tham nhũng; thúc đẩy lĩnh vực sản xuất; đẩy mạnh tư nhân hóa thực sự; giảm một nửa chi phí điều trị y tế; tạo ra một triệu việc làm mỗi năm bằng cách khai thác 70% tiềm năng kinh tế sẵn có ở trong nước; giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức một con số…

Bên cạnh đó, mặc dù có quan điểm cứng rắn hơn người tiền nhiệm Hassan Rouhani, nhưng ông Ebrahim Raisi không phản đối việc quay trở lại JCPOA. Ông ủng hộ các cuộc đàm phán nhưng cho rằng việc này phải được thực hiện bởi một chính phủ mạnh mẽ. Các quan điểm của nhà lãnh đạo này phản ánh nhận thức chung của giới lãnh đạo Iran rằng việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với tư cách là tổng thống (theo giả thuyết), ông Ebrahim Raisi có thể sẽ có lợi ích lớn hơn trong việc cải thiện tình hình kinh tế, vốn luôn là yếu tố chính dẫn đến thành công hay thất bại của bất kỳ tổng thống Iran nào.

Xu hướng này được củng cố với sự ủng hộ của lãnh tụ tối cao Ali Khanenei và có thông tin cho rằng các quan chức Iran dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận vào tháng 8 tới, trước khi tổng thống mới lên nắm quyền. Về cơ bản, khả năng hồi sinh JCPOA vẫn chủ yếu dựa vào quyết định của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Tuy nhiên, việc một tổng thống theo đường lối cứng rắn của Iran lên nắm quyền sẽ có thể ảnh hưởng nhất định đến cách thức tiếp cận đàm phán của Iran, nhất là trong trường hợp nước này bổ nhiệm một Ngoại trưởng mới có quan điểm cứng rắn.

Trong khi triển vọng phục hồi JCPOA vẫn chưa chắc chắn thì cơ hội để các nhóm đàm phán phương Tây thuyết phục Iran tiến tới một thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực dài hơn và mở rộng sang các vấn đề khác (như tên lửa tầm xa và chính sách của Iran khu vực) sẽ giảm đi đáng kể.

Chính sách đối ngoại của Iran cũng sẽ ít có sự thay đổi lớn mà tiếp tục xu hướng cứng rắn bởi thực tế quyền hạn và vai trò của tổng thống trong việc hoạch định chính sách đối ngoại tương đối hạn chế so với vai trò của lãnh tụ tối cao và Lực lượng Vệ binh Cách mạng - những người có ưu thế quyết định trong các chính sách đối ngoại của Iran. Thay đổi có thể xảy ra nhất nếu phe bảo thủ chiến thắng là Iran sẽ gỡ bỏ bộ mặt ôn hòa trong đường lối đối ngoại để thể hiện rõ ràng hơn chính sách cứng rắn thực sự của mình.

Iran tái khẳng định không đàm phán lại JCPOA

Phát biểu tại trong cuộc gặp Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/6 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tái khẳng định quan điểm rằng nước này không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 với Nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Tehran cần được dỡ bỏ.

Theo Ngoại trưởng Mohammad Javad Zerif, Iran đã hứng chịu hậu quả từ việc Mỹ vi phạm các cam kết dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán tại Vienna sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Về phần mình, đại diện EU, ông Borrell cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sẽ mang tính xây dựng.

Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan đến trở ngại với các cuộc đàm phán tại Vienna (Austria) về việc đưa Mỹ trở lại JCPOA.

Khổng Hà
.
.
.