Kỳ vọng của Thủ tướng Đức trong chuyến công du châu Phi

Thứ Năm, 30/08/2018, 15:10

Là một phần trong “Kế hoạch Marshall vì châu Phi” với trọng tâm tăng cường đầu tư về mặt kinh tế và con người, bà Merkel kỳ vọng chuyến công du tới "lục địa đen" lần này sẽ góp phần giúp nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung kiểm soát được vấn nạn người di cư “tận gốc” một cách chiến lược.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chiều tối 29-8 (giờ địa phương) đã tới Dakar (Senegal), chính thức bắt đầu chuyến công du tới ba quốc gia châu Phi bao gồm Senegal, Ghana và Nigeria. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước muốn gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi, cũng như việc kiểm soát làn sóng tị nạn đang khiến Chính phủ của bà Merkel hứng chịu sức ép và nguy cơ nghiêm trọng trên chính trường Đức.

Giữ vững “phẩm giá châu Phi"

Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Senegal Macky Sall. Ảnh: DPA.

"Chúng ta không phải là đồng lõa của những kẻ buôn người. Chúng ta chiến đấu chống lại những vấn nạn bất hợp pháp, tuy nhiên, chính chúng ta cũng cần tạo điều kiện và đưa ra những quy định pháp lý công bằng với những lao động của châu Phi”, bà Merkel phát biểu trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Senegal Macky Sall.

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện và muốn nhân rộng sức ảnh hưởng ở châu Phi, đặc biệt là chuyến thăm “lục địa đen” của Thủ tướng Đức lần này trùng với chuyến công du châu Phi của Thủ tướng Anh, thì “Kế hoạch Marshall vì châu Phi” về cả kinh tế và con người của Berlin là một “toan tính khôn khéo”.

Tăng cường đầu tư, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho những người trẻ ở các quốc gia châu Phi vừa có lợi cho các doanh nghiệp của Đức bởi nguồn nhân lực dồi dào, lại vừa giúp người dân “lục địa đen” có cơ hội lao động một cách chân chính, giảm tỉ lệ thất nghiệp và nghèo đói cùng cực của nước nhà. 

Bà Merkel hy vọng đầu tư vào châu Phi sẽ giúp giải quyết "tận nguồn" vấn nạn di cư. Ảnh: DW. 

Hơn nữa, bước đi này cũng sẽ giữ chân người dân châu Phi ở lại quê hương, từ đó nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung sẽ bớt được “gánh nặng” liên quan đến làn sóng tị nạn, đồng thời châu Phi sẽ giữ được cái gọi là “phẩm giá” như tuyên bố mà Tổng thống Senegal Macky Sall đã nêu trong cuộc gặp với bà Merkel.

“Tôi đồng ý với quan điểm của Thủ tướng Angela Merkel. Vượt qua Địa Trung Hải để đến với châu Âu không phải là phẩm giá của châu Phi. Những người vượt biên bất hợp pháp hoàn toàn có thể bị từ chối nhập cảnh ở các cửa ngõ châu Âu”, DW trích lời Tổng thống Macky Sall.

Cảm ơn Thủ tướng Đức về dự án phát triển năng lượng Mặt Trời do phía Đức tài trợ giúp cung cấp điện cho 300 ngôi làng ở Senegal, ông Macky Sall tuyên bố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhiều chiến dịch tuyên truyền “để người dân không tốn thời gian vô ích mà tập trung vào lao động và phát triển kinh tế”.

Truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi

Số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) chỉ rõ, với hơn 200 triệu người trong độ tuổi từ 15 - 24, châu Phi hiện có lượng dân số trẻ lớn nhất thế giới và lực lượng trẻ tại châu lục này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2045. Tuy nhiên, theo làn sóng di cư, “chất xám” của châu Phi - những chuyên gia trẻ cũng đã lặng lẽ tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía Bắc.

Châu Phi có tỉ lệ dân số trẻ lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. 

Vì thế, với chuyến công du lần này, các nhà hoạch định hy vọng bà Merkel sẽ giúp truyền cảm hứng và năng lượng đặc biệt cho những người trẻ tại đây. Được biết, Thủ tướng Đức sẽ có buổi gặp gỡ với các đại diện trẻ tuổi của Senegal, Ghana và Nigeria. Đặc biệt, bà sẽ có buổi trò chuyện tại Diễn đàn Chuyên gia trẻ Nigeria.

Trước đó, bà Merkel cũng từng cho hay, với nền kinh tế không biên giới và thị trường tài năng toàn cầu, cơ cấu nhân khẩu học, nhất là đối với giới trẻ châu Phi phải được sử dụng hợp lý để duy trì năng suất, hướng tới công bằng xã hội và công nghiệp hóa.

Muốn gây dựng lại hy vọng cho toàn bộ giới trẻ, phải tạo điều kiện cho họ có môi trường học tập, nghiên cứu tốt, môi trường doanh nghiệp, đời sống chính trị đáng tin cậy. Giới trẻ sẽ không rời bỏ quê hương nếu họ thấy mình có thể góp phần thay đổi đất nước. Đây là hướng đi đúng giúp châu Phi đạt được “Chương trình nghị sự 2030” với các mục tiêu phát triển bền vững để xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng chung.

Hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố  

Châu Phi hiện là nơi ẩn náu của hơn 10.000 phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda

Một số nguồn tin thân cận tiết lộ rằng, ngoài vấn đề về kiểm soát di cư và đầu tư phát triển kinh tế, bà Merkel cũng sẽ đồng thời đề cập đến vấn đề chống khủng bố, bởi tác động của biến đổi khí hậu, đói nghèo và bùng nổ dân số đã biến châu Phi thành mảnh đất màu mỡ cho các tư tưởng cực đoan nảy nở và phát triển.

Theo số liệu được đưa ra tại hội nghị của Liên minh chống khủng bố quốc tế diễn ra tại thủ đô Rabat (Morocco) hồi cuối tháng 6, châu Phi hiện là nơi ẩn náu của hơn 10.000 phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Trong năm 2017, hơn 300 vụ khủng bố đã xảy ra tại Lục địa đen, khiến ít nhất 2.600 người thiệt mạng, cao hơn gấp 22 lần so với số nạn nhân của khủng bố tại Châu Âu.

Aisha Yesufu, một trong những nhà hoạt động xã hội nổi bật của Nigeria hy vọng, bà Merkel sẽ là cầu nối, giúp châu Phi học hỏi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với Liên minh chống khủng bố quốc tế cũng như Liên minh châu Âu (EU), ngăn chặn sự xâm nhập qua biên giới của các phần tử khủng bố và cắt đứt các nguồn tài trợ cho khủng bố.


Linh Đan
.
.
.