Khởi động phong trào toàn cầu để đánh bại tham nhũng

Thứ Sáu, 13/05/2016, 08:14
Ngày 12-5, lãnh đạo hơn 40 nước và các tổ chức quốc tế, cùng nhiều học giả đã tề tựu tại thủ đô London của Anh để tham dự Hội nghị cấp cao quốc tế chống tham nhũng. Hội nghị Thủ tướng Anh David Cameron chủ trì, với mục đích “khởi động một phong trào toàn cầu thực sự để đánh bại tham nhũng”.

Thủ tướng Cameron nhấn mạnh: “Tham nhũng là kẻ thù của tiến bộ và là gốc rễ của nhiều vấn nạn của thế giới. Tham nhũng đã hủy hoại công ăn việc làm, kéo lùi tăng trưởng kinh tế, kìm kẹp những người nghèo nhất trong sự khốn khó cùng cực và làm suy yếu an ninh quốc gia bởi nó đẩy con người ta tới các nhóm cực đoan”. 

Thừa nhận không thể chiến thắng tham nhũng chỉ trong một đêm, Thủ tướng Cameron kêu gọi thế giới dành thời gian, sự can đảm và cả quyết tâm để mang đến những thay đổi cần thiết trong cuộc chiến này. 

Ông khẳng định, không thể hy vọng giải quyết các thách thức lớn mà nhân loại đang phải đối mặt nếu không đấu tranh quyết liệt chống sự bóc lột, gian lận và bất lương. Và để thể hiện quyết tâm của mình, Thủ tướng Anh đã đưa ra thông báo chính thức về việc mở một trung tâm chống tham nhũng quốc tế có trụ sở tại London, với sự góp mặt của nhiều nước lớn như Mỹ, Thụy Sỹ, Canada, Australia, New Zealand và Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). 

Tham nhũng là kẻ thù của tiến bộ và là gốc rễ nhiều vấn nạn của thế giới. Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, tình trạng tham nhũng kéo dài gây bất ổn kinh tế, phá hoại chính sách công và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội. Nghèo đói và thất nghiệp đều có thể là dấu hiệu của tình trạng này. 

Trong khi tác động trực tiếp của tham nhũng đã được biết đến từ lâu, những ảnh hưởng gián tiếp có thể còn nghiêm trọng và đáng quan ngại hơn nhiều, làm trì trệ tăng trưởng và nới rộng bất bình đẳng thu nhập. Trong báo cáo về các tác động của tham nhũng tới nền kinh tế được công bố ngay trước thềm hội nghị, IMF thừa nhận rằng, mặc dù biết rõ các ảnh hưởng này mang tính tiêu cực nhưng khó có thể tính toán cụ thể. 

Tiền hối lộ phục vụ mục đích “mờ ám” nên chúng không được luân chuyển trong nền kinh tế và do đó không giúp thúc đẩy tăng trưởng. IMF ước tính, mỗi năm, nạn hối lộ gây thiệt hại 1.500 - 2.000 tỷ USD, tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, làm trì trệ nền kinh tế và ảnh hưởng tới dịch vụ an sinh xã hội cho người nghèo. 

Nhấn mạnh việc ngày càng có nhiều lãnh đạo tìm kiếm sự giúp đỡ để đẩy mạnh cuộc chiến chống vấn nạn này, bà Lagarde cho biết IMF đã cung cấp hướng dẫn về các biện pháp chống tham nhũng trong chương trình hỗ trợ cho các chính phủ. Một số biện pháp đã cho thấy hiệu quả khi áp dụng tại một số quốc gia bao gồm tăng lương cho nhân viên chính phủ, thành lập các tòa án chuyên trách xét xử các vụ tham nhũng, trừng phạt các công ty có hành vi tham nhũng tại nước ngoài và thành lập các văn phòng riêng phụ trách thu thuế từ những đối tượng nộp thuế lớn. Bên cạnh đó, bà Lagarde cũng nhấn mạnh việc củng cố luật pháp và công tác quản lý, lãnh đạo.

Trong một diễn biến liên quan, tổ chức Minh bạch Quốc tế (IT) mới đây đã công bố bản báo cáo về tình trạng tham nhũng năm 2015, được thực hiện tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khoảng thời gian từ tháng 9-2014 đến tháng 11-2015, ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông, trong đó chỉ ra rằng, khoảng 50 triệu người ở hai khu vực này từng phải hối lộ ít nhất 1 lần để được hưởng các dịch vụ công. 4 lĩnh vực được coi là “giữ ngôi đầu” về tham nhũng ở hai khu vực này là tư pháp, an ninh, giáo dục và y tế. 

Trong đó, 2 lĩnh vực giáo dục và y tế, dù được cho là “mới nổi” trong nhóm lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất, nhưng mức độ tham nhũng trong 2 lĩnh vực này không thua kém gì so với tư pháp và an ninh. Báo cáo cho thấy, 5 năm sau “Mùa xuân Arab”, lãnh đạo các nước khu vực Bắc Phi và Trung Đông dường như bị thất bại trong nỗ lực minh bạch hóa, thất bại trong nỗ lực kêu gọi người dân tố cáo tham nhũng, vì thế họ đã thất bại trong việc kiềm chế và giảm thiểu tình trạng tham nhũng. 

Có nghĩa là quyền công dân của người dân khu vực Bắc Phi và Trung Đông thực sự chỉ là cái mác bề ngoài mà giới lãnh đạo hô hào, kêu gọi, nhưng thực chất, người dân buộc phải hối lộ, “đi đêm” nếu muốn thực hiện những quyền và nghĩa vụ hành chính cơ bản của mình. IT kết luận, mức độ tham nhũng đang thực sự ở ngưỡng báo động tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông. 

Vấn nạn này hiện chính là chất xúc tác cực kỳ hiệu nghiệm cho các cuộc biểu tình bùng phát ở khắp mọi nơi. Nếu giới lãnh đạo các quốc gia tại hai khu vực này không sớm có ngay các giải pháp hiệu quả, hành động thiết thực để dẹp trừ tệ nạn tham nhũng, các cuộc nội chiến đẫm máu rất có thể sẽ diễn ra, bởi người dân đã chịu đựng quá mức giới hạn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.