Khi nhà báo bị cáo buộc ủng hộ khủng bố: Mối quan ngại mới về tự do báo chí

Thứ Tư, 02/09/2015, 07:23
Tòa án tại tỉnh Diyarbakir ở khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đa số người Kurd sinh sống, hôm 31/8 đã ra lệnh giam giữ hai nhà báo người Anh làm việc cho hãng tin Vice News của Mỹ và một phiên dịch người Iraq để chờ xét xử với các tội danh khủng bố.

Trước đó, hai ngày, một tòa án Ai Cập cũng đã kết án ba năm tù giam đối với ba nhà báo làm việc cho kênh truyền hình Al-Jazeera có trụ sở tại Qatar với cáo buộc “hỗ trợ cho tổ chức khủng bố”. Những động thái này đã gây ra mối quan ngại mới về tự do báo chí.

Trong một tuyên bố, tòa án tại tỉnh Diyarbakir nêu rõ, các phóng viên người Anh cùng phiên dịch đã bị buộc tội “tiến hành hoạt động khủng bố” thay cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Theo nguồn tin an ninh, ký giả Jake Hanrahan và nhà quay phim Philip Pendlebury bị bắt hôm thứ sáu (28/8) khi đưa tin về tình trạng bất ổn ở miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi quân đội chính phủ đang đẩy mạnh cuộc tấn công quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd, mà chưa được chính phủ chấp thuận.

Phản ứng sau vụ việc này, ông Kevin Sutcliffe, Trưởng ban về các chương trình châu Âu của Vice News cho hay: “Vice News mạnh mẽ lên án những nỗ lực của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm “bịt miệng” các phóng viên của chúng tôi”. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để 3 người đồng nghiệp - bạn bè này được giải thoát nhanh chóng”, ông Sutcliffe nói thêm. Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) miêu tả những cáo buộc của Ankara là “vô căn cứ và quá đáng”.

Trong một thông cáo, AI nêu rõ: “Việc nhà báo phải tường trình câu chuyện quan trọng này là hoàn toàn thích đáng”. Những văn phòng châu Âu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả kêu gọi phóng thích họ ngay lập tức. 

Cũng trong tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cáo buộc tập đoàn truyền thông của Vương quốc Anh (BBC) ủng hộ chủ nghĩa khủng bố trong một bài viết gần đây của hãng này về Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - vốn bị các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) coi là tổ chức khủng bố. 

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng bài báo của BBC đã chứa đựng “các thông tin tuyên truyền” cho PKK: “Bài báo về một tổ chức vốn bị nhiều quốc gia, trong đó có các nước thành viên EU, coi là một nhóm khủng bố là sự ủng hộ công khai đối với chủ nghĩa khủng bố”.

Trước đó, hãng BBC hôm 19/8 đã đăng tải một bài viết dựa trên chuyến đi của một phụ nữ tới trại huấn luyện của PKK ở vùng núi Kandil, nơi những người phụ nữ Yazidi và Kurd đang được đào tạo để chiến đấu chống lại IS. 

Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, bài báo của BBC miêu tả một tổ chức bị coi là khủng bố như “một nhóm vô tội chống lại một nhóm khủng bố” và “khuyến khích sự tuyển mộ vào PKK” là không thể chấp nhận được và vi phạm các nghị quyết của EU và Liên Hợp Quốc về việc cấm khuyến khích và ngợi ca khủng bố...

Hai nhà báo al-Jazeera trong phiên toà tại Cairo, trong khi nhà báo Australia Peter Greste đã bị trục xuất về nước. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại Ai Cập, ba nhà báo bị kết án gồm Peter Greste, người Australia, Mohamed Famy, người Canada gốc Ai Cập và nhà sản xuất người Ai Cập Baher Mohamed. Cả Famy và Mohamed đều có mặt tại phiên xét xử. 

Riêng nhà báo Greste bị xử án vắng mặt do đã bị trục xuất về Australia đầu năm nay. Ngoài ba năm tù giam, nhà sản xuất Australia Greste còn nhận thêm mức án 6 năm tù giam với tội danh sở hữu vũ khí. Tòa án Cairo tuyên ba nhà báo này tội “loan tin thất thiệt” tuyên truyền cho tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và hoạt động không giấy phép.

 Kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013, Ai Cập đã gia tăng trấn áp những người ủng hộ cựu lãnh đạo Hồi giáo này. Bản án trên đã gây ra một làn sóng phản đối trong cộng đồng quốc tế. Đài truyền hình Al-Jazeera tuyên bố sẽ kháng án và tố cáo chính quyền Ai Cập chà đạp quyền tự do báo chí và chính trị hóa vụ án.

Chính phủ Canada kêu gọi Ai Cập phải tận dụng mọi biện pháp để giải quyết trường hợp Mohamed Fahmy và phải thả ông về Canada. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh bày tỏ “rất quan ngại” đối với bản án chống lại các nhà báo. 

Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Thống chế al-Sissi trả tự do cho các nhà báo, trừ phi chứng minh được họ phạm tội. 

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ (Commitee to Protect Journalists), hiện nay có ít nhất 18 phóng viên bị giam trong các nhà tù Ai Cập vì bị cáo buộc theo MB. Lãnh đạo của tổ chức chính trị này là Tổng thống bị lật đổ Morsi, lãnh bản án tử hình với tội danh “phản quốc”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.