Kết quả bầu cử EP tác động thế nào tới chính sách của châu Âu?

Thứ Ba, 28/05/2019, 08:20
Theo kết quả sơ bộ được công bố tối muộn 26-5 (giờ địa phương), thời điểm kết thúc cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), khối Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ (S&D) vẫn là hai đảng mạnh nhất, trong khi đảng Xanh và đảng Cực hữu giành kết quả đột phá tại một số nước châu Âu. Tuy nhiên, với số ghế giành được giảm mạnh, đây là lần đầu tiên trong 20 năm EPP và S&D sẽ không còn chiếm được đa số tại EP.


Theo thông báo của EP, EPP giành được 178 ghế, S&D được 152 ghế, Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) được 108 ghế, đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu (Verts/ALE) giành 67 ghế, Bảo thủ và cải cách châu Âu (CRE) có 61 ghế, Châu Âu vì tự do và dân chủ trực tiếp (EFDD) giành 53 ghế, Cánh tả thống nhất châu Âu/Cánh tả xanh Bắc Âu (GUE/NGL) giành 39 ghế, châu Âu của các quốc gia và người tự do (ENF) giành 55 ghế.  

Còn 38 ghế thuộc về các nghị sĩ trung lập. Với số ghế giành được giảm mạnh, hai nhóm đảng dẫn đầu là EPP và S&D lần đầu tiên trong hơn 20 năm sẽ không còn chiếm được đa số tại EP. Trong khi đó, với việc về đích với vị trí thứ 3 và thứ 4, Những người tự do ALDE và nhóm đảng Xanh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một liên minh đa số mới. 

Cuộc bầu cử EP tại Brussels, Bỉ hôm 26-5 thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các đảng hoài nghi châu Âu, bài châu Âu và dân tộc chủ nghĩa có thể giành 172 trong số 751 ghế tại EP, tương đương tỷ lệ 22,9%. Thông báo của EP cũng cho biết ước tính tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này là 49 - 52%, cao hơn nhiều so với con số 42,61% trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm. Đây cũng là tỉ lệ cử tri châu Âu đi bỏ phiếu cao nhất trong vòng 24 năm qua.

Kết quả trên của cuộc bầu cử EP 2019 được đánh giá là sẽ có tác động đến tiến trình ra chính sách tại châu Âu, khi các vấn đề về môi trường sẽ được ưu tiên nhiều hơn hay các chủ đề mà các đảng dân tộc chủ nghĩa và cực hữu quan tâm như nhập cư, chống Hồi giáo hoá hay hạn chế quyền lực của Ủy ban châu Âu (EC)... cũng sẽ được bàn thảo nhiều hơn. 

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, đó là cuộc bầu cử năm nay khẳng định lại một lần nữa rằng xu hướng các đảng cực hữu, dân tuý, dân tộc chủ nghĩa lớn mạnh tại châu Âu trong vài năm qua là không phải ngẫu nhiên mà là tín hiệu cho thấy đời sống chính trị-xã hội châu Âu đang dần có những thay đổi mạnh mẽ về chất. Điều này càng chính xác hơn khi các đảng truyền thống vốn rất lớn mạnh ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italy... suy yếu và ngày càng mất nhiều cử tri ủng hộ. 

Nói cách khác, cuộc bầu cử châu Âu củng cố nhận định rằng, châu Âu đang ở một thời điểm rất nhạy cảm, với rất nhiều sự chia rẽ, phân hoá mang tính cực đoan và có thể chứng kiến các biến động lớn trong một vài năm tới. Điều này gây sức ép buộc không chỉ từng quốc gia mà cả các thiết chế của EU cũng sẽ phải cải tổ mạnh mẽ.

Từ trước đến nay, EU vẫn bị chỉ trích là quá thiên về kỹ trị, mang tính áp đặt chính sách, làm tổn hại chủ quyền quốc gia cũng như không quan tâm đến các bức xúc trực tiếp của nhiều tầng lớp cử tri châu Âu, đặc biệt là giới lao động và nhóm dân bản địa lo lắng khi văn hoá châu Âu bị tác động. 

Chắc chắn sau cuộc bầu cử này, các lo ngại này sẽ lại được nêu ra và EP cũng như Hội đồng và Uỷ ban châu Âu sẽ phải xem xét một cách nghiêm túc. Khả năng thay đổi quyền lực trực tiếp ở các nước sau cuộc bầu cử được cho là tương đối ít, do đây là cuộc bầu cử châu Âu nên các vấn đề tranh cử thường cũng không phải là các vấn đề nóng nhất tại mỗi quốc gia. 

Vì thế, dù có một số đòi hỏi, như đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” của bà Marine Le Pen ở Pháp yêu cầu giải tán Quốc hội Pháp, nhưng điều này ít có khả năng xảy ra. Sẽ không có biến động lớn trong chính trường nội bộ các nước, dù một số đảng cầm quyền, đặc biệt là ở Đức, Pháp hay Hà Lan, sẽ phải điều chỉnh một số chính sách.

Sau cuộc bầu cử này, 751 nghị sĩ châu Âu sẽ bầu chọn Chủ tịch EC và vị trí này thường là người được nhóm chính trị chiếm nhiều ghế nhất tại EP đề cử và ủng hộ. Ngay trong tối 26-5, nhóm các đảng chiếm nhiều ghế nhất tại EP khóa tới đã tuyên bố chiến thắng và sẽ giữ ghế Chủ tịch EC. Nhân vật được EPP ủng hộ là Manfred Weber, chính trị gia người Đức của đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) và hiện là Chủ tịch EPP tại EP. 

Theo đánh giá của giới phân tích châu Âu thì Manfred Weber cũng là ứng cử viên số 1 để thay thế ông Jean-Claude Juncker trong thời gian tới. Tuy nhiên, S&D cũng tuyên bố họ sẽ đề cử ứng cử viên của mình và cho rằng nhóm EPP hiện không còn đủ quyền lực để kiểm soát được EP. Về tổng thể, có khoảng 8 ứng cử viên cho chức Chủ tịch EC và ứng cử viên Manfred Weber vẫn là người có nhiều khả năng nhất để thay thế ông Jean-Claude Juncker.

Về lịch trình sau bầu cử, Chủ tịch các nhóm chính trị sẽ tổ chức 1 cuộc họp vào sáng 28-5 (giờ địa phương) để yêu cầu Hội đồng châu Âu đề cử một nghị sĩ EP là Chủ tịch EC và Hội đồng sẽ xem xét vấn đề này trong lúc dùng bữa tối. 

Trong các ngày 20 và 21-6, các nghị sĩ được bầu sẽ đàm phán thành lập các nhóm chính trị trong EP nhiệm kỳ 9 và các nhóm này sẽ công bố thành phần nhóm trong ngày 24-6. EP nhiệm kỳ 8 sẽ kết thúc vào ngày 1-7. Ngày 2-7 sẽ diễn ra phiên họp toàn thể khai mạc Nghị viện nhiệm kỳ mới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.