Kết luận của CIA chưa nhận được sự đồng thuận từ các cơ quan tình báo khác

Thứ Hai, 12/12/2016, 09:10
Hồi cuối tuần qua, nhiều cơ quan, quan chức Mỹ đã đồng loạt lên tiếng cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 để “ngáng đường” bà Hillary Clinton và giúp ông Donald Trump thắng cử. Từ đó, làm suy yếu niềm tin vào hệ thống bầu cử Mỹ.

Hôm 10-12, tờ The Guardian của Anh dẫn lời Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Harry Reid, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, khẳng định Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, thuộc đảng Cộng hòa, đã che giấu thông tin liên quan đến việc Nga tấn công mạng nhằm giúp ông Trump giành chiến thắng trước đối thủ của đảng Dân chủ Hillary Clinton, sau khi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố báo cáo điều tra về các vụ tấn công mạng trong các đảng chính trị của Mỹ.

Theo kết luận điều tra được công bố hôm 9-12, CIA đã kết luận “với niềm tin chắc chắn” rằng, Nga không chỉ can thiệp vào cuộc bầu cử, mà các hành vi của Moskva còn nhằm giúp đỡ ông Trump. Theo đó, các cá nhân “có liên hệ với Chính phủ Nga” – những người đã cung cấp hàng ngàn email bị rò rỉ của Ủy ban Quốc gia Dân chủ và Ủy ban vận động tranh cử của bà Clinton cùng nhiều nhân vật khác cho WikiLeaks trong những tháng cuối trước khi diễn ra cuộc bầu cử. CIA nêu rõ, mặc dù Nga đã tấn công vào các thành viên đảng Cộng hòa cũng như đảng Dân chủ, nhưng chỉ đưa ra những thông tin có hại cho đối thủ của ông Trump, là bà Clinton.

Thượng nghị sĩ Reid khẳng định: “FBI đã có những tài liệu này trong một thời gian dài. Nhưng ông Comey đã từ chối tiết lộ thông tin về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử này”. Ông Reid cũng bày tỏ thất vọng về ông Comey vì “ông đã bỏ rơi đất nước chỉ vì mục tiêu đảng phái” và kêu gọi Giám đốc FBI phải từ chức ngay lập tức.

Những bình luận của ông Reid được đưa ra sau khi một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết, theo đánh giá của cộng đồng tình báo, mục tiêu của Nga là nhằm ủng hộ một ứng viên này hơn so với ứng viên còn lại, từ đó giúp ông Trump thắng cử và đây là quan điểm được nhiều người đồng thuận.

Ông Trump không tin Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016. Ảnh: Reuters.

Ngay sau kết luận của CIA, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo nước này rà soát lại các cuộc tấn công mạng cũng như những sự can thiệp từ nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống 2016 và trình ông một bản báo cáo chi tiết trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20-1-2017. Nhà Trắng nhấn mạnh, bản báo cáo này sẽ không chỉ tập trung vào các hoạt động của Nga hay các cuộc tấn công liên quan đến chiến dịch tranh cử vừa qua, mà họ sẽ xem xét cả những vụ việc xảy ra từ hồi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, khi đó, các chiến dịch của hai ứng cử viên là John McCain và Obama đã bị hacker xâm phạm.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chuck Schumer khẳng định sẽ tập trung một cuộc điều tra cấp Quốc hội trong năm mới 2017: “Cộng đồng tình báo sẽ chuyển bất cứ thông tin liên quan đến các diễn biến tấn công, và như thế Quốc hội có thể tiến hành cuộc điều tra toàn diện”.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain và Lindsay Graham cho biết họ cũng sẽ theo đuổi các cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử, trong khi Thượng nghị sỹ John Cornyn nhấn mạnh rằng, hành động tấn công mạng của Nga đã diễn ra nhiều năm, và “vấn đề rất nghiêm trọng”.

Về phía Nga, bấy lâu nay Moskva luôn cương quyết bác bỏ mọi cáo buộc tấn công mạng và can thiệp vào bầu cử Mỹ. Hiện Nga vẫn chưa có phản ứng gì đối với kết luận ngày 9-12 của CIA, nhưng ông Oleg Morozov, một thành viên của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Nga, đã bác bỏ những tuyên bố về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, và cho những tuyên bố đó là “dại dột và hoang tưởng”.

Bản thân Tổng thống đắc cử Mỹ Trump trước sau như một vẫn phủ nhận Nga có liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm phá hoại bầu cử Mỹ, bất chấp sự đồng thuận rất lớn trong kết quả điều tra từ các công ty an ninh mạng và từ các cơ quan tình báo của Chính phủ Mỹ. Ông Trump gọi những là “chuyện nực cười” và hóm hỉnh rằng: “Cứ khi nào tôi làm được gì là họ lại nói: “Đấy, Nga can thiệp đấy””. Tổng thống đắc cử Mỹ khẳng định: “Tôi không tin. Tôi không tin Nga phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”.

Đội ngũ của ông Trump cũng ra sức bác bỏ những kết luận của CIA. Bên cạnh đó, đánh giá của CIA không nhận được sự đồng thuận từ 17 cơ quan tình báo khác của Mỹ, bởi vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng như, không có bằng chứng xác thực cho thấy, quan chức Nga chỉ đạo cá nhân cung cấp những email bị hack của bà Clinton cho WikiLeaks. Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange cũng phủ nhận bất cứ liên hệ nào với Nga.

Minh Nhật
.
.
.