Indonesia nỗ lực tối đa giải quyết vụ tai nạn máy bay

Thứ Hai, 11/01/2021, 09:16
Sau khi xác định được tọa độ máy bay Boeing 737-500 thuộc hãng hàng không Sriwijaya Air gặp nạn hôm 9/1 tại quần đảo Thousand ở vùng biển phía Bắc Jakarta, Indonesia đang huy động tối đa lực lượng tìm kiếm.

Có ít nhất 7 tàu chiến thuộc Hải quân Indonesia, 8 tàu tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, 6 tàu cảnh sát biển quốc gia, máy bay và các lực lượng tinh nhuệ được huy động trong cuộc tìm kiếm. Cùng với đó, quân đội và nhiều phương tiện cứu hộ như tàu chiến, trực thăng và thợ lặn vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân, nhưng hy vọng tìm thấy người sống sót dường như rất ít.

Bộ Giao thông Vận tải, Quân đội và cảnh sát quốc gia cùng Cơ quan tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và một số bên liên quan của Indonesia, sáng 10/1 đã thị sát trực tiếp hiện trường vụ rơi máy bay Boeing 737-500 mang số hiệu SJ-182. Theo truyền thông địa phương, trên máy bay có 62 người, trong đó có 10 trẻ em và 6 thành viên phi hành đoàn. Tất cả đều là người Indonesia.

Bộ Giao thông Vận tải Indonesia dẫn những dữ liệu chuyến bay cho biết, máy bay SJ-182 mất liên lạc với kiểm soát không lưu khi lên đến độ cao 29.000 feet (3.000m) chỉ 4 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ tai nạn máy bay.

Các lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân.

Tuy nhiên, trước khi cất cánh, máy bay đã bị hoãn 30 phút do thời tiết xấu. Ngay sau vụ tai nạn, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị các bên liên quan tối đa hóa việc tìm kiếm các nạn nhân. Cuộc tìm kiếm dưới sự chỉ đạo của Người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Indonesia, Thống chế Không quân, ông Bagus Puruhito.

Tổng thống Joko Widodo cho biết, ông đang theo dõi sát sao tiến trình tìm kiếm chiếc máy bay xấu số, đồng thời đã gửi lời chia buồn tới tất cả gia đình và người thân các hành khách và phi hành đoàn cũng như Hãng hàng không Sriwijaya Air. Ông hy vọng rằng những lời cầu nguyện và chia sẻ cảm thông sẽ tiếp thêm sức mạnh và sự kiên nhẫn cho các gia đình nạn nhân. Ba trung tâm xử lí khủng hoảng đã được thành lập để tiếp nhận thông tin về chiếc máy bay mất tích.

Sáng cùng ngày, một quan chức và một nhân viên cứu hộ Indonesia cho biết, các thợ lặn trong đội cứu hộ đã tìm thấy một chiếc lốp của máy bay Boeing 737-500 lên khỏi mặt nước và một thiết bị dưới nước cho thấy các mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số dưới đáy biển ở độ sâu 23m. Người phát ngôn Văn phòng Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia Yusuf Latief xác nhận thêm một số mảnh vỡ nữa đã được thu thập từ hiện trường.

 Trước đó, nhà chức trách Indonesia thông báo đã tìm thấy nhiều phần thi thể người ở vùng biển ngoài khơi Thủ đô Jakarta, khu vực chiếc máy bay xấu số gặp nạn. Ông Yusuf Latief cho biết, cảnh sát Jakarta đã tiếp nhận 2 túi, một túi chứa đồ dùng cá nhân của các hành khách và túi còn lại chứa các phần thi thể. Trong khi đó, ông Bagus Puruhito cho biết, lực lượng cứu hộ đã phát hiện các tín hiệu tại 2 điểm và đây có thể là hộp đen của chiếc máy bay.

Còn theo Tư lệnh Quân đội Indonesia (TNI), Nguyên soái Hadi Tjahjanto, đủ rõ ràng để có thể tìm thấy các bộ phận của máy bay và thậm chí cả nạn nhân. Nếu điều kiện thời tiết cho phép, không có thay đổi về dòng chảy dưới đáy biển, công tác tìm kiếm nạn nhân sẽ có kết quả sớm.

Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (KNKT) Indonesia thông báo các lực lượng chức năng đã bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Người đứng đầu KNKT Suryanto Cahyono nói: “Chúng tôi đã điều 2 nhân viên điều tra thuộc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia đến khu vực được cho là nơi máy bay gặp nạn trên biển để khảo sát vị trí. Chúng tôi cần tìm thêm thông tin về vị trí, để có thể xác định xem nên sử dụng thiết bị nào phù hợp với địa hình dưới nước”.

Một số nhân viên điều tra khác cũng đã được điều đến Cơ quan kiểm soát không lưu tại sân bay Soekarno-Hatta, Cơ quan Khí tượng và Địa vật lý và Hãng hàng không Sriwijaya để thu thập thông tin. Cùng với đó, cảnh sát ở Jakarta đã thiết lập một trạm chỉ huy tại Bệnh viện Cảnh sát Kramat Jati để xác định danh tính các nạn nhân và tìm kiếm các thành viên gia đình.

Trong bối cảnh các nhà chức trách đang nỗ lực điều tra về vụ tai nạn, ông Richard Aboulafia - một nhà phân tích hàng không tại Teal Group, đơn vị chuyên phân tích ngành hàng không cho hai hãng Boeing và Airbus - không tin rằng nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do lỗi thiết kế của mẫu máy bay này.

“Đây thậm chí không phải là dòng máy bay đời trước của Boeing 737 Max. Nó đã được sử dụng trong 30 năm nên có vẻ như đây không phải do lỗi thiết kế. Có hàng nghìn chiếc máy bay tương tự cũng đã được chế tạo và quá trình sản xuất đã kết thúc hơn 20 năm trước. Do đó, nếu chiếc máy bay này có vấn đề gì thì điều đó đã được phát hiện”, ông nói. Trong một email, chuyên gia Richard Aboulafia cũng cho rằng dù chiếc máy bay gặp nạn đã hoạt động 26 năm, vượt quá tuổi bay trung bình của nhiều máy bay, nhưng không có gì là bất thường khi một máy bay lâu năm như vậy vẫn đang được sử dụng.

“Sẽ hoàn toàn an toàn nếu máy bay vẫn được bảo trì theo đúng quy trình do các cơ quan quản lý địa phương quy định”, ông khẳng định. Ông Soerjanto Tjahjono, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia cũng khẳng định, mặc dù sản xuất từ năm 1994, song máy bay Boeing 737-500 này được bảo dưỡng theo quy định và vẫn đang ở trong tình trạng tốt.

Các vụ tai nạn máy bay của Indonesia trong những năm gần đây

- Ngày 9/1/2021: Máy bay Boeing 737-500 số hiệu SJ182 của hãng hàng không Sriwijaya Air chở theo 62 hành khách và phi hành đoàn rơi ở quần đảo Thousand ở vùng biển phía Bắc Jakarta.

- Ngày 29/10/2018: Chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air bị rơi xuống vùng biển ngoài khơi đảo Java. Toàn bộ 189 người trên chiếc máy bay đều đã thiệt mạng.

- Ngày 3/12/2016: Một chiếc máy bay M28 Skytruck của lực lượng cảnh sát Indonesia khi đang trên hành trình từ thành phố Pangkal Pinang đến đảo Batam, thuộc tỉnh Kepulauan Riau đã mất liên lạc và rơi xuống vùng biển của đảo Batam, miền Tây Indonesia. 16 nhân viên cảnh sát đã thiệt mạng.

- Ngày 16/8/2015: Chiếc máy bay ATR mang số hiệu Trigana IL-257 bị đâm vào núi tại Oksibil khi đang trong hành trình từ Jayapura, thủ phủ tỉnh Papua đến Oksibil, một huyện miền núi cũng thuộc Papua. Có tổng cộng 54 người trên máy bay, trong đó có 49 hành khách (gồm 44 người lớn và 5 trẻ em) cùng 5 phi hành đoàn. Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn Quốc gia Indonesia đã tìm thấy được 38 thi thể nạn nhân thiệt mạng.

- Ngày 30/6/2015: Chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của Không quân Indonesia đã phát nổ ngay sau khi cất cánh ở thành phố Medan và đâm xuống một khu dân cư, làm toàn bộ 113 người trên máy bay thiệt mạng và 29 người dưới mặt đất cũng bị thiệt mạng khi máy bay lao xuống.

- Ngày 28/12/2014: Chiếc máy bay Airbus 320-200 mang số hiệu QZ 8501 của Hãng hàng không Air Asia, gặp nạn khi đang bay trong điều kiện thời tiết xấu từ thành phố Surabaya của Indonesia tới Singapore. Vụ tai nạn đã khiến 162 người thiệt mạng.

- Ngày 1/1/2007: chiếc máy bay Boeing 737-400 của hãng hàng không giá rẻ Adam Air, Indonesia biến mất khỏi màn hình radar trong hành trình bay nội địa từ Surabaya đến Manado. 10 ngày sau, các bộ phận máy bay được tìm thấy ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của đảo Sulawesi. Tất cả 102 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng.

-  Ngày 5/9/2005: chiếc máy bay Boeing 737-200 của hãng hàng không Mandala Airlines trong một chuyến bay nội địa đã rơi ngay sau khi cất cánh từ sân bay thành phố Medan xuống một khu dân cư đông đúc, làm 150 người thiệt mạng, gồm: hành khách, tổ bay và người dưới mặt đất.

- Ngày 26/9/1997: chiếc Airbus A300 trong chuyến bay 152 của hãng hàng không quốc gia Garuda rơi xuống một cánh rừng và nổ tung khiến toàn bộ 234 hành khách trên máy bay thiệt mạng…

PV


Khổng Hà
.
.
.