Hy vọng mới cho cuộc khủng hoảng tồi tệ ở Yemen

Thứ Bảy, 08/12/2018, 09:16
Các cuộc đàm phán hòa bình về Yemen đang diễn ra ở Thụy Điển, do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ, được kì vọng là “cơ hội vàng” để các bên trong cuộc xung đột tìm kiếm một giải pháp chính trị toàn diện nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài nhiều năm qua.

Từ ngày 6-12, tại thị trấn Rimbo ở phía Bắc thủ đô Stockholm, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, Đặc phái viên LHQ Martin Griffiths về tình hình Yemen, phái đoàn đại diện Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận và lực lượng nổi dậy vũ trang Hồi giáo Houthi, đã ngồi cùng nhau quanh một chiếc bàn lớn để tiến hành cuộc đàm phán hòa giải nghiêm túc nhất, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài gần 4 năm qua tại Yemen đã đẩy người dân quốc gia nghèo khó Trung Đông này vào thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử.

Theo Reuters, vòng hòa đàm Yemen lần này diễn ra sau nhiều nỗ lực của LHQ, nhất là phái viên Martin Griffiths và không ấn định thời gian kết thúc, tức là các bên có thể lần lượt trao đổi các vấn đề từ nhỏ tới lớn, để từ đó vạch ra một lộ trình chính trị có tính khả thi cao. Tại phiên họp đầu tiên kéo dài tới ngày 7-12, các bên Yemen đã đạt được thỏa thuận mang tính thiện chí đầu tiên về trao đổi hàng ngàn tù binh.

Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), ít nhất 5.000 tay súng của cả hai phía sẽ sớm được thả tự do nhờ thỏa thuận trên. “Điều này rõ ràng là một đóng góp lớn của những người ngồi tại đây, khi cho phép hàng ngàn gia đình có cơ hội đoàn tụ. Hơn nữa, nó cũng cho thấy kết quả tốt đẹp mà các bên có thể đạt được khi họ làm việc cùng nhau”, Đặc phái viên Martin Griffiths nói với báo giới.

Tờ Sputnik của Nga tiết lộ, trong các phiên làm việc kế tiếp, trước khi tiến đến một giải pháp chính trị, các bên dự định thảo luận về những bước đi xây dựng lòng tin như việc mở cửa không phận cho sân bay quốc tế ở thủ đô Sanaa do Houthi kiểm soát và tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại thành phố Cảng Hodeidah.

Đặc phái viên Martin Griffiths cho biết LHQ sẵn sàng đóng một vai trò đối với Hodeidah, nếu các bên Yemen chấp thuận, và theo đó tách cảng biển trung chuyển tới 3/4 hàng hóa nhập khẩu và là cửa ngõ cho hàng cứu trợ nhân đạo ở Yemen này ra khỏi cuộc chiến để phục vụ riêng cho các mục đích nhân đạo.

Các cuộc đàm phán hòa bình trước đây về vấn đề Yemen thường xuyên đổ vỡ vì thiếu sự nhượng bộ của cả hai bên hoặc thậm chí bị hủy bỏ vào phút chót. Hồi tháng 9, Houthi đã không cử đại diện tới một cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ ở Geneva, Thụy Sĩ. Houthi cáo buộc Liên quân Arab hậu thuẫn quân đội chính phủ, vốn kiểm soát không phận Yemen, đã cản trở các quan chức lực lượng này tới Geneva, đồng thời phê phán LHQ vì không thực hiện các yêu cầu mà nhóm đưa ra trước đàm phán.

Tuy nhiên, lần này, Houthi đã chấp nhận tới Thụy Điển mà không đưa ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Hồi tháng 11, Houthi thậm chí cam kết tạm dừng các cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ các quốc gia thuộc Liên quân Arab tham chiến ở Yemen, do Arab Saudi dẫn đầu, như một cử chỉ thiện chí. Đáp lại, Chính phủ Yemen cùng Liên quân Arab hậu thuẫn, hôm 3-12 đã cho phép máy bay chở khoảng 50 thành viên chủ chốt của Houthi bị thương tới quốc gia láng giềng Oman chữa trị.

Phát biểu với báo giới trước khi các cuộc hòa đàm diễn ra, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom hy vọng các bên Yemen sẽ tạm gác bất đồng, đàm phán có trách nhiệm để cứu vãn thảm kịch nhân đạo thảm khốc đang diễn ra tại quốc gia Trung Đông này và có nguy cơ sẽ còn tồi tệ hơn.

“Thụy Điển cam kết hỗ trợ đầy đủ các nỗ lực của LHQ và Đặc phái viên Griffiths về một giải pháp cho cuộc xung đột Yemen. Chúng tôi mong muốn tiếp tục là bên thứ 3 được tổ chức các hội nghị cấp cao cho Yemen”, ông Wallstrom nói. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi các bên Yemen đàm phán một cách vô điều kiện, bày tỏ thiện chí và đối thoại mềm dẻo để vòng hòa đàm có thể đạt tiến bộ.

Về phần mình, ông Martin Griffiths, người thứ 3 trong 4 năm đảm nhiệm vị trí Đặc phái viên LHQ trong hồ sơ Yemen, thừa nhận đây mới là một sự khởi đầu “thành công” nhỏ cho tiến trình đối thoại lớn để tìm ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề Yemen.

“Chúng tôi, các nhà hòa đàm Yemen, đang có mặt tại đây. Đó là một thành công. Nhưng chúng tôi còn tham vọng nhiều hơn thế. Hơn hết, chúng tôi muốn phác thảo ra một giải pháp cuối cùng và đánh giá xem liệu các bước đi mà chúng tôi đang tiến hành có đúng hướng hay không”, ông Griffiths nhấn mạnh.

Giới quan sát nhận định, hiện đã là “thời điểm vàng” để kết thúc cuộc nội chiến ở Yemen khi mà sự bế tắc trong việc can dự quân sự hơn 3 năm qua của Liên quân Arab do Arab Saudi dẫn đầu thực tế đã không thể mang lại bất kỳ sự tiến bộ nào cho Yemen. Trong khi đó, các cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này, chỉ tính từ năm 2015, đã khiến khoảng 12.000 dân thường mạng, 14 triệu người, gồm hàng triệu trẻ em, đang phải sống dựa vào viện trợ nhân đạo và thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất mạng vì bom đạn, vì đói khát hay dịch bệnh tràn lan.

Dù rằng đàm phán là một chuyện, còn có đạt được kết quả tiến bộ hay không lại là một câu chuyện khác, song đánh giá về vòng hòa đàm lần này, Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất – một trong những quốc gia Arab tham chiến chính tại Yemen cũng thừa nhận, đây là “cơ hội then chốt” để đem lại hòa bình thực sự cho Yemen. 

Thiện Minh
.
.
.