Giám đốc CIA đến Hàn Quốc tham vấn về tình hình Triều Tiên

Thứ Ba, 02/05/2017, 07:17
Ngày 1-5, các nguồn tin cho biết, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo đang có chuyến thăm Hàn Quốc để thảo luận về vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Trước đó, trong hai ngày 29 và 30-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện các cuộc điện đàm riêng rẽ với 3 đồng minh châu Á gồm Thái Lan, Singapore và Philippines để thảo luận về các phương thức nhằm duy trì áp lực về ngoại giao cũng như kinh tế đối với Bình Nhưỡng.

Sự khẩn trương này đã được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cập tới tại cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về vấn đề Triều Tiên hồi cuối tuần qua, khi khẳng định rằng, thời kỳ áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên vốn được chính quyền tiền nhiệm của ông Barack Obama thông qua đã kết thúc.

Theo đó, Washington sẽ không bị cuốn vào những cuộc đàm phán sáo rỗng với Bình Nhưỡng. Thay vào đó, “CHDCND Triều Tiên phải có những bước đi cụ thể để giảm bớt các mối đe dọa đặt ra với Mỹ và các đồng minh liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bất hợp pháp của nước này. 

Đây là điều kiện tiên quyết trước khi Mỹ có thể cân nhắc đàm phán”. Trong khi chờ đợi, chính quyền Mỹ sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên. 

Cụ thể, ông Tillerson kêu gọi các nước cần thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hoặc công ty có thể tham gia vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, hạ mức quan hệ ngoại giao với CHDCND Triều Tiên, hạn chế sử dụng lao động Triều Tiên.

Tổng thống Trump điện đàm với các đồng minh châu Á thảo luận về vấn đề Triều Tiên. (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt hiện thời cần được thực thi nghiêm túc hơn. Cùng với đó, Mỹ đã điều binh lực tới khu vực Bán đảo Triều Tiên với lý do để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã dội một “gáo nước lạnh” vào những tuyên bố của phía Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cảnh báo, việc sử dụng vũ lực trong vấn đề Triều Tiên là “không thể chấp nhận được”, đồng thời nhấn mạnh: “Bất kỳ một tính toán sai lầm hoặc một sự hiểu lầm nào trong lúc này cũng sẽ dẫn đến hậu quả đáng sợ và đáng trách nhất”.

Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng, việc “dọa dẫm Bình Nhưỡng bằng vũ lực” sẽ không giải quyết được vấn đề, đồng thời nhấn mạnh giờ là thời điểm cần phải gạt sang một bên những tranh cãi và nghiêm túc ngồi lại vào bàn đàm phán.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, đối thoại và đàm phán là “lối thoát duy nhất” và “việc sử dụng vũ lực sẽ không thể giải quyết được những khác biệt và chỉ dẫn đến những thảm họa lớn hơn”.

Ngay chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William cũng trăn trở: “Chúng ta vẫn có một cơ hội thực sự cho giải pháp ngoại giao thành công. Câu hỏi lớn ở đây là liệu chúng ta có đủ khôn ngoan để nắm bắt lấy nó hay không. Sau tất cả, đây có thể là cơ hội cuối cùng của chúng ta”.

Nhiều quan chức chính quyền Mỹ cho hay, đội ngũ phụ tá của Tổng thống Mỹ xem xét nhiều lựa chọn chính sách về CHDCND Triều Tiên, bao gồm tấn công quân sự, lật đổ chính quyền, nhưng rốt cuộc Washington lại lựa chọn gây áp lực với nước này. Và nếu CHDCND Triều Tiên thay đổi hành vi của mình, Washington sẽ tiếp xúc với Bình Nhưỡng.

Một quan chức quân sự giấu tên của Mỹ cũng tiết lộ “giới hạn đỏ chiến tranh” của Mỹ là Mỹ không có dự định dùng vũ lực để đáp trả hành động phóng tên lửa, thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Mặc dù mục tiêu chiến lược của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc, nhưng không thể phủ nhận rằng, để giải quyết được vấn đề Triều Tiên, trước tiên, không thể thiếu khả năng hợp tác toàn diện của Trung Quốc.

Chính Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster hồi giữa tháng Tư từng nói rằng: “Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, đồng thuận rằng tình hình hiện nay không thể tiếp tục kéo dài mãi”.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng khẳng định “chìa khóa để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên không chỉ nằm riêng trong tay Trung Quốc”. Điều này có nghĩa là Mỹ phải khiến Trung Quốc trở thành một đối tác toàn diện trong vấn đề Triều Tiên.

Khổng Hà
.
.
.