Giải mã quyết định của Nga không tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4

Thứ Hai, 04/04/2016, 08:01
Sự kiện gây sự chú ý nhiều nhất của dư luận quốc tế trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 ở Washington trong 2 ngày 31-3 và 1-4 là việc phía Nga bất ngờ đưa ra tuyên bố sẽ không cử bất cứ lãnh đạo cấp cao nào (tổng thống hay thủ tướng) tham dự sự kiện này mặc dù Moscow đã từng tham dự cả 3 hội nghị trước đó ở Mỹ năm 2010, ở Hàn Quốc năm 2012 và ở Hà Lan năm 2014.

Phải chăng Nga đã “bỏ lỡ cơ hội” hoặc “tự cô lập mình” chăng?

Bình luận về quyết định của Điện Kremlin không cử lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4, Thư ký về an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama Ben Rhodes cho rằng cử chỉ này của Moscow là hành động “bỏ lỡ cơ hội” và “tự cô lập mình” bởi đây là dịp hiếm có để gặp gỡ với giới chính trị gia quốc tế nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng.

Quả thật, tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama đã có cuộc gặp và trao đổi ý kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Edogan và nguyên thủ nhiều nước khác không chỉ để bàn về chủ đề an ninh hạt nhân mà còn nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương cũng như quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân được tổ chức tại thủ đô Washington D.C.                    Ảnh: Getty.

Lập luận của phía Nga không phải là không có cơ sở

Theo nhận định của giới phân tích chính trị ở Nga, lý do mà phía Nga quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 không phải là không có cơ sở.

Một là, theo cách bình luận của Thư ký về an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama Ben Rhodes thì Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 ở Washington là cơ hội hiếm có cho lãnh đạo Nga gặp lãnh đạo Mỹ để thảo luận về các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và các “điểm nóng” trên thế giới mà hai nước đóng vai trò rất quan trọng để hóa giải, thì phía Nga không có nhu cầu như vậy vào thời điểm này. 

Thông thường, chuyến đi của một lãnh đạo cấp cao của Nga đến Mỹ đều kết hợp với nội dung tổ chức các cuộc hội đàm với lãnh đạo cùng cấp của Mỹ. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 là lần cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama sẽ không có thời gian cho các cuộc hội đàm với giới lãnh đạo Nga để bàn về nhiều vấn đề lớn, mang tầm toàn cầu, quá phức tạp và đầy mâu thuẫn giữa hai bên liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine hay cuộc chiến ở Syria và vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.

Hai là, những vấn đề bức xúc nhất, “nóng” nhất liên quan tới Mỹ và Nga, vừa được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và trao đổi trong cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga V.Putin trong chuyến thăm Moscow cách đây vài ngày.

Ba là, trên thực tế, Mỹ và Nga có thể trao đổi về một chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh lần này là vật liệu hạt nhân có nguy cơ rơi vào tay các phần tử khủng bố (dù chỉ ở mức đủ để chế tạo “bom bẩn”) có thể khiến các vụ tấn công khủng bố tương tự như vụ khủng bố vừa qua tại Brussels (Bỉ) sẽ gây ra hậu quả kinh hoàng hơn nhiều. Thế nhưng, quan điểm của lãnh đạo Mỹ lại cho rằng mối đe dọa này không tồn tại. 

Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia trực thuộc Nhà Trắng, bà Laura Holgate,  từng tuyên bố: “Hiện nay chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy lực lượng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang cố gắng tiếp cận để có được các vật liệu hạt nhân hoặc phóng xạ. Chúng tôi chỉ đang theo dõi sát sao”. Quan điểm này xuất phát từ nguồn gốc sâu xa là Mỹ và một số thành viên trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từng đứng đằng sau tài trợ và ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) - tiền thân của IS, trong cuộc chiến nhằm loại bỏ Tổng thống Syria Bassa Al-Assad được Nga hậu thuẫn.

Bốn là, Mỹ là nước chủ nhà và chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 lại không mời những quốc gia có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm và duy trì an ninh hạt nhân như Iran. Giải thích cho quyết định khó hiểu này, bà Laura Holgate, cho biết chỉ có một số quốc gia “có thái độ tích cực” với an ninh hạt nhân mới được mời.

Bà Laura Holgate nhấn mạnh: “Mục đích của Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 là tạo ra diễn đàn để thảo luận một cách có trách nhiệm giữa các quốc gia có các quan điểm khác nhau và có triển vọng trong lĩnh vực này, chứ không phải là diễn đàn để tổ chức các cuộc hội thảo mở rộng cấp toàn cầu nên Iran với tư cách là đối tác “không thân thiện” nên đã không được mời”. Moscow không thể chấp nhận thái độ và quan điểm trịch thượng và phân biệt đối xứ không công bằng như vậy trong quan hệ quốc tế.

Năm là, đang tồn tại sự thiếu hụt lòng tin chiến lược nghiêm trọng giữa Mỹ và Nga về trong vấn đề an ninh hạt nhân. Đó là, Mỹ đã và đang vi phạm một cách có hệ thống các nguyên tắc an ninh hạt nhân. 

Cụ thể là: (1) Mỹ đang duy trì hàng ngàn đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ các nước Châu Âu, trong đó có các nước khu vực Baltic, sát biên giới Nga; (2) Mỹ chưa phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong tất cả các môi trường; (3) Mỹ vẫn tiếp tục phớt lờ tiềm năng vũ khí hạt nhân của Israel. Theo quan điểm của Nga, không nên “thử nghiệm với các nguy cơ mới” trong khi phớt lờ các nguy cơ đang tồn tại.

Sáu là, Moscow cho rằng, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đóng vai trò trung tâm và then chốt trong việc phối hợp nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo đảm an ninh hạt nhân. Thế nhưng, tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4, Mỹ lại áp đặt các chỉ thị cho chính tổ chức này và Cơ quan cảnh sát quốc tế Intelol, LHQ và Sáng kiến toàn cầu đấu tranh chống hành động khủng bố hạt nhân. Đây là sự áp đặt quan điểm của Mỹ và một số quốc gia đối với các tổ chức có uy tín của quốc tế mà không tính đến các nguyên tắc và cơ chế thông qua các quyết định chính trị.

Bảy là, Mỹ hô hào thế giới đối phó với nguy cơ an ninh hạt nhân mới để che giấu trách nhiệm của họ trong việc thực hiện Hiệp định cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn III (START-III). 

Cụ thể là, Hiệp ước này quy định các bên không được bố trí vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia, trong khi đó Mỹ tiếp tục gia tăng sự hiện diện của loại vũ khí này ở các nước đồng minh trong NATO. Ngoài ra, Mỹ tiếp tục bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở các nước châu Âu để sẵn sàng vô hiệu hóa tiềm năng vũ khí hạt nhân của Nga. Đồng thời chuẩn bị bố trí tên lửa tầm trung mang vũ khí hạt nhân ở châu Âu và vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước về tên lửa tầm trung và hệ thống phòng thủ tên lửa đã từng ký với Liên Xô trước đây.

Nhận định về việc Nga không tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4, báo Anh The Financial Times bình luận: “Không có sự đóng góp ý kiến của Nga, các thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 không thể đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc bảo đảm và duy trì an ninh hạt nhân trên phạm vi toàn cầu vì có tới 90% tiềm năng urani làm giàu được bảo quản ở Mỹ và Nga”. 

Còn để đối phó với nguy cơ khủng bố hạt nhân, Nga là cường quốc đóng vai trò then chốt vì chính họ đang đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố mà chiến dịch truy quét IS ở Syria là một minh chứng hùng hồn nhất. Một khi chủ nghĩa khủng bố bị tiêu diệt thì nguy cơ khủng bố hạt nhân cũng theo đó mà tiêu vong. 

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.