Đức ngồi “ghế nóng” Chủ tịch EU: Thách thức và kỳ vọng

Thứ Tư, 01/07/2020, 19:13
Ngày 1/7, Đức chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) từ Croatia với hàng loạt thách thức mà “lục địa già” đang phải đối mặt như đại dịch COVID-19, đến vấn đề Brexit (Anh rời khỏi châu Âu), khí hậu, chính sách với người di cư...

Tuy nhiên, với tư cách là một cường quốc kinh tế lớn nhất trong khối, Đức đang được các nước thành viên kỳ vọng sẽ thể hiện bản lĩnh, chèo lái con thuyền châu Âu vượt qua sóng gió và giúp châu Âu mạnh mẽ trở lại. 

Cùng với đó, 6 tháng ngồi “ghế nóng” Chủ tịch EU có thể sẽ là bước ngoặt lớn cuối cùng của Thủ tướng Angela Merkel trên trường quốc tế.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã khiến những chương trình nghị sự mà Đức vạch ra lúc đầu bị thay đổi. Tuy nhiên, Berlin trước mắt vẫn sẽ bám sát các mục tiêu chính như đề xuất thỏa thuận về một quỹ tái thiết trị giá 750 tỷ Euro nhằm khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tìm kiếm thỏa thuận với Anh hậu Brexit, xử lý căng thẳng ngày càng tăng giữa EU và Trung Quốc, hay chuẩn bị bất kỳ điều gì có thể xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Trong đó trọng tâm số một cần giải quyết là sớm đưa châu Âu vượt qua khủng hoảng của đại dịch COVID-19.

Sáu tháng ngồi “ghế nóng” Chủ tịch EU có thể sẽ là bước ngoặt lớn cuối cùng của bà Merkel trước khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng Đức vào năm 2021. (Ảnh: EWB)

Theo đó, Berlin sẽ phải giúp ngăn chặn những rạn nứt mới xuất hiện khi thiệt hại từ đại dịch trở nên rõ ràng hơn, cùng những lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy ra.

Tới thời điểm hiện tại, châu Âu đã ghi nhận ​​hơn 190.000 ca tử vong vì dịch COVID-19, bằng gần 40% số ca tử vong trên toàn thế giới, và việc phải bắt buộc áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh tại nhiều quốc gia đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của khối.

Để có thể phục hồi nền kinh tế, Ủy ban EU đã đề xuất một quỹ tái thiết trị giá 750 tỷ Euro. Hai phần ba trong số này để hỗ trợ trực tiếp cho những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, trong đó có Italy và Tây Ban Nha, và phần còn lại sẽ được cấp dưới dạng cho vay. 

Hiện các nước vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về hạn mức, điều kiện hay thời hạn cụ thể của gói cứu trợ. Đặc biệt, có 4 nước không muốn triển khai giải pháp này mà muốn thông qua con đường tín dụng là Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển. 

Khoản tiền 750 tỷ Euro nêu trên sẽ được 27 nước thành viên EU đàm phán trong ngân sách giai đoạn 2021-2027 tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 17/7 tới.

“Chúng tôi sẽ làm tốt vai trò như một nhà điều phối cho các thỏa hiệp và giải pháp giữa các quốc gia thành viên. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng”, bà Merkel cho hay.

Ảnh minh họa. (Ảnh: EU)

Ngoài vấn đề COVID-19, thách thức tiếp theo trong nhiệm kỳ của Đức là duy trì sự ổn định trong mối quan hệ Mỹ-EU khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này vẫn là trụ cột chính và xuyên suốt trong chính sách đối ngoại, an ninh của khối. 

Cùng với đó, Berlin cũng cần phải làm tốt vai trò cầu nối cải thiện quan hệ giữa Nga-EU. Theo bà Angela Merkel, EU cần nỗ lực vì một mối quan hệ tốt đẹp với Nga vì nhiều lý do, bao gồm sự gần gũi về địa lý, những thách thức toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm và quan hệ kinh tế. 

Một trong những ưu tiên khác trong chương trình nghị sự của Đức ở vị trí Chủ tịch EU sẽ là các vấn đề liên quan tới môi trường. Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ nỗ lực xác định rõ quan hệ tương lai giữa EU và Anh giai đoạn hậu Brexit, cũng như chính sách về người tị nạn…

“Khẩu hiệu của Đức trong 6 tháng dẫn dắt EU là cùng đưa châu Âu mạnh mẽ trở lại”, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố. 

“Chúng ta không được phép để đại dịch ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của các quốc gia thành viên EU… Chúng tôi nhận thức rõ có kỳ vọng cao vào nhiệm kỳ chủ tịch của Đức. Đức sẽ cố gắng và không phụ sự mong mỏi, với việc đoàn kết một châu Âu thống nhất hướng đến tương lai. Chỉ hợp tác cùng nhau chúng ta mới có thể đảm bảo các giá trị châu Âu, bảo vệ lẫn nhau về dân chủ, nhân quyền và luật pháp”, bà Merkel nói.

Thời gian không có nhiều, sức ép chính trị là rất lớn, tuy vậy, người ta vẫn kỳ vọng không nhỏ vào Đức, vào cá nhân "nhà quản lý khủng hoảng" Angela Merkel, bởi khó có một chính trị gia EU nào hiện nay có bề dày kinh nghiệm xử lý khủng hoảng như nữ Thủ tướng 65 tuổi của Đức. 

Bà Merkel đã từng dẫn dắt Đức với vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 13 năm trước (năm 2007) và nhận được những lời khen ngợi vì thông qua các cuộc đàm phán đã đưa lộ trình cải cách của EU trở lại đúng hướng. 

Vừa qua, Thủ tướng Merkel cũng đã lèo lái nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 với những lời khen ngợi về phản ứng nổi bật trước đại dịch. 

“Chúng tôi cảm thấy may mắn khi Đức tiếp quản vị trí Chủ tịch EU trong thời điểm khó khăn này và hi vọng họ sẽ tạo áp lực tối đa để chúng ta có được một thỏa thuận”, nghị sĩ Quốc hội Châu Âu, Philippe Lamberts, lãnh đạo Đảng Xanh từ Bỉ cho biết.

Thế nhưng, các chuyên gia nhận định, Đức không thể tìm được giải pháp cho mọi vấn đề trong vòng 6 tháng tới. Mặc dù Đức có thể có kế hoạch nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận về mối quan hệ tương lai với Anh, nhưng các cuộc đàm phán này nằm trong phạm vi của Ủy ban Châu Âu, và Berlin không có kế hoạch tham gia vào việc định hình chi tiết. 

“Không ai nghĩ rằng những vấn đề chúng ta đang gặp phải thực sự có thể được giải quyết trong nửa năm, nhưng Đức là một cường quốc trong khối EU và họ sẽ đưa ra được một chương trình nghị sự kĩ lưỡng trong nhiệm kỳ 6 tháng của mình”, chuyên gia Daniela Schwarzer, người đứng đầu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức nhận định.

Rõ ràng, việc gánh vác trọng trách nặng nề trên vai vào thời điểm hiện tại là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Đức. Tuy nhiên, là nền kinh tế lớn nhất trong EU, Đức có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để biến thách thức thành cơ hội, từ đó khẳng định vai trò “thuyền trưởng” trên con tàu EU, đồng thời ghi dấu ấn trước khi nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Merkel kết thúc vào năm 2021.

Cao Trung (Tổng hợp)
.
.
.