Dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm

Thứ Bảy, 20/06/2020, 07:48
Trang thống kê toàn cầu Worldometer cập nhật tình hình đại dịch COVID-19 vào lúc 15h30 (giờ Việt Nam) ngày 19/6 như sau: Thế giới có 8.595.075 người mắc COVID-19 và 456.650 ca tử vong do căn bệnh này.


Theo bảng số liệu mới của Worldometer, 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới lần lượt là: Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Peru, Italy, Chile và Iran. Trong khi đó, 10 nước ghi nhận số ca tử vong do đại dịch này nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ, Brazil, Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, Ấn Độ, Bỉ và Iran.

Như vậy, có tới 7 đất nước xuất hiện đồng thời trong cả 2 danh sách nói trên, đó là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Italy và Iran (gồm 1 nước Bắc Mỹ, 1 nước Nam Mỹ, 3 nước châu Âu, 1 nước Nam Á và 1 nước Tây Á). Mỹ vẫn đứng đầu cả 2 bảng này, với khoảng cách lớn so với các nước còn lại.

Chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, Trung Quốc đóng cửa sau khi ghi nhận một loạt ca COVID-19 liên quan đến địa điểm này. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo của Đại học Johns Hopkins công bố vào lúc 7h30 ngày 19/6 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 687 ca tử vong. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp số ca tử vong trong ngày ở Mỹ dưới 1.000 ca. 

Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến 2.263.749 người tại Mỹ bị lây nhiễm và 120.688 người tử vong. Đến nay, đã có 20 bang của Mỹ dần phục hồi, trong khi tâm dịch đã dịch chuyển từ bang New York và khu vực Đông Bắc sang phía Nam và Tây của nước này.

Theo Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở bang này đã giảm từ 0,96% xuống 0,90%. Tuy nhiên, Thống đốc Andrew Cuomo vẫn quan ngại về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại do làn sóng người ồ ạt đổ vào bang New York, khi bang này nới lỏng các biện pháp hạn chế. Hiện ông đang cân nhắc ban hành quy định buộc những người từ Đông Nam nước Mỹ khi tới New York phải cách ly 14 ngày.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19, chính quyền bang California của Mỹ đã yêu cầu người dân bang này đeo khẩu trang tại nơi công cộng cả không gian trong nhà và ngoài trời. Trẻ em dưới 2 tuổi và những người có vấn đề sức khỏe không thể đeo khẩu trang được miễn thực hiện quy định này.

Kết quả thăm dò dư luận của hãng West Health/Gallup công bố ngày 18/6 cho thấy, gần 90% người Mỹ quan ngại rằng ngành công nghiệp dược phẩm sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, kéo theo nguy cơ tăng giá thuốc.

Trung Quốc đại lục xếp ở vị trí thứ 21 với 83.293 ca mắc COVID-19. Trong vòng 24 tiếng qua, khu vực này ghi nhận thêm 28 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu trở lại ở Trung Quốc đại lục, với nhiều ca nhiễm bệnh mới ở Thủ đô Bắc Kinh. Kể từ ngày 11-6 đến nay, Trung Quốc đã có thêm 5 tỉnh xuất hiện các ca COVID-19 có liên quan đến ổ dịch ở Bắc Kinh.

Trường hợp mới nhất của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc liên quan đến ổ dịch Bắc Kinh là một chủ hàng kinh doanh tại chợ Tân Phát Địa, vừa được xác định nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng ngày 18/6. Trước đó, 4 tỉnh khác là Hà Bắc, Liêu Ninh, Tứ Xuyên và Chiết Giang cũng thông báo có các ca bệnh liên quan đến ổ dịch ở Bắc Kinh. Hiện thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh cũng có ca COVID-19, song chưa xác định được nguồn lây.

Số liệu vừa công bố sáng 19/6 cho thấy, trong ngày 18/6, Trung Quốc tiếp tục có thêm 32 ca COVID-19, trong đó 28 ca trong nước, 25 trường hợp ở Bắc Kinh, 3 người còn lại của Hà Bắc và Liêu Ninh. Khoảng 70% trong số 183 ca COVID-19 ở Bắc Kinh tập trung tại quận Phong Đài, nơi có ổ dịch Tân Phát Địa.

Mặc dù Bắc Kinh đã phủ nhận “phong tỏa” thành phố và chuyên gia khẳng định dịch đã được kiểm soát, nhưng riêng trong ngày 19-6 lại tiếp tục có hơn 800 lượt chuyến bay đi và đến Bắc Kinh bị hủy. Toàn bộ các tuyến xe khách liên tỉnh xuất phát từ thủ đô Bắc Kinh cũng ngừng hoạt động từ ngày 19/6.

Trong khi đó, trước bối cảnh chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa là đến kỳ thi đại học vốn đã bị lùi 1 tháng do dịch COVID-19, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt nhất đối với thí sinh và giám thị. Do xác định đây là hoạt động tập thể có tổ chức với quy mô lớn nhất từ đầu mùa dịch đến nay, bên cạnh những biện pháp phòng chống dịch thông thường, cơ quan y tế nước này còn yêu cầu tất cả thí sinh và giám thị phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe và thân nhiệt trong vòng 14 ngày trước khi thi.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm nay, nước này có khoảng 10,7 triệu thí sinh tham gia kỳ thi đại học vào ngày 7/7. Đây là năm thứ 2 liên tiếp thí sinh thi đại học của Trung Quốc vượt con số 10 triệu.

Cũng tại khu vực châu Á, số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới sáng 19/6, với 49 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 được phát hiện, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng lên thành 12.306 ca. Trong số các ca mới trên có 32 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, đã có thêm 5 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.835, chiếm 88% trong tổng số ca. Trong khi đó, với việc không phát sinh thêm ca tử vong mới nào, tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc vẫn là 280 ca, ở mức 2,2%.

Theo KCDC, khoảng 25,6% số ca tử vong là các bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên có bệnh lý nền và chưa ghi nhận một ca tử vong nào ở bệnh nhân dưới 30 tuổi. Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành “kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày” bắt đầu từ ngày 6/5. Song ngay sau đó, cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực Thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm gần một nửa dân số Hàn Quốc.

Australia cũng đang cảnh giác trước nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ 2. Trong một thông báo vào tối 18/6, Bộ Y tế bang Victoria đã xác nhận trường hợp người biểu tình thứ 3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện toàn bộ trung tâm thương mại nơi người này làm việc đã đóng cửa để vệ sinh phòng dịch, điều tra nguồn lây nhiễm và xét nghiệm COVID-19 đối với những người tiếp xúc với bệnh nhân. Việc ghi nhận người biểu tình thứ 3 nhiễm COVID-19 đã khiến các quan chức y tế thêm lo ngại khi Victoria có thêm 18 ca nhiễm mới vào ngày 18/6, trong đó có 12 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Tony Bartone, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thời điểm này là đáng quan tâm. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tăng trong những ngày gần đây chưa đủ căn cứ để công bố đợt dịch thứ 2. Số ca mắc mới tăng cũng có thể là do tỷ lệ xét nghiệm tăng. Tiến sĩ Bartone kêu gọi mọi người cảnh giác để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đồng thời ông cũng cảnh báo tuần tới sẽ là giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến ngăn chặn đợt dịch thứ 2 khi nhiều bang tại Australia tiếp tục dỡ bỏ nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Tại Đông Nam Á, theo số liệu của Worldometer, Indonesia tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong do COVID-19. Trong 24 tiếng qua, nước này ghi nhận thêm 63 ca tử vong, nâng tổng số ca thiệt mạng do căn bệnh này ở quốc gia vạn đảo lên con số 2.339. Indonesia cũng đã vượt Singapore để trở thành nước có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất Đông Nam Á. Hiện Indonesia có 42.762 bệnh nhân COVID-19 (so với 41.615 của Singapore). Trong nhiều ngày qua, số nước và vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh COVID-19 đang tạm dừng ở con số 215.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.