Đi tìm lối thoát cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Thứ Bảy, 05/06/2021, 10:04
Châu Âu và Mỹ đang mắc kẹt trong một cuộc tranh luận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Bất đồng về đường ống dẫn dầu Nga - Đức phức tạp hơn nhiều so với những lập luận mà các bên đưa ra.

Đó không phải là một vấn đề rõ ràng về an ninh năng lượng: Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn sẽ không làm tăng số lượng khí tự nhiên của Nga ở châu Âu hay sự phụ thuộc của châu Âu vào nó, cũng như không cần giới hạn khả năng tiếp cận khí tự nhiên của từng quốc gia. 

Thay vào đó, đây là một vấn đề gai góc vì nó đòi hỏi phải xem xét nhiều khía cạnh - từ việc đa dạng hóa nguồn cung cho tới lợi ích kinh doanh của các nước, các cam kết pháp lý, sự ngờ vực trong lịch sử và các biện pháp trừng phạt đối với dự án của các đồng minh. Thêm vào đó là những cảm xúc chính trị hàng ngày. Điều này làm cho Dòng chảy phương Bắc 2 trở thành vấn đề liên quan đến việc quản lý các mối quan hệ.

Là một nước có văn hóa pháp lý mạnh mẽ, Đức sẽ không thoải mái với việc từ bỏ Dòng chảy phương Bắc 2 hay vi phạm các thỏa thuận đã đạt được trước khi có gói năng lượng thứ ba của châu Âu. Thế nhưng, việc Đức khăng khăng muốn hoàn thành đường ống dẫn khí đang gây chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU). 

Điều đó khiến không chỉ các nước Đông Âu - vốn nghi ngờ cách Berlin cân bằng giữa cam kết an ninh của họ và mong muốn làm ăn với Nga - mà cả một số nước Nam Âu giảm niềm tin vào khả năng lãnh đạo của Đức. Ví dụ, Italy coi dự án Dòng chảy phương Nam là đồ bỏ đi, trong khi Dòng chảy phương Bắc bắt đầu được triển khai. 

Tóm lại, những bất bình như vậy có thể làm xói mòn năng lực của Đức trong việc xây dựng sự đồng thuận của EU về chính sách đối với Nga. Do không có nước nào có thể dễ dàng thay thế Đức trong vai trò đó, nên EU có thể ngày càng bất đồng về cách tiếp cận tổng thể đối với Nga. 

Việc khăng khăng nhấn mạnh tầm quan trọng của Dòng chảy phương Bắc 2 có nguy cơ làm gia tăng nhận định (không thực sự công bằng) rằng động cơ thúc đẩy chính sách đối ngoại của Đức là các lợi ích kinh tế. 

Các đối tác của Berlin có thể cương quyết yêu cầu Đức chứng minh rằng họ sẽ đặt các lợi ích kinh tế sang một bên trong một vấn đề khác vốn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nước này hơn là Dòng chảy phương Bắc 2.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được cho là đã hoàn thành khoảng 95%.

Về phía Mỹ, vài năm trước, Washington cam kết với các nhà đầu tư và các công ty châu Âu rằng họ sẽ không sử dụng các biện pháp trừng phạt để cản trở Dòng chảy phương Bắc 2. 

Trước khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump đảo ngược mọi thứ, Mỹ đã tuyên bố dứt khoát rằng họ sẽ không áp dụng Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) đối với các đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga được triển khai trước ngày 2/8/2017. 

Thế nhưng, cho dù có thích Dòng chảy phương Bắc 2 hay không thì đối với nhiều nước châu Âu, dự án này vẫn cho thấy Quốc hội Mỹ và ngay cả đảng Dân chủ cũng sẵn sàng đe dọa trừng phạt và gây thiệt hại cho các dự án của châu Âu. 

Sau khi ông Donald Trump rời nhiệm sở, Mỹ đã từ bỏ nhiều chính sách khiến châu Âu lo lắng - nhưng có vẻ nước này thi thoảng sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí kinh tế để gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của châu Âu. Ngay cả các doanh nghiệp ở Đông Âu cũng phản đối việc gây áp lực kinh tế để thay đổi quan hệ thương mại của họ hay của các đối tác châu Ầu. 

Hơn nữa, nếu hành động đơn phương của Mỹ khiến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bị thất bại, điều này sẽ đe dọa các nỗ lực nối lại quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. 

Thay vì là một đối tác nhất quán và chủ động, Mỹ sẽ hợp tác với một EU đang bị chia rẽ và tổn thương - giống như ở thời điểm năm 2003, sau cuộc xâm lược Iraq. Đức sẽ cảm thấy cay đắng hơn và Pháp sẽ được nhắc nhở về những hậu quả mà hành động đơn phương của Mỹ đã gây ra cho họ. 

Và trong khi người dân các nước Đông Âu có thể hoan nghênh động thái này, các nhà lãnh đạo của họ sẽ cảm thấy căng thẳng hơn. Những nước này cần Mỹ để đảm bảo an ninh của mình, nhưng mối quan hệ của họ với Pháp và Đức nhiều rủi ro hơn so với thời điểm năm 2003 - hiện họ đã là thành viên chính thức của EU và Anh đã rời khỏi EU.

Trong khi đó, đối với Nga, Dòng chảy phương Bắc 2 là phép thử mức độ nghiêm túc mà nước này nên có đối với châu Âu: Nếu Washington khiến dự án bị ngừng trệ, thì Moscow sẽ tìm lý do khác để loại bỏ châu Âu như một bên hoạch định chính sách thiếu uy tín. 

Tất nhiên, điều này sẽ có nghĩa rằng châu Âu không cần phải cứu Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ để gây ấn tượng với Nga. Lý do của EU nên có nguồn gốc sâu xa hơn. Đồng thời, nếu châu Âu nghĩ rằng việc phá hủy đường ống sẽ là biện pháp trừng phạt đối với Nga và khiến nội bộ EU không hài lòng về nước này, thì đó là sai lầm. 

Sở dĩ nói vậy là vì việc hủy bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không giống như việc giảm mua khí tự nhiên từ Nga: Châu Âu sẽ vẫn duy trì lượng khí tự nhiên mua từ Nga thông qua đường ống của Ukraine. Dù thế nào đi nữa, việc khiến Nga mất đi nguồn doanh thu từ xuất khẩu khí tự nhiên không khả thi vào lúc này.

Như nhà khoa học chính trị Steven Pifer đã chỉ ra, cả hai kịch bản, vốn không liên quan đến thỏa hiệp giữa hai bờ Đại Tây Dương, sẽ khiến Moscow trở thành người chiến thắng. Việc tiếp tục xây dựng đường ống mà không xem xét bối cảnh an ninh rộng lớn hơn và các mối quan ngại khác có liên quan sẽ mang lại cho Moscow những gì họ muốn. 

Và nếu Washington đơn phương phá hủy đường ống, thì điều đó sẽ mang lại cho Moscow nhiều cơ hội để khai thác các vấn đề mới làm gia tăng rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương và trong nội bộ châu Âu.

Xét một cách toàn diện, thách thức chiến lược lớn đối với cả châu Âu và Mỹ không phải là Dòng chảy phương Bắc 2, mà là việc xây dựng mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương theo cách phù hợp với quan điểm của họ. 

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến Dòng chảy phương Bắc trở thành một vấn đề liên quan tới chủ quyền đối với Đức nói riêng và châu Âu nói chung và sẽ tạo ra một tiền lệ vượt ra ngoài khuôn khổ dự án đường ống dẫn khí nếu Berlin nhượng bộ trước sự hăm dọa về kinh tế. 

Sức ép kinh tế của ông Donald Trump đối với châu Âu là dấu hiệu báo trước kịch bản này. Đối với nhiều người châu Âu, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2 dường như là sự tiếp nối các hành động như vậy vào thời điểm Đức và các nước châu Âu khác mong đợi chính quyền đương nhiệm tại Washington từ bỏ cách tiếp cận này. 

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn. Chủ nghĩa Donald Trump vẫn còn mạnh và Tổng thống Joe Biden không thể tỏ ra yếu thế trước Nga, đặc biệt là khi các nghị sĩ Dân chủ đang hối thúc ông đi theo một đường lối cứng rắn. 

Cho dù có cân nhắc nhiều hơn đến tình hình chiến lược của Đức, thì đương kim Tổng thống Mỹ cũng không thể ngừng thực hiện các chính sách ép buộc đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. 

Dường như cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đối với tình thế tiến thoái lưỡng nan là tập trung áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những thực thể của Nga có liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2, chứ không phải các thực thể châu Âu.

Vào thời điểm quan trọng này, tốt hơn hết là các đối tác ở hai bờ Đại Tây Dương nên tìm cách đi đến một thỏa hiệp về Dòng chảy phương Bắc 2 và đặt những áp lực chính trị sang một bên. Sự thỏa hiệp cần xuất phát từ một cách tiếp cận toàn diện, có tính đến tất cả các khía cạnh liên quan của vấn đề. 

Từ cơ sở này, châu Âu và Mỹ có nhiều cách để vạch ra những bước đi cụ thể. Phối hợp và đối thoại để giải quyết thách thức chiến lược từ sức ép kinh tế sẽ là những bước đi rất quan trọng và các đồng minh có thể thảo luận về một cách tiếp cận xuyên Đại Tây Dương đối với hoạt động mua bán năng lượng với Nga trong bối cảnh rộng lớn hơn. 

Theo đề xuất của cựu Đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger, việc hạn chế nhập khẩu năng lượng ở một mức độ nhất định để loại bỏ các ranh giới đỏ hay các điều kiện liên quan đến Nga có thể là một cách để đạt được thỏa hiệp. 

Tuy nhiên, những giải pháp như vậy sẽ chỉ hiệu quả nếu chúng rõ ràng không phải là kết quả trực tiếp của sức ép kinh tế và nếu Tổng thống Joe Biden tiếp tục tỏ ra cứng rắn với Nga.

Minh Hải – Bùi Vân (tổng hợp)
.
.
.