Đàm phán thương mại Anh – EU: Đầu xuôi, đuôi có lọt?

Thứ Tư, 04/03/2020, 09:54
Với tiến trình đàm phán được dự đoán sẽ kéo dài hàng tháng nhằm tiến tới một quan hệ mới hậu Brexit, ngày 2-3 (giờ địa phương), Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier và người đồng nhiệm Anh David Frost đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ), bắt đầu đàm phán với sự tham gia của khoảng 100 quan chức của mỗi bên.

Mặc dù còn tồn tại quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề then chốt, song các nhà đàm phán thương mại của hai bên đã kết thúc ngày đầu tiên với tinh thần xây dựng.

Nhận xét về ngày làm việc đầu tiên, thông qua mạng xã hội Twitter, ông Michel Barnier viết: “Chúng tôi đã bước vào đàm phán trong tinh thần xây dựng. Chúng tôi muốn nhất trí một thỏa thuận hợp tác công bằng và tham vọng”, đồng thời nhấn mạnh hai bên sẽ tôn trọng những cam kết chung trước đó.

Tiến trình đàm phán này diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi Anh rời khỏi EU và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31-12, cũng là thời điểm chấm dứt thời kỳ chuyển tiếp hiện tại của Anh. Trong thời gian này, Anh vẫn thực hiện hoạt động thương mại như một thành viên của EU và không phải chịu thuế quan hay các hàng rào khác.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã loại trừ việc kéo dài thời kỳ chuyển tiếp nói trên, và hai bên sẽ có một hội nghị thượng đỉnh Anh-EU vào tháng 6-2020 để quyết định xem liệu có cần phải tiếp tục đàm phán hay không. Vòng đàm phán tuần này ở Brussels sẽ khép lại vào ngày 5-3 và vòng tiếp theo sẽ diễn ra ở London, và sau đó sẽ luân phiên giữa hai thành phố này.

Tờ The Financial Times của Anh đã đưa ra nhận định về một số trở ngại chính và những con đường để có thể dẫn tới thỏa hiệp giữa Anh và EU. Thứ nhất, thỏa thuận nào hai bên muốn hướng tới? Những “ranh giới đỏ” mà Thủ tướng Boris Johnson nói đến là quyết tâm của ông nhằm “lấy lại quyền nắm giữ tiền, pháp luật và đường biên giới” của nước Anh, áp đặt một số hạn chế lên loại hình thỏa thuận thương mại mà EU đã chuẩn bị để đưa ra mời chào. Ông gọi đơn giản là “thỏa thuận thương mại tự do theo mô hình Canada”, theo đó chủ yếu sẽ là áp dụng miễn thuế khóa và hạn ngạch cho các hàng hóa sản xuất.

EU, khối đạt được 94 tỷ bảng Anh thặng dư trong quan hệ giao thương hàng hóa với Anh trong năm 2018, chắc chắn sẽ sẵn sàng đồng ý. Các hoạt động dịch vụ, ngành mà Anh đạt được 28 tỷ bảng thặng dự trong thương mại với EU, sẽ ít được hưởng lợi từ thỏa thuận theo mô hình của Canada, đặc biệt là do thời gian eo hẹp, và với yêu cầu dứt khoát chấm dứt thời kỳ chuyển đổi vào 31-12 sẽ làm cho mảng dịch vụ bất lợi hơn.

Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier và người đồng nhiệm Anh David Frost. Ảnh: Inews.

Thủ tướng Anh sẽ chấp nhận mô hình khiêm tốn của thỏa thuận thương mại. Điều này có thể dẫn đến hoạt động thương mại diễn ra chậm chạp và tăng chi phí tại cửa khẩu đường biên như việc điền mẫu đơn, các loại thuế, kiểm tra thủ tục. Dù vậy, cũng có lập luận cho rằng, đó là cái giá cần phải trả để nước Anh đổi lấy quyền tự quyết của mình trong việc đưa ra các luật lệ quy định của mình.

Thứ hai, điều gì có thể sai ở đây? Vấn đề cản trở lớn nhất đó là EU đưa yêu cầu bất cứ thỏa thuận thương mại nào cũng đều phải gắn chặt với những điều khoản “sân chơi bình đẳng” nhằm giữ Anh phải cùng nhịp với các tiêu chuẩn của EU và ngăn chặn London đưa ra những quy định thấp hơn để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình. EU cũng cho rằng thỏa thuận thương mại phải đảm bảo “việc áp dụng những quy định viện trợ nhà nước của EU tại Vương quốc Anh”. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị Anh ngay lập tức bác lại.

Thứ ba, đâu là các điểm gây tranh cãi khác? Từ đầu tiên bật ra từ các nhà ngoại giao EU khi được hỏi rào cản lớn nhất đối với thỏa thuận thương mại là “cá”. Mặc dù hoạt động đánh bắt cá chỉ chiếm có 0,1% sản lượng kinh tế của Anh, song việc kiểm soát các vựa cá là rất quan trọng đối với những người thuộc phe ủng hộ Anh rời EU.

Bên đàm phán EU muốn giữ quyền được vào vùng biển đánh cá với tỷ lệ chia sẻ hạn ngạch đánh bắt ổn định phân chia giữa các ngư dân đánh cá Anh và EU. Trong khi đó, Anh muốn đưa ra đề xuất cho phép ngư dân các nước EU vào vùng biển của nước này đánh bắt dựa trên cơ sở từng năm. Vấn đề ngư nghiệp phải được hai bên nhất trí thông qua vào ngày 1-7 và việc không đạt được sự nhất trí sẽ làm trệch đường ray các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại.

Cùng với đó, một thể chế mới các các dịch vụ tài chính cũng đang được thảo luận trong cùng khung thời gian với vấn đề đánh bắt cá, dẫn đến có thể có những tác động xấu ảnh hưởng lẫn nhau đối với hai vấn đề nói trên. EU cho biết, họ sẽ phải chuẩn bị để đưa ra quyền tiếp cận dựa trên cơ sở “các khuôn khổ tương đương” với điều kiện những quy định của Anh phải gần giống với những quy chuẩn của EU.

Anh lo ngại EU có thể đột ngột rút lại các quyền tiếp cận đối với các thị trường tài chính. Do vậy, Anh đang tìm kiếm để có được mối quan hệ ổn định hơn đối với lĩnh vực này.

Vậy, liệu hai bên có đi tới một thỏa thuận? Bất chấp căng thẳng diễn ra trước khi đàm phán bắt đầu và những ồn ào ngoại giao, các chuyên gia thương mại tin rằng, một thỏa thuận sẽ đạt được và yêu cầu được đặt ra cho cả hai bên Anh và EU là hãy để cho các nhà đàm phán có một khoảng trổng đủ rộng để đưa ra những thỏa hiệp nếu như các chính trị gia có thiện chí.

Chuyên gia thương mại Sam Lowe làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Cải cách châu Âu nhận định hai bên sẽ có những bất đồng, song ông tin rằng thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU sẽ đạt được trong năm nay dù ông nghĩ đó không phải là một thỏa thuận tốt khi mà việc gián đoạn giao thương có thể xảy ra. Trong khi đó, yêu cầu cho cả EU và Anh là làm sao để cả hai bên có đất thỏa hiệp và cuối cùng đi đến được một thỏa thuận chung, mặc dù những nhà đàm phán giàu kinh nghiệm tin rằng sẽ mất vài tháng để hai bên tranh cãi nhau và đến mùa Thu thì những thỏa hiệp thực sự giữa hai bên mới bắt đầu lộ diện.

Chuyên gia Georgina Wright làm việc tại viện nghiên cứu độc lập về Chính phủ cho rằng mệnh lệnh của EU là có sự linh hoạt mềm dẻo đối với vấn đề sân chơi bình đẳng. Ông lưu ý: “EU không nói là Anh và EU phải có cùng chung các tiêu chí mà chỉ là những tiêu chuẩn cao tương ứng và sử dụng những tiêu chuẩn của EU làm căn cứ thước đo”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.