Cuộc “vượt rào” đầu tiên vào Điện Kremlin

Thứ Ba, 27/02/2018, 07:44
Ngày 26-2, đợt tranh luận trực tiếp của các ứng cử viên chạy đua vào chức Tổng thống Nga năm 2018 đã bắt đầu và sẽ kéo dài trong 3 tuần.

Đây được được coi là “vòng vượt rào” đầu tiên mang tính quyết định cho cuộc đua giành ghế Tổng thống Nga vào tháng tới. Tổng cộng sẽ có 60 giờ truyền hình và 36 giờ phát thanh được dành cho các ửng cử viên vận động tranh cử.

Theo quy định, 1/3 thời lượng này sẽ dành cho các chính đảng đưa ra ứng cử viên, 2/3 thời lượng còn lại sẽ chia đôi, một nửa dành cho các đoạn video tuyên truyền của các ứng cử viên, nửa còn lại dành cho các cuộc tranh luận.

Các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Nga sẽ được dành thời gian miễn phí tuyên truyền tranh cử trên 5 kênh truyền hình liên bang Rossyia 1, Rossyia 24, Kênh 1, TV Centre, Truyền hình xã hội Nga (OTR) và 3 đài phát thanh Radio Rossyia, Mayak và Vesti FM. Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên sẽ diễn ra trên “Đài phát thanh nước Nga” vào lúc 13h10 (giờ địa phương – 17h10 giờ Việt Nam) ngày 26-2.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận, đương kim Tổng thống Vladimir Putin có nhiều khả năng chiến thắng tuyệt đối với 81,1% phiếu bầu.

Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin - tham gia tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập và hiện đang giành tỉ lệ ủng hộ của cử tri cao nhất, đã từ chối tham gia các cuộc tranh luận mà sẽ công bố chương trình và thông điệp tranh cử trong bản Thông điệp liên bang thường niên vào ngày 1-3 tới. Do vậy sẽ chỉ có 7 ứng cử viên còn lại tham gia các cuộc tranh luận.

Với tỷ lệ ủng hộ ổn định và khoảng cách với các đối thủ còn lại luôn trên 60%, Tổng thống Vladimir Putin được đánh giá nhiều khả năng tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 18-3 tới.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận trực tiếp lần này vẫn được quan tâm đặc biệt, nhất là khi trong số tám ứng cử viên có tới năm gương mặt mới, song cũng lại có những “lão làng” đã tham gia đến năm kỳ bỏ phiếu.

Theo số liệu mới nhất của cả Quỹ ý kiến xã hội (FOM) và Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến cộng đồng Nga (VTsIOM), Tổng thống Vladimir Putin hiện được khoảng 70% số cử tri ủng hộ.

Đứng thứ hai là ứng cử viên Đảng Cộng sản Nga Pavel Grudinin với gần 7,6%, còn đại diện đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky nhận được khoảng trên 6%. Một số ứng cử viên Tổng thống khác chỉ giành chưa tới 1% phiếu bầu.

Cũng theo đánh giá của VTsIOM, trong cuộc bầu cử lần này, đương kim chủ nhân Điện Kremlin sẽ giành chiến thắng tuyệt đối với 81,1% phiếu bầu.

Một cuộc điều tra được tiến hành tuần trước cho thấy 67% người dân Nga được hỏi đều khẳng định sẽ tham gia bỏ phiếu bầu Tổng thống. 15% vẫn còn lưỡng lự và chỉ có 3% tuyên bố không đi bầu cử.

Mặc dù ngày 18-3 tới đây mới chính thức diễn ra việc bỏ phiếu bầu Tổng thống Nga nhiệm kỳ mới, nhưng từ ngày 25-2, người dân Nga có thể đi bỏ phiếu trước thời hạn. 

Còn từ ngày 2-3 các cử tri sống ở nước ngoài - những nước không có các cơ quan ngoại giao của Nga hoặc là ở những nơi xa đại sứ quán và lãnh sự quán của Nga, có thể đi bỏ phiếu trước thời hạn.

Tính tới ngày 1-1, trên toàn lãnh thổ Nga có hơn 108,9 triệu cử tri và 1,87 triệu cử tri ở nước ngoài đăng ký đi bầu cử.

Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga phối hợp với Bộ Ngoại giao để loại trừ các cử tri “kép”, tức là những người sống ở nước ngoài song vẫn đăng ký hộ khẩu trong nước.

Nga sẽ mở 95.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước. Các cử tri ở nước ngoài có thể đi bỏ phiếu tại 380 điểm đặt ở 145 nước trên thế giới. Duma quốc gia (Hạ viện) Nga mời 243 quan sát viên nước ngoài từ 74 nước đến tham gia giám sát cuộc bầu cử tổng thống Nga. Trong số này có 23 đại biểu của Nghị viện châu Âu, 107 đại biểu và thượng nghị sỹ của các quốc hội, 9 thị trưởng thành phố và các bộ trưởng đương nhiệm.

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần này cũng được đánh giá là sẽ thổi bùng căng thẳng Nga – Ukraine. Báo chí Nga dẫn các nguồn tin ngoại giao cảnh báo sóng gió sẽ nổi lên, thậm chí những tổ chức phản đối Nga tại Ukraine có hành động mạnh mẽ trong dịp này.

Các nguồn tin ngoại giao không dám chắc việc Nga có thể mở các hòm phiếu tại Ukraine vì những lý do an ninh. Ủy ban bầu cử Trung ương Nga đã khuyến cáo công dân nước này đang ở Ukraine trở về nước trước cuộc bầu cử.

Cơ quan này cho rằng “không ai có thể đảm bảo được an ninh cho công dân Nga”. Những lo ngại và cảnh báo này là không hề thừa khi cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga hồi tháng 9-2016 đã chứng kiến sự phản đối mạnh mẽ và biểu tình bạo lực tại Ukraine.

Cảnh sát Ukraine thời điểm đó đã chật vật khống chế những người biểu tình cố ngăn chặn các nhà ngoại giao và công dân Nga tại Ukraine tham gia bỏ phiếu. Chính phủ Ukraine đã gửi công hàm tới Nga, khẳng định không thể tiến hành bầu cử Duma quốc gia tại Crimea.

Theo giới phân tích, đợt tranh luận trực tiếp bắt đầu từ ngày 26-2, cùng với buổi công bố Thông điệp thường niên ngày 1-3 của Tổng thống Vladimir Putin được coi là “vòng vượt rào” đầu tiên mang tính quyết định cho cuộc đua giành ghế tổng thống Nga vào tháng tới.

Sự thể hiện và các chính sách được các ứng cử viên công bố sẽ tác động tới lá phiếu cử tri trong việc lựa chọn nhân vật sẽ dẫn dắt xứ sở Bạch Dương vượt qua những thách thức để duy trì ảnh hưởng và vị thế của nước Nga những năm tới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.