Catalonia tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành:

"Cuộc chiến quyền lực" ở Tây Ban Nha chưa có hồi kết

Thứ Năm, 12/10/2017, 08:00
Ngày 11-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp để đưa ra quyết định đáp lại tuyên bố độc lập của vùng Catalonia. Trong khi đó, lãnh đạo Catalonia và các lãnh đạo khu vực đã ký bản tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha nhưng lại hoãn thi hành để đối thoại với Madrid.

"Độc lập treo" là cụm từ mà báo chí phương Tây đang sử dụng để nói về tình trạng hiện nay của xứ Catalonia. Tờ The Guardian của Anh cho biết, cụm từ này bắt nguồn từ chính vị thế "chông chênh" hiện nay của Catalonia tại Tây Ban Nha.

Nói thế là bởi lẽ, hôm 10-10, lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont và các lãnh đạo khu vực đã ký bản tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha nhưng lại hoãn thi hành để đối thoại với Madrid. Nghĩa là, văn bản này đã chính thức có, với mục đích là khôi phục chủ quyền đầy đủ của Catalonia nhưng liệu nó có bất kỳ giá trị pháp lý nào không thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp cụ thể.

Tờ Independent của Anh bình luận: "Trong các cuộc họp kể từ đầu tháng 10 đến nay của Nghị viện vùng Catalonia, ông Carles Puigdemont đã nhiều lần hứa hẹn rằng Catalonia sẽ trở thành một quốc gia độc lập. Thế nhưng con đường giành quyền tự chủ ấy của Catalonia không hề đơn giản và chính ông Carles Puigdemont đã buộc phải lựa chọn giải pháp trung gian, tức là không tuyên bố Catalonia độc lập ngay lập tức nhưng cũng không tuyên bố từ bỏ ý định ly khai".

Đám đông người tập trung trước cửa Nghị viện Catalonia trong tối 10-10. Ảnh: The New York Times

Hãng AP trích dẫn một phần trong văn bản được ký kết ghi: "Catalonia hôm nay khôi phục chủ quyền đầy đủ. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế công nhận Cộng hòa Catalan là một nước độc lập, có chủ quyền. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Catalan có tất cả các biện pháp cần thiết để tuyên bố này có hiệu lực".

Bài báo của tờ Reuters nhấn mạnh lời nói của ông Carles Puigdemont: "Các lá phiếu nói có với việc độc lập và đây là ý nguyện tôi muốn thực hiện. Tôi gánh vác sự ủy thác của người dân Catalonia để trở thành một nước cộng hòa độc lập" nhưng cũng trích lời nói của ông trước các nhà lập pháp rằng "đề nghị Quốc hội hoãn tuyên bố độc lập để bắt đầu đối thoại trong những tuần tới".

Theo giới quan sát, việc ông Carles Puigdemont lựa chọn giải pháp trung gian đã mang lại thất vọng lớn cho những người ủng hộ việc vùng Catalonia ly khai.

Ngay trong tối 10-10, các đám đông tập trung trước cửa Nghị viện Catalonia đã hô hào phản đối ông Carles Puigdemont, xem tuyên bố mù mờ của ông là một sự phản bội. Tuy nhiên, nếu đặt vào hoàn cảnh của nhà lãnh đạo này, mới thấy đây là một sự lựa chọn không thể khác được.

Bởi lẽ, dù ly khai hay không thì mục tiêu cuối cùng của Catalonia là mang lại cuộc sống tự do, ổn định và thịnh vượng hơn cho người dân. Catalonia hiện đang là khu vực công nghiệp giàu có với dân số khoảng 7,5 triệu người, đóng góp khoảng 1/5 sản lượng kinh tế cho Tây Ban Nha. Khu vực này có ngôn ngữ và truyền thống văn hóa riêng.

Người dân Catalonia cho rằng mỗi năm họ phải nộp thuế cho Madrid nhiều hơn số tiền tài trợ nhận lại từ Trung ương. Nhưng khi Catalonia công bố quyết định muốn ly khai của mình, họ không chỉ vấp phải sự phản đối của Tây Ban Nha mà còn chịu tác động không nhỏ từ nguy cơ các công ty lớn có trụ sở tại Catalonia như Công ty cơ sở hạ tầng Abertis, Tập đoàn bất động sản Inmobiliaria Colonial, Tập đoàn viễn thông Cellnex... đang dần di rời văn phòng của họ ra khỏi khu vực này, để tránh những rủi ro có thể gặp phải.

Ngoài ra, một số công ty khác như Công ty xuất bản Grupo Planeta hay Ngân hàng Caixabank và Sabadell cũng tuyên bố sẽ chuyển từ Barcelona tới Madrid nếu Catalonia vẫn quyết ly khai. Bên cạnh đó, Catalonia còn chịu sức ép và sự phản đối ngày càng gia tăng từ nhiều phía và có nguy cơ rơi vào tình thế bất lợi.

Một số nhà phân tích kinh tế đã chỉ ra rằng, việc rút khỏi Tây Ban Nha có thể khiến Catalonia bị liệt vào những nước không thuộc thành viên Liên minh châu Âu (EU), không thuộc thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tức là Catalonia sẽ phải đối mặt với hàng loạt rào cản thương mại, không được tiếp tục sử dụng đồng Euro làm tiền tệ...

Trong khi đó, việc mở đường cho các cuộc đối thoại với chính quyền Trung ương Tây Ban Nha sẽ giúp nhà lãnh đạo Catalonia có thêm thời gian để tiến đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề ly khai của mình.

Bài học từ Ukraine và một số quốc gia khác buộc ông Carles Puigdemont phải thận trọng hơn. Song, với Tây Ban Nha thì dù Catalonia không đòi hỏi độc lập ngay nhưng việc ký kết bản tuyên bố của các nhà lãnh đạo cũng là một điều khó chấp nhận.

Ngay trong ngày 11-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp để đưa ra quyết định đáp lại hành động của Catalonia. Ông Mariano Rajoy thậm chí còn nhấn mạnh, chính phủ sẽ làm những gì luật pháp cho phép để đảm bảo sự thống nhất của quốc gia. Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã đề nghị các toà án phán quyết tuyên bố độc lập của Catalonia là vi hiến.

Sông Thương
.
.
.