“Cuộc chiến” ngoại giao giữa Mỹ và châu Phi

Thứ Tư, 17/01/2018, 08:11
Nước Mỹ đang đối mặt với một làn sóng phản đối mới đến từ các quốc gia châu Phi. Nguyên do là vào thứ 5 tuần trước, trong một cuộc họp bàn về vấn đề nhập cư, Tổng thống Donald Trump được cho là đã có những phát biểu mang tính miệt thị và phân biệt chủng tộc.

Hãng tin Reuters ngày 16-1 cho biết, Chính phủ Nigeria là quốc gia thứ 6 ở châu Phi triệu tập Đại sứ Mỹ tại nước này lên để yêu cầu giải thích về những phát biểu của Tổng thống Donald Trump. Thông tin này sau đó cũng đã được Ngoại trưởng Nigeria Geoffrey Onyeama xác nhận.

Đồng thời, ông Geoffrey Onyeama còn cho biết thêm rằng, hôm 15-1, Chính phủ Nam Phi cũng đã mở một phiên họp với sự tham gia của Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Jessye Lapenn, trong đó yêu cầu Đại sứ Mỹ giải thích tuyên bố của ông Donald Trump và lý do tại sao các nước châu Phi như Haiti, El Salvador lại trở thành những cộng đồng không được hoan nghênh tại Mỹ.

Tuyên bố sau đó của Chính phủ Nam Phi còn khẳng định: “Quan hệ giữa Nam Phi và Mỹ cũng như tất cả các nước châu Phi còn lại phải dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”. Trong khi đó, tại Botswana, Đại sứ Mỹ cũng đã được triệu tập hôm 13-1 để chứng kiến sự bày tỏ không hài lòng trước những lời phát biểu của Tổng thống Donald Trump.


Đại diện Bộ Ngoại giao và Hợp tác Botswana nói: “Chính phủ Botswana đã yêu cầu Mỹ thông qua Đại sứ để làm rõ thông tin Botswana bị gọi là một quốc gia “thối nát” vì có những công dân sống ở Mỹ”… Hãng tin CNN dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steven Goldstein thừa nhận, số nhà ngoại giao Mỹ bị triệu tập có thể sẽ còn tăng nhiều hơn trong tuần này.

Đồng thời ông Steven Goldstein cũng cho biết thêm, các đại sứ đã được chỉ thị rằng Mỹ vẫn cam kết thực hiện các mối quan hệ và sự quan tâm sâu sắc với các quốc gia châu Phi cũng như người dân châu Phi.

“Các đại sứ sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để gửi thông điệp này ngay bây giờ. Đó là một phần trong trách nhiệm của họ”, Thứ trưởng Steven Goldstein nói. Ông Steven Goldstein cũng tiết lộ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyên các đại sứ không nên cố gắng giải thích bất cứ điều gì liên quan đến nhận xét của Tổng thống hay việc cố gắng làm mềm đi sự giận dữ của các quốc gia. Nhiệm vụ của các đại sứ Mỹ tại châu Phi lúc này là “lắng nghe, thấu hiểu và hành động”.

Giới quan sát nhận định, cho dù Mỹ đang thực hiện chiến lược “đi nhẹ, nói khẽ”, song quả thực quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Phi vẫn hết sức căng thẳng. Hôm 14-1, sau cuộc họp khẩn dài 4 tiếng đồng hồ, Đại sứ của 54 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (AU) đã ra tuyên bố lên án những nhận xét gây tai tiếng, phân biệt chủng tộc và kỳ thị người nước ngoài” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các nước này yêu cầu ông chủ Nhà Trắng phải rút lại phát ngôn trên và xin lỗi. Chưa hết, nhiều thành viêu AU còn đề nghị đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc và thậm chí tính đến cả việc kiện nước Mỹ.

Nữ phát ngôn viên của Tổng thư ký AU Ebba Kalond nhấn mạnh: “Những ngôn từ khiếm nhã của Tổng thống Donald Trump khi bình luận về các nước châu Phi là sự phân biệt chủng tộc không thể chối cãi, gây tổn hại tới thực tế lịch sử là rất nhiều người dân châu Phi đã tới Mỹ để lao động và nước Mỹ ngày này là một minh chứng rõ ràng về việc những người di cư có thể tạo dựng nên một đất nước, một dân tộc”.

Tuy vậy, AU vẫn mở ra một lối thoát để giải quyết mâu thuẫn này: “Cảm thấy sốc, thất vọng và tức giận, Liên minh châu Phi tin tưởng mạnh mẽ rằng, chính quyền Mỹ đang có sự hiểu lầm rất lớn với lục địa châu Phi cũng như những người dân châu Phi. Một cuộc đối thoại giữa chính quyền Mỹ với các nước châu Phi là vô cùng cần thiết”, tuyên bố của AU có đoạn viết.

Đối mặt với làn sóng tức giận ngày càng dâng cao của các quốc gia châu Phi, Tổng thống Trump đã phủ nhận những thông tin trên. Trong một bài viết trên mạng xã hội, ông Donald Trump cũng thừa nhận lập trường cứng rắn của ông trong vấn đề nhập cư, song khẳng định không dùng những từ ngữ miệt thị như dư luận đồn thổi.

Nhưng một Thượng nghị sĩ Mỹ đã xuất hiện trên báo và khẳng định rằng Tổng thống có phát biểu mang tính miệt thị với những ngôn từ như “xấu xa, thô tục, thối nát” khi nói về các nước châu Phi tại cuộc họp cá nhân với các nhà lập pháp. Hai tờ báo nổi tiếng của Mỹ là The Washingtonpost và The New York Times cũng trích dẫn một số nguồn tin khác để khẳng định việc này.

Tuy vậy, cũng có một số tờ báo Mỹ tỏ thái độ nghi ngờ về sự thật của những tuyên bố gây sốc nói trên và cho rằng, Washington cần có một cuộc điều tra cụ thể và lời giải thích rõ ràng hơn nữa để lấy lại hình ảnh của mình trên thế giới. 

Các cuộc biểu tình phản đối phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng ở châu Phi. Ảnh: Getty
Gia Nam
.
.
.