Cuộc chiến không chỉ riêng của một quốc gia

Thứ Năm, 27/02/2020, 08:51
Khởi nguồn từ Vũ Hán, một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Trung Quốc, dịch bệnh do COVID-19 gây ra đang từng ngày lan rộng.


Tính đến ngày 26/2, COVID-19 đã lan ra 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 81.000 người nhiễm và hơn 2.700 người tử vong. Cuộc chiến chống loại virus nguy hiểm này giờ đây đòi hỏi sự phối hợp mạnh mẽ của tất cả các nước, để không ai bị bỏ lại phía sau!

Những nỗ lực xuyên biên giới

Italia ngày 26/2 ghi nhận 323 trường hợp lây nhiễm và 11 trường hợp tử vong vì COVID-19, biến đây trở thành “ổ dịch” lớn thứ 4 trên thế giới và là quốc gia châu Âu có số ca tử vong và nhiễm COVID-19  cao nhất tính đến nay. 

Điều đáng lo ngại là chính phủ Italia vẫn chưa thể xác định được “bệnh nhân số 0”, ám chỉ người đã mang COVID-19  vào nước này. Sự lây lan nhanh chóng của COVID-19  tại Italia đã làm dấy lên lo ngại về sự lan rộng của dịch bệnh trên khắp Liên minh châu Âu (EU). 

Khu vực Schengen của EU cho phép người dân ở hầu hết các quốc gia thành viên, cũng như nhiều khách du lịch, có thể di chuyển tự do giữa các nước mà không cần kiểm tra biên giới. Điều này có thể tiếp tay cho virus lây lan, nhất là khi 11 quốc gia tại châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 với gần 400 bệnh nhân. Thế nhưng, thay vì “đóng cửa” với Italia, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tiết lộ các nước châu Âu đã thống nhất xây dựng “một chiến lược tập thể”. 

Quyết định trên được đưa ra tại một cuộc họp khẩn về dịch COVID-19  giữa Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza và người đồng cấp của các nước Áo, Croatia, Pháp, Đức, Slovenia và Thụy Sĩ. “Hiện nay, cần nhấn mạnh rằng không có lý do gì để đóng cửa biên giới giữa các quốc gia thành viên. Đây là cách phản ứng thái quá và cũng thiếu hiệu quả”, Bộ trưởng Y tế Pháp khẳng định. 

Trước đó hôm 24/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố gói viện trợ mới trị giá 232 triệu Euro nhằm thúc đẩy công tác chuẩn bị, phòng ngừa và ngăn chặn COVID-19 trên toàn cầu. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định: “Khi số ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng thì sức khỏe cộng đồng sẽ là ưu tiên số một. Dù đó là tăng cường sự chuẩn bị ở châu Âu, ở Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào, cộng đồng quốc tế phải cùng nhau hành động. Châu Âu luôn sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu”.

Cũng trong ngày 25/2, Liên minh châu Phi (AU) cho biết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và phối hợp giữa các quốc gia trên toàn châu lục để đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là tuyên bố của Ủy ban AU tại cuộc họp Bộ trưởng Khối các quốc gia châu Phi về COVID-19 tổ chức tại AU Ethiopia. 

Theo WHO, Ai Cập, Algeria và Nam Phi sẽ là 3 quốc gia có nguy cơ cao nhất đối với sự lây nhiễm COVID-19  ở châu Phi do việc trao đổi  thương mại bằng đường hàng không với Trung Quốc và các nước khác đang có dịch. Ba quốc gia này cũng là một trong những nước được trang bị y tế tốt nhất tại Lục địa Đen để phát hiện và có các biện ứng phó phù hợp với dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Văn phòng WHO ở châu Phi cùng với các cơ quan châu Phi đang rất nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

COVID-19 đã lan rộng ra toàn cầu. Đây là lúc thế giới cần chung tay chống lại dịch bệnh. Ảnh: Getty.

Những tia hi vọng mới

Ngày 25/2, các quan chức y tế Mỹ cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm điều trị loại thuốc chống COVID-19 của hãng Gilead Sciences Inc trên các bệnh nhân bị lây nhiễm. Theo Viện Y học Quốc gia, người đầu tiên tham gia thử nghiệm là một công dân Mỹ đã hồi hương sau khi bị cách ly trên con tàu du lịch Diamond Princess. 

Trong khi đó, hãng thông tấn Fars hôm 24-2 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Iran cho biết các chuyên gia và nhà khoa học của cơ quan này xác nhận bộ xét nghiệm COVID-19  phiên bản đầu tiên được sản xuất trong nước và đã bắt đầu sản xuất đại trà bộ xét nghiệm virus này. 

Tại Hàn Quốc, một trong những “ổ dịch” COVID-19 mới, cựu Cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb đã đăng tải số liệu thống kê tình hình dịch bệnh COVID-19  của Cơ quan Quản lý dịch bệnh nước này, theo đó đánh giá năng lực y tế của Hàn Quốc là rất đáng khâm phục khi có tới hơn 20.000 người đã được kiểm tra, hoặc đang đợi kết quả xét nghiệm, một năng lực tập trung “đáng kinh ngạc”. 

Tiến sĩ Andray Abrahamian, chuyên viên nghiên cứu thuộc Đại học George Mason ở Hàn Quốc, nhận định các ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc được xác định nhanh và nhiều cho thấy năng lực y tế và tinh thần trách nhiệm của Chính phủ Hàn Quốc, trong những nỗ lực quốc tế nhằm chiến thắng đại dịch COVID-19. Những thông tin mới nối tiếp các phát minh thành công trong thời gian qua tại nhiều nước được các nhà khoa học đánh giá là sẽ đủ khả năng dự báo, điều trị và đẩy lùi loại virus nguy hiểm này.

Mặc dù vậy, chuyên gia của WHO, trưởng nhóm công tác hỗn hợp Trung Quốc – WHO Bruce Aylward ngày 24/2 đã cảnh báo COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, đồng thời yêu cầu các quốc gia phải thay đổi tư duy, có biện pháp ứng phó “rất nhanh chóng” để ngăn chặn một đại dịch toàn cầu xảy ra. 

“Bạn phải sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh này ở quy mô lớn và việc này phải được hoàn thành nhanh chóng. Hãy sẵn sàng như thể dịch bệnh sẽ đến vào ngày mai. Nếu không nghĩ vậy, bạn không thể sẵn sàng, vì thế giới ngày nay kết nối với nhau theo một cách kinh ngạc”, ông Aylward cảnh báo. 

Đây là lúc các quốc gia cần liên kết với nhau, khởi tạo một mái nhà chống COVID-19 trên toàn cầu, mà sự hợp tác chung tay sẽ là nền móng vững chãi để làm được điều đó, như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nói: Điều mấu chốt là sự đoàn kết.

An Nhiên
.
.
.