Cuộc bỏ phiếu định đoạt  ghế Tổng thống Mỹ thứ 46

Thứ Ba, 15/12/2020, 04:02
Nếu như trước đây, những cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri Mỹ hầu hết chỉ là quy trình để hợp thức hóa kết quả của cuộc tổng tuyển cử trước đó, thì năm nay, "xứ cờ hoa" và cả quốc tế đều hướng sự quan tâm đặc biệt tới cuộc bỏ phiếu này.

Bởi hiện tại, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã từ chối nhượng bộ cuộc bầu cử và tuyên bố vẫn theo đuổi đến cùng các vụ kiện gian lận bỏ phiếu.

Ngày 14/12 (giờ địa phương), toàn bộ 538 đại cử tri đoàn thay mặt cho 318 triệu cử tri Mỹ thuộc 50 bang và thủ đô Washington D.C đều họp mặt tại nghị viện hoặc văn phòng thống đốc của từng bang để chính thức bỏ phiếu bầu ra người giữ cương vị Tổng thống Mỹ thứ 46. The Guardian đưa tin, tất cả 50 bang tại Mỹ đã chứng nhận kết quả bỏ phiếu hôm 3/11, theo đó, ông Joe Biden của đảng Dân chủ dự kiến giành 306 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của đảng Cộng hòa giành 232 phiếu.

Theo thông lệ, đại cử tri sẽ được chọn ra trước cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11, là những người cống hiến tận tụy cho đảng, có thể là các nhà hoạt động, lãnh đạo đảng, quan chức dân cử của bang và cả những người có quan hệ cá nhân hoặc chính trị với ứng viên tổng thống. Tóm lại, các đảng chọn những người trung thành với đảng làm đại cử tri để đảm bảo họ sẽ bầu đúng theo kết quả bỏ phiếu phổ thông.

Kết quả cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri đoàn ngày 14/12 sẽ quyết định người trở thành tân Tổng thống Mỹ. Nguồn: GP.

Truyền thông Mỹ cho biết, những bang đầu tiên bỏ phiếu đại cử tri năm nay bao gồm: Indiana, Tennessee và Vermont. Các bang chiến trường mà đội ngũ của ông Trump đang thúc đẩy thách thức pháp lý bỏ phiếu muộn hơn như: Arizona, Georgia, Pennsylvania và Wisconsin... Sau khi hoàn tất bỏ phiếu, các đại cử tri sẽ ký vào giấy chứng nhận bỏ phiếu. Chứng nhận này cùng với một số giấy tờ khác sẽ được gửi bằng thư bảo đảm cho các quan chức cấp cao. Muộn nhất là ngày 23/12, các giấy tờ này phải được chuyển đến tay người cần nhận. Đến ngày 6/1/2021, lưỡng viện sẽ họp để kiểm phiếu. Ứng viên nào giành được tối thiểu 270 phiếu sẽ được xác nhận là tổng thống đắc cử.

Giới chuyên gia bình luận, kết quả cuộc bầu cử của các đại cử tri năm nay được cả thế giới "nín thở" chờ đợi, bởi ai trở thành Tổng thống Mỹ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến cục diện chính trị thế giới. Nhất là hơn một tháng sau cuộc tổng tuyển cử toàn nước Mỹ, ông Donald Trump vẫn chưa công nhận chiến thắng của ông Joe Biden và tuyên bố theo đuổi đến cùng các vụ kiện gian lận bầu cử. Một cuộc thăm dò của Fox News mới đây cho biết, 56% cử tri được hỏi nói rằng những thách thức pháp lý của Tổng thống Donald Trump làm suy yếu nền dân chủ Mỹ, trong khi 36% nói các vụ kiện đang củng cố nền dân chủ. Kết quả bị chia rẽ theo đường lối của đảng, với 66% thành viên đảng Cộng hòa nói rằng tổng thống đang giúp đỡ nền dân chủ Mỹ, trong khi 84% thành viên Dân chủ và 56% cử tri độc lập cho rằng điều ngược lại là đúng.

Fox News cũng dẫn lời một số học giả cho hay, về cơ bản, các đại cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên mà đa số cử tri của bang đã bầu chọn. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay có thể dẫn tới trường hợp xuất hiện các "đại cử tri bất tín" - những người phá vỡ cam kết với đảng. Trong cuộc bầu cử năm 2016 giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, bảy "đại cử tri bất tín" đã đi ngược lại truyền thống, đánh dấu số lượng "đại cử tri bất tín" lớn nhất trong hơn một thế kỷ. Với kết quả hiện nay, Tổng thống Trump muốn lật ngược tình thế sẽ cần ít nhất sử ủng hộ của 38 đại cử tri bất tín. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó.

Hơn nữa, một số đồng minh của ông Trump ở Hạ viện, dẫn đầu là nghị sĩ Mo Brooks, đang lên kế hoạch để thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại quốc hội vào ngày 6/1/2021. Được biết, nếu ít nhất một thành viên của quốc hội gửi khiếu nại bằng văn bản về phiếu bầu đại cử tri, Hạ viện và Thượng viện sẽ họp độc lập để quyết định phản đối hay ủng hộ khiếu nại. Chỉ khi lưỡng viện cùng tán thành, kết quả bầu cử mới bị vô hiệu hóa. Tuy vậy, kể từ thế kỷ XIX đến nay, quốc hội Mỹ chưa từng hủy bỏ kết quả bỏ phiếu đại cử tri.

New York Times dẫn lời ông Edward B. Foley, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học bang Ohio cho biết, “Cuộc họp ngày vào tháng 1/2021 sẽ xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn, bất kể có bao nhiêu thách thức kết quả được đệ trình và ai ký tên, điều này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử”.

Tuy nhiên, ông Edward B. Foley cũng lưu ý rằng, cuộc họp có thể để lại nhiều hệ quả trong vài năm tới. Trong trường hợp có một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa công khai ủng hộ thách thức kết quả, nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden trong những năm tới có thể sẽ chìm trong sự chia rẽ đảng phái. Nhưng nếu ngược lại, đây sẽ là thông điệp gửi đến toàn bộ đất nước rằng, dù ông Trump không phục với kết quả cuối cùng, đảng Cộng hòa vẫn tin tưởng vào quy trình bầu cử và sẵn sàng công nhận ông Joe Biden là người chiến thắng.

Linh Đan
.
.
.