Cuộc bầu cử định hình tương lai

Thứ Sáu, 12/10/2018, 08:55
Ngày 7-10, hơn 147 triệu cử tri Brazil đi bỏ phiếu tại 5.570 thị trấn trên cả nước và tại 170 đại sứ quán và lãnh sự quan trên toàn thế giới để chọn ra người kế nhiệm Tổng thống Michel Temer, 27 thống đốc bang, 54 thượng nghị sĩ, 513 hạ nghị sĩ liên bang và 1.059 nghị sĩ cấp tiểu bang.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang vấp phải một loạt các thức lớn từ xã hội, kinh tế tới an ninh, chính trị, khiến người dân hoang mang và mất lòng tin. Chính vì lẽ đó, đây được xem là cuộc bầu cử khôi phục lòng tin cũng như quyết định tương lai đối với Brazil.

Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, kết thúc vòng bầu cử Tổng thống thứ nhất, cả hai ứng cử viên là ông Jair Bolsonaro thuộc đảng Xã hội Tự do (PSL) và ông Fernando Haddad của đảng Lao động (PL) đều không đạt được tỉ lệ từ 50% phiếu ủng hộ trở lên theo luật định để có thể chiến thắng ngay tại vòng này. Do vậy, cuộc đua tới ngôi vị chủ nhân mới của Cung Planalto (Phủ Tổng thống Brazil) tại Brasilia sẽ tiếp tục bắt đầu vòng thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 28-10 tới, được đánh giá là thực sự gay cấn khi chỉ còn hai ứng cử viên trực tiếp đối đầu với nhau.

Cuộc tổng tuyển cử tại Brazil năm 2018 diễn ra trong bối cảnh tình trạng tội phạm và bạo lực ở quốc gia Nam Mỹ này tăng cao đến mức đáng báo động, cộng với nạn tham nhũng tàn phá nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát... cũng là những thách thức cấp thiết mà quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt. Kinh tế Brazil vừa thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930 và đang dần phục hồi với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) được dự đoán là 1,6% trong năm nay. 

Ứng cử viên Bolsonaro có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: Reuters.

Dù có những dấu hiệu khả quan, song Brazil vẫn đang phải chật vật đối phó với nhiều hậu quả do suy thoái kéo dài để lại. Trước thực tế này, các chuyên gia phân tích cho rằng thách thức lớn nhất dành cho tổng thống tiếp theo của Brazil là lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và tổ chức lại bộ máy nhà nước. Cuộc khủng hoảng vừa qua khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào năng lực tài chính của cả chính quyền Trung ương lẫn địa phương.

Kết quả của cuộc bầu cử năm 2018 vẫn là một ẩn số lớn mà chỉ có cử tri Brazil mới là người quyết định. Kể từ sau khi nền dân chủ được khôi phục tại Brazil năm 1985, chưa bao giờ có một đảng cực hữu đủ lớn mạnh để có thể cạnh tranh trên chính trường. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong những năm vừa qua, dường như người dân nước này đang tìm kiếm một sự thay đổi triệt để và vì vậy ứng cử viên Bolsonaro có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc bầu cử năm nay. 

Bên cạnh đó, những khác biệt, như sự đa dạng về xã hội, dân tộc, vùng miền và giới tính, có thể trở thành một vấn đề chính trị ở Brazil. Trước đây, những khác biệt này có thể không phải là vấn đề đáng ngại bởi trong xã hội Brazil vẫn duy trì được sự khoan dung, sự cân bằng về quyền lực và pháp luật, cũng như sự linh hoạt trong giải quyết các lợi ích khác nhau. 

Tuy nhiên, giờ đây những khác biệt đó đang trở thành những vấn đề không thể chia sẻ. Các tầng lớp, hội nhóm trong xã hội đã trở nên khép kín và chỉ bảo vệ những lợi ích cụ thể của họ. Đó cũng là lý do khiến vai trò của một đảng có quan điểm cực hữu như PSL nổi lên tại Brazil trong những năm gần đây và thu hút sự ủng hộ của một bộ phận xã hội.

Tuy vậy, việc ông Paulo Guedes, cố vấn kinh tế của ông Bolsonaro đang bị điều tra vì nghi ngờ gian lận quỹ hưu trí của các công ty hưu trí nhà nước có lẽ lại là yếu tố khiến vị ứng cử viên này mất điểm trước đối thủ. Cụ thể, hôm 10-10, Bộ Công cộng Liên bang Brazil đã mở cuộc điều tra nhằm làm rõ nghi ngờ ông Guedes tham nhũng tiền trong hệ thống quỹ hưu trí của các công ty nhà nước khi ông này còn phụ trách quỹ đầu tư. 

Bộ Công cộng Liên bang Brazil nhận thấy có “bằng chứng liên quan” tới việc một vài giám đốc điều hành quỹ hưu trí có thể đã hợp tác với ông Guedes để thực hiện những gian lận trong quản lý quỹ trên trong giai đoạn từ tháng 2-2009 đến tháng 6-2013. Cuộc điều tra trên nằm trong chiến dịch “Greenfield,” được triển khai từ năm 2016 nhằm kiểm tra những đề án phân bổ quỹ hưu trí của nhiều công ty nhà nước có liên quan tới các nhà lãnh đạo cánh tả thuộc đảng PT và Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) cầm quyền.

Theo giới chuyên gia, dù ai giành chiến thắng thì cũng đều sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó giải quyết vấn đề an ninh trong nước cũng như tại các khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế là những ưu tiên hàng đầu. Nếu Brazil có thể có được sự ổn định chính trị và các vấn đề an ninh được cải thiện, quốc gia này có thể trở thành một trong những thị trường tiềm năng mới đối với các nhà đầu tư trong năm 2019.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.