Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức Angela Merkel:

Cử chỉ hàn gắn mối quan hệ

Thứ Ba, 12/05/2015, 08:07
Tuy không xuất hiện tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít diễn ra hôm 9/5, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Moskva vào ngay ngày hôm sau (10/5). Tại đây, bà Merkel đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin và cùng ông chủ Điện Kremlin tới đặt vòng hoa tại Tượng đài Chiến sĩ vô danh ở Quảng trường Đỏ.

Truyền thông phương Tây nhìn nhận đây là dấu hiệu cho thấy sự hòa giải giữa hai quốc gia Nga – Đức và bà Merkel đã phá vỡ cái gọi là “điều cấm kỵ” đã lan truyền rộng khắp trong giới lãnh đạo phương Tây, những người đã lảng tránh đến thăm Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine hồi năm ngoái.

Phá vỡ “điều cấm kỵ” trong giới lãnh đạo phương Tây

Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, giới lãnh đạo phương Tây đã dựng nên một rào cản ngăn cách, giống như họ từng làm trong thời Chiến tranh Lạnh với Nga vì cho rằng, Moskva đã can thiệp sâu vào tình hình nội bộ Ukraine. 

Chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Đức là chuyến thăm cấp cao nhất của một nhà lãnh đạo phương Tây tới Moskva kể từ đó, và đặc biệt hơn là vào đúng dịp nước Nga đang kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít. Phát biểu tại Moskva về mối quan hệ song phương Nga – Đức, Thủ tướng Merkel nêu rõ: “Chúng ta đã tìm kiếm và hợp tác nhiều hơn trong những năm gần đây. Việc sáp nhập bán đảo Crimea của Nga và cuộc nội chiến ở Đông Ukraine đã gây cản trở nghiêm trọng cho sự hợp tác này”. 

Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh: “Lịch sử đã dạy chúng ta phải làm mọi điều có thể qua đối thoại để giải quyết các xung đột dù nó có khó khăn như thế nào”. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhất trí thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho những bất đồng. Ảnh: Sputnik.

Điều này cho thấy, nữ Thủ tướng Đức không hề muốn làm mất đi mối quan hệ giữa Berlin và Moskva. WSJ nhận định, chuyến thăm của bà Merkel cũng như phản ứng của Nga với chuyến thăm này cho thấy bà Merkel vẫn là một trong những “người đối thoại then chốt” của Moskva tại phương Tây. 

Trong khi đó, theo tờ N-tv.de của Đức, “gánh nặng trong lịch sử nước Đức” là một trong những lý do khiến vị nữ Thủ tướng quyết định tới Moskva vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Chia sẻ quan điểm này, WSJ cũng cho rằng, các lãnh đạo Đức thấy mình có trách nhiệm phải tôn vinh những nạn nhân người Nga đã ngã xuống trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống lại phát xít Đức. 

Ông Joerg Forbrig, một chuyên gia về Đức thuộc Quỹ German Marshall của Mỹ đánh giá: “Người ta ngày càng đòi hỏi nước Đức phải nhận nhiều vai trò lãnh đạo hơn trong các vấn đề quốc tế. Nhưng các vai trò đó cũng khiến nước Đức đối đầu nhiều hơn với những di sản lịch sử của mình. Chuyến viếng thăm Nga của bà Merkel phần nào cho thấy điều đó”.

Rõ ràng, việc đối diện với gánh nặng lịch sử, sứ mệnh hiện tại và tương lai đang đặt lên vai Thủ tướng Merkel. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, bản lĩnh của người Đức lại đang được “người đàn bà thép” này thể hiện. Hôm 2/5, khi được hỏi về chuyến thăm Nga, bà Merkel nhấn mạnh: “Chúng ta không thể đóng chặt quyển sách lịch sử về mình”. 

Bà cho biết, dù có những khác biệt với Nga trong vấn đề Ukraine, bà vẫn cảm thấy mình phải có trách nhiệm tham gia lễ đặt vòng hoa cùng Tổng thống Putin (tại Tượng đài Chiến sĩ vô danh - PV), để “tưởng nhớ hàng triệu người chết trong Thế chiến thứ 2”, với trách nhiệm thuộc về nước Đức.

Thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho những bất đồng

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Merkel tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin nhắc lại rằng: “Đất nước chúng tôi không chống nước Đức, mà chống Đức quốc xã (Nazi). Nước Đức là nạn nhân đầu tiên của bọn phát xít dân tộc. Nước Đức hiện nay là đối tác của chúng tôi”. 

Cùng ý hướng trăn trở lịch sử của nhiều người dân Đức, bà Merkel đáp lời: “Tôi tới đây vì tôi muốn nghiêng mình trước hàng triệu nạn nhân của cuộc chiến đó”, đồng thời nhấn mạnh: “Ngay trong giai đoạn thời gian mà có những sự khác biệt về suy nghĩ, ý tưởng, điều quan trọng là, chúng tôi tôn trọng những trang lịch sử ấy, và muốn cho dân chúng nước Nga thấy rằng, chúng tôi ý thức là đã gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho thế giới”. 

Cũng tại buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nga – Đức đã nhất trí thúc đẩy giải pháp ngoại giao để giải quyết các bất đồng hiện nay và cam kết cùng nỗ lực vì sự hợp tác. Tổng thống Putin khẳng định, Moskva đã rất nỗ lực để quan hệ song phương phát triển thành công và mối quan hệ đó thực sự đã đạt được nhiều thành quả. 

Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin cũng nhấn mạnh, vẫn còn nhiều vấn đề mà 2 bên cần giải quyết càng sớm càng tốt để tránh gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của quan hệ hai nước. Tổng thống Putin chỉ ra rằng, năm 2014, lần đầu tiên trong 5 năm qua, khối lượng thương mại Nga- Đức đã giảm 6,5% xuống còn 70,1 tỉ USD so với năm trước đó. 

Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác: “Chúng ta đã học được từ những kinh nghiệm cay đắng của mình rằng chúng ta cần phải hợp tác trong những tình huống gian nan, giống như tình hình hiện nay, và nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao hòa bình. Đó là lý do vì sao những cơ hội thảo luận song phương như thế này trở nên quý giá, vì chúng ta có thể bàn về mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), tất nhiên bao gồm vấn đề Ukraine”.

Về vấn đề Ukraine, Thủ tướng Merkel để lộ vẻ thất vọng là chưa có giải pháp nào tích cực đem lại hòa bình. Nhà lãnh đạo Đức bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng xung đột bạo lực vẫn gia tăng. Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà, Thủ tướng Merkel tuyên bố cần tổ chức bầu cử ở miền Đông Ukraine và bày tỏ sẵn sàng tiếp nối các nỗ lực theo hướng này. 

Bà nói: “Có bốn vấn đề (cần làm ở miền Đông Ukraine) đó là về kinh tế, nhân đạo, xã hội và thông qua bầu cử địa phương. Việc tổ chức cuộc bầu cử địa phương cần dẫn đến việc đảm bảo kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới”. 

Trong khi đó, Tổng thống Putin lặp lại quan điểm rằng cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại chính trị. Tổng thống Nga cũng bày tỏ tin tưởng một giải pháp dài hạn, bền vững chỉ có thể đạt được thông qua thiết lập đối thoại trực tiếp giữa Kiev, Donetsk và Lugansk. 

Ông nói: “Giải pháp lâu dài và đáng tin cậy chỉ khả thi thông qua đối thoại trực tiếp giữa Kiev, Donetsk và Lugansk... Chúng tôi cho rằng cần phải ngừng phong tỏa kinh tế, khôi phục các quan hệ tài chính và ngân hàng, và tiến hành sửa đổi hiến pháp với sự tham gia của các khu vực miền Đông Ukraine”. 

Tổng thống Putin cũng lưu ý đây chính là những điều khoản trong các thỏa thuận Minsk và các bên phải thực thi những thỏa thuận này.

Kim Linh
.
.
.