Có nên hồi hương?

Thứ Sáu, 20/03/2020, 15:24

Là câu hỏi của rất nhiều người Trung Quốc đang sinh sống và học tập ở nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát tại nhiều nước trên thế giới, và nhiều người trong số họ đã có quyết định cho riêng mình.


Khởi phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019, hiện COVID-19 đã khiến tổng cộng hơn 234.000 người nhiễm trên toàn thế giới và gần 10.000 người đã thiệt mạng. Ban đầu, COVID-19 chỉ là một vấn đề quốc gia, và giờ nó đã trở thành đại dịch, với tâm chân dịch chuyển từ tỉnh Hồ Bắc sang châu Âu.

Chính phủ các quốc gia trên khắp thế giới đã công bố những kế hoạch khác nhau để nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Hồi đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua gói cứu trợ 8,3 tỷ USD. Ngày 18/3, ông tiếp tục ký thông qua gói cứu trợ 100 tỷ USD, bao gồm các điều khoản quan trọng như xét nghiệm virus Corona miễn phí và đảm bảo lương cho người lao động phải nghỉ bệnh.

Nhiều người Trung Quốc lo ngại nguy cơ nhiễm COVID-19 trên máy bay nếu trở về nước. (Ảnh: EPA-EFE)

Đối với 35 triệu người Trung Quốc hiện đang học tập hoặc làm việc ở nước ngoài, cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã đặt ra những câu hỏi nan giải về việc cần làm gì tốt nhất trong thời điểm này.

Theo thông tin được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 20/3, Trung Quốc đại lục đã bước sang ngày thứ hai liên tiếp không ghi nhận bất kỳ trường hợp mắc COVID-19 nào đến từ bên trong nước này. 

Nhưng điều đó không làm cho anh Yu Jiahui, một công dân Trung Quốc làm việc tại Đức, đưa ra quyết định về nhà ngay. “Việc hồi hương có lẽ không phải là một quyết định sáng suốt ngay lúc này. Vé máy bay quá đắt đỏ và nguy cơ nhiễm COVID-19 khi đi máy bay là rất cao”, chàng trai 26 tuổi cho hay.

“Tôi nghĩ rằng ở lại nơi bạn đang ở là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng nguy hiểm. Công ty của tôi sắp tạm thời đóng cửa, còn tôi thì đã giảm thời gian đi ra ngoài”, Yu nói.

Yu không phải là người duy nhất lựa chọn phương án ở lại.

Stephen, một sinh viên 25 tuổi tại Đại học Cranfield (Anh) cho biết anh cũng quyết định ở lại nơi mình đang sinh sống.

Đại dịch COVID-19 ít ảnh hưởng đến tôi hơi là tôi nghĩ, vì ngôi trường mà tôi đang theo học nằm ở khu vực nông thôn với ít người sinh sống ở đó, Stephen cho hay.

Theo Stephen, có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trên chuyến bay trở về Trung Quốc vì những người nhiễm bệnh có thể sẽ về nhà để điều trị.

Nhân viên y tế Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại khu vực sân bay quốc tế Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Dominic Huang, một nghiên cứu sinh về hoá học lượng tử tại Đại học Sheffield, miền bắc nước Anh, nói rằng dịch COVID-19 chỉ có tác động rất ít đến cuộc sống hàng ngày của anh và anh vẫn còn có thể làm công việc của mình mà không cần phải đến phòng thí nghiệm.

“Trường đại học của tôi đã hủy tất cả các khoá học trên lớp kể từ ngày 16/3, vì vậy các giáo viên đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến”, Huang nói.

“Tôi không có kế hoạch hồi hương, ít nhất là ở thời điểm hiện tại vì tôi cũng không muốn gây phiền toái cho Trung Quốc”, Huang cho biết thêm, đồng thời đề cập đến “cuộc chiến” mới mà Trung Quốc đang phải đối mặt – đó là số ca nhiễm COVID-19 “ngoại nhập” tăng trong hai ngày gần đây, với 34 và 39 ca.

Cindy Wu, một luật sư Đài Loan làm việc tại Bắc Kinh, nói rằng cô đang theo dõi cụ thể tình hình. Cô đã định bay trở lại Bắc Kinh vào hôm 1/3, nhưng đã hủy đặt chỗ sau khi chính quyền Bắc Kinh thông báo rằng tất cả khách quốc tế sau khi hạ cánh sẽ được đưa đi cách ly trong 14 ngày.

“Tôi đã cân nhắc tất cả những lợi thế cũng như bất lợi, và đã quyết định ở lại Đài Loan lâu hơn một chút cho đến khi chúng tôi có thể có một chính sách rõ ràng hơn”, Cindy Wu nói, đồng thời cho biết bản thân cũng cảm thấy an toàn hơn khi ở Đài Loan thay vì Trung Quốc đại lục.

Không giống như Cindy Wu, Chen – một dịch giả người Trung Quốc đang công tác tại Kiev, Ukraine đã đưa ra quyết định quay trở lại Bắc Kinh.

Chen cho biết cô sẽ trở lại Bắc Kinh vào hôm 18/3, nhưng sau khi Ukraine tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới vào ngày 17/3, cô đã đổi vé và bắt chuyến bay cuối cùng để rời khỏi Ukraine vào ngày 16/3, mặc dù chuyến bay này sẽ phải mất vài ngày quá cảnh tại Dubai và Singapore. “Tuyến đường này khá tốn thời gian và có nguy cơ bị lây nhiễm trong thời gian bay”, Chen nói.

“Không biết điều gì sẽ xảy ra với tôi khi tôi trở về Bắc Kinh. Tôi đã khá lo lắng khi một vài ngày trước đó, tất cả khách du lịch đến Bắc Kinh sẽ bị cách ly và chi phí thì phải tự túc”, Chen cho hay.

Chiếc áo bảo hộ được Yi Ming mặc trên chuyến bay về nước. (Ảnh: SCMP)

Trái ngược hoàn toàn với Chen, Yi Ming, sinh viên tại một trường đại học tại Dublin, Ireland cho biết quyết định hồi hương được đưa ra khá dễ dàng. “Mặc cho giá vé máy bay cao gấp nhiều lần so với bình thường, tôi vẫn quay về Trung Quốc, trường tôi cũng đã bắt đầu giảng dạy trực tuyến nữa nên tôi có thể hoàn thành khoá học của mình qua internet”, Yi Ming chia sẻ.

Tuy nhiên, Yi Ming cho biết anh sẽ mặc một bộ đồ bảo vệ cho hành trình trở về Trung Quốc với hy vọng nó sẽ giữ an toàn cho anh.

Cao Trung (Theo SCMP)
.
.
.