Cơ hội phát triển mới cho xứ sở sương mù

Thứ Tư, 03/02/2021, 07:33
Đánh dấu một năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh ngày 1/2 (giờ địa phương) đã chính thức nộp hồ sơ gia nhập một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP), gồm 11 thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Nếu được chấp nhận tư cách thành viên, Anh sẽ trở thành nước đầu tiên ngoài nhóm quốc gia đàm phán ban đầu của CPTPP. Động thái này không chỉ giúp Anh dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường EU mà còn được đánh giá là nhằm nhiều mục tiêu chiến lược khác.

Vương quốc Anh đã chính thức đăng ký gia nhập CPTPP.

Bước tiến mới và những lợi ích

Theo thông tin do Phòng thương mại và công nghiệp Anh cung cấp, nếu đàm phán thành công, Anh sẽ được tự do tiếp cận với một trong những khối thị trường lớn nhất toàn cầu, có tổng GDP lên tới trên 13,5 nghìn tỷ USD và là nơi tập trung những nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu thế giới.

Trong năm 2019, tức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch thương mại giữa Anh với các nước trong CPTPP đạt 110 tỷ bảng Anh, tương đương trên 150 tỷ USD và từ năm 2016 thì kim ngạch này liên tục tăng với mức khoảng 8%/năm. Vì thế, việc gia nhập CPTPP chắc chắn sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại của Anh với 11 nước CPTPP cao hơn nữa. Về cụ thể, nếu gia nhập CPTPP, các doanh nghiệp Anh sẽ được hưởng nhiều lợi thế như giảm được đến khoảng 95% thuế quan hiện nay trong trao đổi thương mại với 11 nước CPTPP với rất nhiều mặt hàng như xe hơi, rượu whisky hay thực phẩm.

Ngoài ra, quy định về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp Anh hưởng lợi khi các sản phẩm, hoặc thành phần sản phẩm được sản xuất tại 11 nước CPTPP sẽ coi như chung xuất xứ. Việc này có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất xe hơi Anh sử dụng nhiều hơn nguyên liệu từ các nước trong CPTPP mà vẫn coi là sản xuất tại Anh. Tiếp đến, việc gia nhập CPTPP cũng sẽ giúp đơn giản hóa việc đi lại làm ăn giữa các nước, đơn giản hóa việc xin và cấp thị thực.

Trong bối cảnh quan hệ Anh-EU đang căng thẳng vài ngày qua xung quanh vấn đề vaccine COVID-19, động thái trên của London có thể coi là một thông điệp từ phía Chính phủ Anh khẳng định lại quyết tâm của nước này theo đuổi chính sách thương mại tự do toàn cầu “Britan Global” (“Nước Anh toàn cầu”) sau khi rời EU, tức việc nước Anh được tự do đàm phán ký kết các hiệp định thương mại với tất cả các nước trên thế giới.

Trước khi công khai ý định gia nhập CPTPP thì Vương quốc Anh cũng đã đẩy mạnh việc ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nước khác trong thời gian qua, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Do đó, đây là một bước đi nữa của chính phủ Anh nhằm khẳng định rằng họ đã không sai lầm khi rời khỏi EU.

Tất nhiên, lý do kinh tế vẫn mang tính quyết định bởi nước Anh dù cách xa nước thành viên CPTPP gần nhất đến gần 5.000km và về mặt địa lý thì không có liên quan gì đến vành đai Thái Bình Dương nhưng nước này cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội gia nhập vào một thị trường rộng lớn, năng động với trên 500 triệu dân, GDP trên 13,5 nghìn tỉ USD, chiếm đến 13,5% GDP toàn cầu và được dự báo sẽ là động lực chính của kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI. Thực tế thì không chỉ Anh mà hầu như tất cả các cường quốc trên thế giới đều muốn tiếp cận thị trường khu vực này.

Nước Anh muốn quay lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không chỉ về mặt kinh tế mà còn về địa chính trị cùng với chính quyền mới của Mỹ trong một tính toán chiến lược dài hơi hơn, bởi lẽ trong đánh giá của giới phân tích phương Tây thì ngoài lợi ích kinh tế, CPTPP còn được coi như là một công cụ để kiềm chế quyền lực đang ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhận thức này trong giới chính trị gia tại Anh được thể hiện công khai, bởi ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại thương Anh Liz Truss công bố việc Anh xin gia nhập CPTPP thì Công đảng đối lập đã lên tiếng thắc mắc là liệu chính phủ Anh có đảm bảo là nếu gia nhập CPTPP trước thì liệu nước Anh có quyền phủ quyết nếu Trung Quốc muốn gia nhập hay không.

Trong năm 2020, Anh đã có công khai kế hoạch gửi tàu chiến đến châu Á-Thái Bình Dương để cùng các đồng minh thách thức Trung Quốc và việc xin gia nhập CPTPP là một bước đi tiếp theo trong chiến lược này.

Những thách thức cần phải giải quyết

Giới quan sát chỉ ra rằng, Bộ trưởng Liz Truss không cho biết tư cách thành viên CPTPP sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế Anh. Bà chỉ nói khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng đóng vai trò một trung tâm của “tăng trưởng trong tương lai”.

Ông David Henig, đồng sáng lập của Diễn đàn Thương mại Anh, cho rằng thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương này sẽ chỉ mang lại lợi ích kinh tế khiêm tốn cho nước này. Đánh giá đó không phải không có cơ sở. Một nghiên cứu mới đây của Chính phủ Anh cho thấy Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới đây với Nhật Bản có thể giúp tăng trưởng GDP của nước này thêm khoảng 0,07% trong dài hạn.

Trong khi đó, FTA hậu Brexit giữa Anh và EU có thể khiến tăng trưởng kinh tế Anh giảm tới 5% trong dài hạn. Một số nhà chỉ trích cũng cho rằng triển vọng nước Mỹ nhanh chóng tham gia CPTPP là không lớn khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn còn nhiều vấn đề đối nội cần giải quyết. Song Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ quan điểm cho rằng việc Anh trở thành nước bên ngoài đầu tiên đăng ký tham gia CPTPP thể hiện tham vọng muốn tham gia các hoạt động thương mại với các nước, các đối tác trên thế giới thông qua những điều khoản có lợi nhất của nước này.

Ông cũng cho hay động thái đó thể hiện mong muốn trở thành “ngọn cờ đầu” trong thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu của nước Anh. Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức khác mà Anh cần giải quyết trước khi có thể chính thức tham gia CPTPP. Chúng bao gồm việc thiết lập các mức thuế quan mới giữa các bên và thiết lập cấu trúc để xây dựng các thỏa thuận song phương trong tương lai. Các nước cũng cần thông qua những quy tắc ký gửi phù hợp để hàng hóa có thể được vận chuyển qua các nước ngoài CPTPP như Mỹ, EU một cách thuận lợi mà không bị mất quy chế ưu đãi.

Giới quan sát cho biết đây không chỉ đơn thuần là quá trình Vương quốc Anh ký kết CPTPP mà nước này còn cần cam kết với các quy trình và thủ tục đã có sẵn, được phát triển bởi các quốc gia khác.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.