Cơ chế COVAX: Tồn tại và thách thức

Thứ Năm, 25/02/2021, 16:16
Dù đặt ra mục tiêu ban đầu là hỗ trợ phân phối vaccine công bằng hơn cho tất cả các nước, nhưng sự thiết hụt nguồn cung và hậu cần lại đang khiến cơ chế COVAX gặp nhiều trở ngại và thách thức.

Trên thực tế, không phải tất cả các quốc gia đều có khả năng tự mua vaccine COVID-19. Trong các đại dịch trước đây, bao gồm cả dịch cúm lợn năm 2009, vaccine đã được các nước giàu tích trữ cho đến khi kết thúc dịch. Đối với cuộc khủng hoảng HIV, sau khi các phương pháp điều trị hiệu quả được giới thiệu ở phương Tây, thì phải mất vài năm sau chúng mới được áp dụng tại châu Phi.

Được đồng lãnh đạo bởi Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh vì đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19” (viết tắt là COVAX) là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vaccine ngừa COVID-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới. 

Ghana là quốc gia đầu tiên nhận được vaccine ngừa COVID-19 thông qua cơ chế COVAX. (Ảnh: Getty)

Mục tiêu của COVAX là thực hiện các giao dịch mua vaccine với số lượng lớn từ các công ty dược phẩm, đồng thời nhận vaccine quyên góp từ các nước giàu. Các quốc gia nghèo hơn có thể nhận được vaccine miễn phí từ sáng kiến ​​này, còn  những quốc gia giàu có cũng có thể mua vaccine từ đây như một cách để đa dạng hóa nguồn cung. 

Tuy vậy, hiện COVAX đang bị gặp những trở ngại liên quan tới việc thiếu hụt nguồn cung và hậu cần, trong bối cảnh nhiều quốc gia giàu có đang chạy đua với các chiến dịch tiêm chủng đại trà, tờ AP nhận định.

Ngoài vấn đề nhân đạo đó là chia sẻ rộng rãi vaccine, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng việc để virus SARS-CoV-2 lây lan tự do trong cộng đồng là mối đe dọa với toàn cầu, bởi điều này có thể dẫn đến việc xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm, làm lây lan và truyền cho những người vốn đã từng nhiễm bệnh hoặc người đã được tiêm chủng.

Mục tiêu ban đầu của COVAX là phân phối vaccine tới các nước nghèo cùng thời điểm các nước giàu triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên, tới tận ngày 24/2, Ghana mới là quốc gia đầu tiên nhận được vaccine COVID-19 thông qua cơ chế COVAX. 

Bên cạnh đó, COVAX chỉ có kế hoạch cung cấp đủ vaccine để tiêm chủng cho khoảng 20% ​​đến 30% người dân ở các quốc gia nghèo - một con số được cho là vẫn khiến dịch COVID-19 bùng phát tại các nước này. Các chuyên gia ước tính rằng cần ít nhất 70% dân số miễn dịch để ngăn ngừa dịch bệnh trong tương lai. 

Kate Elder, thành viên tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Không Biên giới cho rằng việc Ghana tới hôm 24/2 mới chỉ là quốc gia đầu tiên nhận được vaccine COVID-19 là “một khởi đầu rất nhỏ bé và muộn màng” đối với chương trình tiêm chủng toàn cầu. Tổ chức này đề xuất hoãn vận chuyển vaccine đến các nước phát triển, "trong lúc thế giới nỗ lực để bắt kịp việc bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất sống ở các nước đang phát triển”.

Tờ AP nhận định, một trong những nguyên do khiến việc phân phối vaccine bị đình trệ đó là thiếu hụt nguồn cung. Nguồn cung vaccine COVID-19 trên thế giới hiện đang cực kỳ hạn chế. Trong khi các công ty đang cố gắng để tăng năng lực sản xuất, các chuyên gia dự đoán sẽ không có đủ số lượng vaccine để cung cấp cho dân số toàn cầu cho đến năm 2023 hoặc 2024. 

COVAX dự kiến sẽ cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine cho hơn 90 quốc gia vào cuối năm nay. Khi các nước có thu nhập trung bình và cao đã đặt được trước 5 tỷ liều, thì COVAX chỉ mới ký các thỏa thuận mua hơn 1 tỷ liều và không phải tất cả các thỏa thuận này đều ràng buộc về mặt pháp lý.

Mặc dù ​​COVAX đã nhận được hàng tỷ USD tài trợ, nhưng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng tiền gần như vô nghĩa nếu không có vaccine để mua. Ông kêu gọi các nước giàu không tìm cách ký thêm các thỏa thuận để đảm bảo nguồn vaccine bổ sung, vì điều này có thể “đe dọa” các thỏa thuận mà COVAX đã đạt được. 

Bên cạnh đó, COVAX cũng không thể bắt đầu vận chuyển bất kỳ loại vaccine nào cho đến khi chúng được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp. Cho đến nay, chỉ có hai loại vaccine của công ty Pfizer-BioNTech và AstraZeneca  sản xuất được “bật đèn xanh”. COVAX hầu hết chỉ mới đạt được thỏa thuận mua vaccine của hãng AstraZeneca, và loại này chỉ mới được cấp phép vào tuần trước.

Không giống như trong các đại dịch trước, khi các nước nghèo phải chờ đợi vaccine từ các cơ quan viện trợ, tình trạng chậm trễ hiện nay đã khiến nhiều nước đang phát triển tìm kiếm các thỏa thuận riêng với hãng sản xuất vaccine, thay vì chỉ trông chờ vào COVAX. 

Mặc dù Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết đảm bảo việc tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 và cam kết cung cấp 7,5 tỷ USD cho COVAX, nhưng những nước như Anh, Đức và Pháp vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm họ sẵn sàng quyên góp vaccine dư thừa. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết quyên góp 5% vaccine cho COVAX, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết "rất khó để nói chắc chắn" về thời điểm và số lượng vaccine nước này có thể tài trợ. 

Một số nước giàu thậm chí đã bị chỉ trích vì mua số lượng lớn vaccine, trong đó có Anh, với số vaccine đã đặt được nhiều hơn gấp năm lần số lượng cần để tiêm chủng cho toàn dân. Các quốc gia biện hộ rằng họ phải đạt được thỏa thuận trước khi biết loại vaccine nào sẽ hiệu quả, kèm theo cam kết sẽ quyên góp vaccine dư thừa. 

Theo một số chuyên gia, các quốc gia này sẽ khó có thể quyên góp bất kỳ liều vaccine nào cho đến khi biết khả năng miễn dịch của loại vaccine họ có kéo dài bao lâu và chống lại những biến thể virus nào.

Các nước giàu khác, chẳng hạn như Canada, New Zealand và Singapore, đã đăng ký nhận vaccine thông qua COVAX mặc dù có nguồn cung riêng. WHO cho biết những yêu cầu của những nước này sẽ được thực hiện, vì một phần mục tiêu đề ra ban đầu của COVAX là cho phép các nước giàu mua nhiều loại vaccine hơn.

Cao Trung
.
.
.