Chuyển ngôn từ hoa mỹ sang hành động thực tế

Thứ Tư, 16/06/2021, 07:57
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU), diễn ra ngày 15/6 (giờ địa phương) tại Brussels (Bỉ), được kỳ vọng trở thành một cột mốc quan trọng trong việc khôi phục, củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - EU đầu tiên kể từ năm 2014 và là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới các tổ chức của EU kể từ năm 2017.

Mỹ và EU đang nỗ lực tái thiết mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ảnh minh họa.

Các cuộc thảo luận tại hội nghị xoay quanh 4 trụ cột chính: Chống đại dịch COVID-19 và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững; đối phó với tình trạng trái đất nóng lên và thúc đẩy tăng trưởng xăng; tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ xuyên Đại Tây Dương, giải quyết các thách thức an ninh và chính sách đối ngoại toàn cầu và khu vực; tăng cường dân chủ và các quy tắc dựa trên trật tự đa phương. Cả EU và Mỹ được đánh giá là phải nỗ lực tìm ra một khuôn khổ để trao đổi dữ liệu, ngay cả khi Mỹ không tuân thủ các tiêu chí bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt như EU.

Hai bên cũng phải tập trung bàn các biện pháp để nhanh chóng giải quyết các tranh chấp thương mại trước cuối năm nay, dỡ bỏ các loại thuế liên quan đến thép và nhôm của EU hoặc xung quanh viện trợ công cho các nhà chế tạo máy bay Airbus và Boeing, cũng như bàn bạc về vấn đề vaccine phòng COVID-19 cũng như bản quyền sản xuất vaccine.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, là một trong những lĩnh vực chính sách xuyên Đại Tây Dương bị ảnh hưởng mạnh nhất trong bốn năm qua, thương mại khó có thể trở nên dễ dàng dưới thời chính quyền của ông Joe Biden. Do ảnh hưởng bởi chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc về kinh tế của chính quyền tiền nhiệm do ông Donald Trump đứng đầu, việc thiết lập lại các mối quan hệ với Brussels chắc chắn đòi hỏi Washington giải quyết những bất đồng trong thương mại song phương này.

Mặc dù các quan chức chính quyền của ông Joe Biden đã nói về sự cần thiết phải chấm dứt cuộc chiến thương mại với châu Âu, nhưng tiến triển cho đến nay vẫn rất chậm. Thành tựu có ý nghĩa duy nhất cho đến nay là việc tạm dừng 4 tháng việc áp thuế bổ sung trong vụ tranh cãi Airbus-Boeing, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng có thể tạo tiền đề cho một giải pháp toàn diện cho tranh chấp thương mại kéo dài tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ cấp bất hợp pháp.

Cả Mỹ và EU đều hi vọng hai bên có thể nhanh chóng đạt được tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề này. Nhưng hiện tại, thuế quan đối với thép và nhôm theo mục 232 vẫn còn hiệu lực và có vẻ sẽ vẫn tồn tại cho đến khi vấn đề dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu được giải quyết. Bài kiểm tra quan trọng cho cả hai bên tại Hội nghị này sẽ là liệu họ có thể xoay xở để loại bỏ những bất đồng song phương và ổn định mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương hay không.

Sau thương mại, hiện cả Mỹ và EU đều nhiệt tình thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương sâu hơn về chống biến đổi khí hậu. Người đứng đầu Nhà Trắng đã cam kết vấn đề chống biến đổi khí hậu trở thành tâm điểm trong chương trình nghị sự ở cả trong nước và quốc tế. Thông báo trong ngày đầu tiên nhậm chức của ông về việc tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, việc bổ nhiệm ông John Kerry làm Đặc phái viên về biến đổi khí hậu, các mục tiêu mới đầy tham vọng về khí hậu trong nước của Mỹ và sự thành công hồi tháng Tư của Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu đã góp phần trấn an các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Washington thực sự trở lại với tư cách là đối tác quan trọng trong các vấn đề khí hậu.

Mặc dù vậy, các quan chức châu Âu không hoàn toàn bị thuyết phục với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ về ngoại giao khí hậu do những di sản của ông Donald Trump để lại và nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa tiếp tục phản đối chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, EU cũng có tham vọng lãnh đạo trong lĩnh vực này. Trong khi các quan chức châu Âu rất vui mừng khi Mỹ quay lại bàn thảo luận, thì sự hoài nghi đối với tham vọng giảm phát thải của Mỹ lại chiếm ưu thế.

Về phần mình, Washington cũng không cùng quan điểm với Brussels trong đề xuất phân loại đầu tư bền vững của EU và đã đưa ra kế hoạch đi theo con đường riêng của mình, bất chấp những lời kêu gọi từ các đối tác châu Âu về một cách tiếp cận xuyên Đại Tây Dương chung.

Khác với chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã báo hiệu các kế hoạch dành sự quan tâm nhiều hơn cho các vấn đề kỹ thuật số và công nghệ. EU cũng đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ trong việc tham gia với chính quyền của ông Joe Biden về lĩnh vực này. Chính quyền của ông Joe Biden dự kiến sẽ coi việc quản lý các nền tảng trực tuyến và các quy định chống độc quyền đối với các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) là những ưu tiên lớn trong nước, do đó đưa Washington và Brussels xích lại gần nhau hơn trước.

Về phần mình, để thúc đẩy đối thoại cấp cao về các vấn đề kỹ thuật số, EU đã ủng hộ việc thành lập một Hội đồng Công nghệ và Thương mại xuyên Đại Tây Dương mới để thúc đẩy đổi mới và thiết lập tiêu chuẩn chung về các công nghệ mới. Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực ban đầu, chương trình nghị sự kỹ thuật số xuyên Đại Tây Dương cần nhiều thời gian mới đạt được tiến triển. Thử thách ban đầu là liệu hai bên có thể giải quyết những bất đồng về thuế kỹ thuật số hay không.

Với các mùa bầu cử sắp diễn ra ở cả Đức và Pháp lần lượt vào năm 2021 và 2022, cũng như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm 2022, việc khởi động mối quan hệ EU-Mỹ cần phải diễn ra ngay bây giờ, trước khi các nhà lãnh đạo chủ chốt bận tâm và tập trung hơn vào vấn đề trong nước.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU – Mỹ, chuyên gia Erik Brattberg, thuộc Quỹ Carnegie Vì hòa bình thế giới (CEIP) có trụ sở tại Washington cho rằng, Mỹ phải hành động để chuyển quan hệ với EU từ các ngôn từ hoa mỹ thành những tiến triển thực tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.