Chuyên gia: Đã đến lúc Việt Nam tham gia tích cực vào quản trị toàn cầu

Thứ Sáu, 02/04/2021, 10:24
Chuyên gia của tờ The Diplomat đánh giá Việt Nam là một cường quốc mới nổi và đang ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng, tầm vóc trên trường quốc tế nhờ những đóng góp quan trọng cho thế giới thời gian qua.

Trước thềm thời điểm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 (từ 1/4), cũng là trọng trách đa phương đầu tiên của Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, tờ The Diplomat đã có bài đăng, trong đó phân tích, đã đến lúc Việt Nam tham gia công tác quản trị toàn cầu, nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Bài đăng gây chú ý của tờ The Diplomat. Ảnh chụp màn hình

Mang tiêu đề "Việt Nam cần tích cực hơn trong quản trị toàn cầu", tác giả của The Diplomat mở đầu bài viết bằng cách gọi Việt Nam là một cường quốc đang nổi lên với tầm ảnh hưởng đang gia tăng.

Trên cơ sở đó, "Việt Nam có khả năng xây dựng lại hệ thống quản trị toàn cầu vốn đan tê liệt do căng thẳng leo thang giữa các siêu cường và sự bùng nổ của đại dịch COVID-19", bài viết khẳng định. Tác giả sau đó phân tích các lí do để Việt Nam đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong quản trị toàn cầu những năm tới.

Thứ nhất, tham gia hiệu quả vào quá trình này phù hợp với các mục tiêu đối ngoại mà Việt Nam đã đề ra. Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời là đối tác tin cậy của các quốc gia khác.

Văn kiện cũng nhấn mạnh rằng, một trong những mục tiêu chính của chính sách đối ngoại của Việt Nam là tạo điều kiện cho hội nhập kinh tế quốc tế, theo The Diplomat.

Quân nhân Việt Nam lên đường tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: TTXVN

"Việt Nam có thể đạt được lợi ích từ việc chủ động hơn trong quản trị toàn cầu. Như đã đề cập, hệ thống quản trị toàn cầu đang bị mờ nhạt đi do đại dịch COVID-19 và căng thẳng ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này đang tạo cơ hội cho Việt Nam đóng góp vào việc cải thiện hệ thống quốc tế", tờ báo viết.

Theo tác giả của The Diplomat, nhờ ứng phó ấn tượng với COVID-19, Việt Nam đứng thứ hai trong số 98 quốc gia về hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các nước ở khu vực và được dự báo sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

"Việt Nam đã trở thành hình mẫu về quản trị. Những thành tựu này đặt nền tảng vững chắc để Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào công cuộc quản trị toàn cầu sau đại dịch, và nếu nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam sẽ có thể vừa nâng cao hình ảnh quốc tế vừa đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề thế giới", The Diplomat nhấn mạnh.

Thứ hai, chủ động trong quản trị toàn cầu sẽ giúp Việt Nam giảm bớt tác động của các thách thức toàn cầu nghiêm trọng. Cũng tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến nhiều thách thức, bao gồm những thách thức đối với an ninh con người, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu và các đại dịch trong tương lai.

Tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: ITN

Dù đã rất nỗ lực, song Việt Nam vẫn đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng từ những vấn đề trên, ví dụ như việc Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng từ vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, hạn hán nghiêm trọng và tần suất bão lũ gia tăng…

"Một trong những cách khả thi nhất để Việt Nam chống chọi tốt hơn với những mối đe dọa như vậy là tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quản trị khu vực và toàn cầu…. Nếu Việt Nam chủ động đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội học hỏi thêm từ các nước phát triển khác và nhận được sự hỗ trợ từ họ", The Diplomat bình luận.

Theo tờ báo, trong thời gian là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đề xuất chọn ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Đây là ví dụ điển hình về cách Việt Nam từng bước đóng góp vào việc phục hồi nền quản trị toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành một "thành viên có trách nhiệm" của cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, Việt Nam có thể thu được lợi ích kinh tế từ việc tham gia hiệu quả hơn vào quản trị toàn cầu. Sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết những năm gần đây là minh chứng cho mong muốn của đất nước trong hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Việt Nam được đánh giá cao nhờ công tác ứng phó với dịch COVID-19.

Để tận dụng tối đa lợi ích của các thỏa thuận, Việt Nam cần đồng thời cải thiện quản trị trong nước và chủ động hơn trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, quản trị trong nước tốt sẽ giúp Việt Nam hóa giải các vấn đề cản trở sự phát triển của đất nước; trên phạm vi toàn cầu, công tác này sẽ chứng minh Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy.

"Khi thực hiện được hiệu quả sứ mệnh hai trọng tâm này, Việt Nam có thể trở thành điểm đến đầu tư tốt hơn cho các đối tác toàn cầu. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế", tờ báo đánh giá.

Tờ báo cũng cho rằng, lĩnh vực quản trị toàn cầu quan trọng nhất mà Việt Nam nên tham gia là công tác phục hồi sau đại dịch, cả về kinh tế và xã hội. Mặc dù đã kiểm soát đại dịch tương đối tốt, nhưng bản thân Việt Nam đã phải gánh chịu nhiều hệ quả tiêu cực do COVID-19 gây ra. Vì vậy, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải tối ưu hóa các nguồn lực của mình, đảm bảo đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

Từ tháng 3, Việt Nam đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, với kỳ vọng công tác này sẽ giúp kiểm soát hoàn toàn đại dịch, từ đó sớm nối lại đầy đủ mọi hoạt động kinh tế. "Khi Việt Nam hoàn toàn miễn nhiễm với COVID-19", Việt Nam có thể có các nguồn lực để chủ động trong các hoạt động quản trị, ở cả cấp độ trong nước và trên thế giới.

Tiếp theo, Việt Nam nên duy trì động lực trở thành một nhân tố có trách nhiệm hơn trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn, vốn là công cụ không thể thiếu để giải quyết cách thách thức ở tầm thế giới. Việc là thành viên tích cực của các định chế này có nghĩa là Việt Nam sẽ có thể giúp định hình lại hệ thống quản trị hiện nay bằng nhiều biện pháp.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu tại các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại ASEAN và tại LHQ. Ở ASEAN, Việt Nam được đánh giá cao nhờ hoàn thành năm chủ tịch một cách hiệu quả, bất chấp dịch bệnh. Tại LHQ, ngoài những đóng góp tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã rất tích cực tham gia các nỗ lực gìn giữ hòa bình. "Nếu Việt Nam có thể phát huy những thành công gần đây, Việt Nam sẽ có sức nặng thể chế, tạo tiền đề cho đất nước đóng góp thực chất hơn vào quản trị toàn cầu", tờ báo kết luận.

Thiện Nhân
.
.
.