Chuyến đi "phá băng" quan hệ Anh-Nga của Ngoại trưởng Boris Johnson

Thứ Tư, 27/12/2017, 10:11
Dù đã kết thúc chuyến công du kéo dài 2 ngày ở Nga, song sự có mặt của Ngoại trưởng Anh tại Thủ đô Moscow cũng vẫn thu hút được nhiều sự chú ý nhất là khi ông Boris Johnson trở thành Ngoại trưởng Anh đầu tiên tới thăm Nga trong vòng hơn 5 năm qua.

Nhiều nhà phân tích nhận định, tuy còn khá nhiều mâu thuẫn về lập trường trong một số vấn đề nhưng thực sự cả London và Moscow đều mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước tiến về phía trước.

Hãng tin Sputnik của Nga cho biết, chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson bắt đầu vào ngày 23-12. Ngoài một số lịch trình thăm thú những địa điểm du lịch ở Thủ đô Moscow, ông Boris Johnson cũng đã có cuộc hội đàm quan trọng với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp và hội đàm hôm 23-12 tại Thủ đô Moscow của Nga. Ảnh: P.A..

Xuất hiện trong chương trình trực tiếp "60 phút" trên kênh truyền hình Russia 1, khi nhận xét về cuộc hội đàm của Ngoại trưởng hai nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Các chủ đề thảo luận rất nghiêm túc. Đó là thoát ra khỏi ngõ cụt trong mối quan hệ Nga-Anh mà nguyên nhân không phải do Moscow. 

Thêm vào đó là một loạt vấn đề của hai bên và của quốc tế mà nói như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov là đòi hỏi phải có sự tham gia của các nước lớn trên thế giới, các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Một tờ báo khác của Anh thì bình luận: "Ông Boris Johnson nói rằng Anh muốn quan hệ tốt đẹp hơn với Nga và ông muốn hai nước cải thiện quan hệ sau các cuộc hội đàm tại Moscow. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì bày tỏ sự tin cậy với ông Boris Johnson và đồng ý về sự cần thiết phải làm việc cùng nhau của hai nước tại Hội đồng Bảo an LHQ".

Trên thực tế, mối quan hệ vốn không mấy nồng ấm giữa Anh và Nga đã đột ngột trở nên căng thẳng hơn nhiều sau khi Thủ tướng Anh Theresa May công khai chỉ trích kịch liệt Nga đang nỗ lực can thiệp vào các quốc gia khác và phá vỡ hệ thống trật tự quốc tế hồi tháng 11.

Người đứng đầu chính phủ Anh cũng khẳng định rằng, London không muốn quay trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh và vẫn hy vọng sẽ hợp tác với Nga chứ không phải là đối đầu vì điều này phù hợp với lợi ích quốc gia của Anh.

Hãng Sputnik cho biết, tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng không ngần ngại khi cáo buộc nước Anh đã đưa ra các tuyên bố "xúc phạm" tới Nga và rằng không có gì bí mật về mối quan hệ bấp bênh của Anh với Nga. Theo quan điểm của Ngoại trưởng Nga, Anh đã đưa ra một loạt các tuyên bố công khai "hiếu chiến và lăng mạ" khi coi Nga như một kẻ xâm lăng ở Ukraine và Syria.

Ông Sergei Lavrov nhấn mạnh: "Tôi không nhớ bất cứ hành động nào của Nga có thể gây hấn với Anh. Chúng tôi cũng không đổ lỗi cho London về bất cứ điều gì. Ngược lại, chúng tôi đã nghe những cáo buộc, thậm chí cả chế nhạo  rằng chúng tôi ủng hộ chế độ hình sự ở Syria, rằng chúng tôi là những kẻ xâm lăng, rằng chúng tôi chiếm đóng, chúng tôi áp đặt vào các lãnh thổ khác"... Nhưng bất chấp sự khác biệt, cả Nga và Anh đều quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ nghèo nàn này.

Giới quan sát nhận định, quan hệ Nga-Anh đã xấu đi trong vòng 1 thập kỷ qua, bắt nguồn từ cái chết (được cho là bị nhiễm độc phóng xạ) của cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko - người khi đó đang tị nạn tại Anh.

Vào thời điểm đó, chính phủ của cựu Thủ tướng Gordon Brown đã cắt đứt sự hợp tác với Nga liên quan đến vấn đề chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chính phủ Anh cũng áp đặt các biện pháp hạn chế thị thực và các biện pháp gắt gao khác với Nga. Hợp tác giữa hai nước ngày càng ít hơn khi cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia xảy ra vào năm 2008 mà phía Anh cho rằng là một hành động gây hấn của Nga.

Tiếp sau đó, sự băng giá trong quan hệ hai nước được "củng cố" bằng cuộc chiến ở Ukraine - sự kiện được cho là châm ngòi cho cuộc đối đầu chưa có hồi kết giữa Nga và phương Tây; việc Nga sáp nhập Crimea; sự tham gia của Nga trong cuộc chiến ở Syria nơi hai quốc gia thuộc về hai bên đối lập.

London thì nằm trong liên minh theo đuổi mục tiêu thay đổi chế độ lãnh đạo hiện tại của Syria trong khi Moscow công khai ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad... Nhưng dù không đồng ý với nhau thì trong những vấn đề này, cả Anh và Nga đều muốn đối thoại và tiến xa hơn đồng thuận trong các vấn đề khác như hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và bảo vệ thỏa thuận với Iran.

Do đó, cuộc gặp hôm 23-12 đã cho phép cả hai bên cùng ngồi lại, xem xét những khác biệt để tìm đến sự đổi thay cũng như xây dựng nền tảng cho một mối quan hệ mà London và Anh cùng cần trong những năm tới. Đây không phải là một sự thiết lập lại hay trở lại kinh doanh như thường lệ mà là sự mở ra một kênh liên lạc để phá tan những tảng băng vẫn còn đang ngáng trở trên con đường tiến bước mới.

Bởi như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng lưu ý, việc cải thiện quan hệ song phương Nga-Anh "đến một mức cao hơn so với vị trí của nó ngày hôm nay" sẽ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Sông Thương
.
.
.