Chuyến công du phá thế cờ vây

Thứ Bảy, 27/03/2021, 08:30
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đang có chuyến công du 4 nước châu Âu, gồm Hungary, Hy Lạp, Bắc Macedonia và Serbia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng làm mới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và nhấn mạnh đến mối đe dọa chung từ Bắc Kinh.


Tại Hungary – điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi này, ông Ngụy Phượng Hòa hôm 25/3 (giờ địa phương) đã có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Janos Ader. Tại cuộc gặp, người đứng đầu ngành quân sự Trung Quốc đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Trung Quốc hôm 22/3 với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Tất cả 27 chính phủ EU, bao gồm Hungary, đồng ý với các biện pháp trừng phạt đó. Nhưng Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto gọi các biện pháp này “có hại” và “vô ích”.

Tổng thống Janos Ader (trái) và Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: EPA

Ông Ngụy Phượng Hòa cũng “ca ngợi Hungary đã thể hiện sự ủng hộ và phát biểu cho phía Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến các mối quan ngại chính của Trung Quốc, bao gồm cả Tân Cương”. Sau Hungary, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa sẽ tới thăm Hy Lạp, Bắc Macedonia và Serbia. Điểm đáng chú ý là, trong 4 quốc gia trên, duy nhất Serbia không phải là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chuyến thăm này nhằm “quảng bá tình hữu nghị truyền thống và hợp tác thực tiễn với Bộ Quốc phòng cùng quân đội 4 quốc gia châu Âu này, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững và lành mạnh mối quan hệ quân sự giữa các bên”. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh Mỹ tích cực củng cố quan hệ với NATO và EU nhằm vây Trung Quốc, chuyến công du này có thể là để giành lấy sự ủng hộ của họ, cố thuyết phục họ rằng Bắc Kinh không phải là mối đe dọa với NATO.

Phát biểu tại cuộc họp các Ngoại trưởng NATO mới diễn ra trong tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi các đồng minh châu Âu của Washington cùng hợp tác và hỗ trợ đề phòng trước các rủi ro từ Trung Quốc. Người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin cũng có kêu gọi tương tự khi tuyên bố với Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thuộc NATO rằng Trung Quốc là thách thức với an ninh xuyên Đại Tây Dương. Trong một diễn biến khác, một số thành viên NATO như Anh, Pháp, Đức đã nhất trí cử chiến hạm tham gia tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông.

Theo nhà bình luận quân sự Song Zhongping, chuyến công du của ông Ngụy Phượng Hòa nhằm gửi thông điệp với nội dung rằng sự phát triển quân sự của Trung Quốc và tầm ảnh hưởng gia tăng của nước này trên toàn cầu không phải là mối đe dọa với NATO.

Ông nói: “Có các tiếng nói khác nhau và quan điểm đa dạng bên trong NATO. Không nhất thiết có sự đồng thuận về việc khống chế và đối đầu với Trung Quốc”. Các điểm đến của ông Ngụy Phượng Hòa đều là những nơi vốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Vị chuyên gia nhận định, Bắc Kinh với chủ trương tăng cường ngoại giao quân sự có thể gây khó cho NATO trong hình thành lực lượng chung đối trọng với Trung Quốc. Ở thời điểm Mỹ cố gắng tái xây dựng liên minh với châu Âu, Trung Quốc cũng tìm cách kéo thêm về đối tác.

Ngày 23/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây và thảo luận về “liên minh mới tái thiết NATO”. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan, Wu Xinbo phân tích rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Sergei Lavrov bắt nguồn từ áp lực ngày càng tăng của Mỹ. Theo ông, Moscow và Bắc Kinh đang xích lại gần nhau chính là để phản ứng lại áp lực từ phía Washington.

Song song với chuyến đi của ông Ngụy Phượng Hòa, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đang thực hiện chuyến công du dài ngày tới 6 quốc gia Trung Đông, nơi ông dự kiến sẽ thảo luận vấn đề hạt nhân Iran và tìm cách mở rộng quan hệ với các nước khác trong bối cảnh đối diện lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 25/3, Ngoại trưởng Vương Nghị đã không quên tranh thủ sự ủng hộ của Ankara trong vấn đề Tân Cương.

Cụ thể, người đứng đầu ngành Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thể hiện sự hiểu biết và ủng hộ Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn của nước này khi nhắc đến vấn đề Tân Cương, đồng thời tái khẳng định đây thực chất là vấn đề chống khủng bố và ly khai.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ “không tham gia bất cứ hành động chống Trung Quốc nào”, không cho phép các hành vi khủng bố bạo lực nhằm vào Trung Quốc xuất hiện trên lãnh thổ nước này. Thổ Nhĩ Kỳ là chặng dừng chân thứ 2 của ông Vương Nghị trong chuyến công du nước ngoài lớn thứ ba trong ba tháng qua đến 6 nước Trung Đông. Trước đó, ông đã tới thăm Saudi Arabia, và sau Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ tới thăm Iran, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Oman trước khi quay lại Bắc Kinh vào ngày 30/3.

Theo cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iran Hoa Lê Minh, ông Vương Nghị thực hiện chuyến công du này là nhằm “mở rộng nhóm bạn của mình và nâng cấp quan hệ với những quốc gia này”. Phó giáo sư Jonathan Fulton tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi bình luận, giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết hợp tác với các đồng minh cùng chí hướng, chuyến công du Trung Đông của ông Vương là cơ hội để tăng cường quan hệ với các nước có chung mối lo với Bắc Kinh về chính sách đối ngoại của ông Joe Biden.

Đáng chú ý, ông Vương Nghị sẽ là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Iran kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2016. Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh những nỗ lực nhằm “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã rơi vào bế tắc. “Trung Quốc muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng Bắc Kinh vẫn là một người chơi quan trọng trong vấn đề hạt nhân Iran và rằng sẽ không thể tìm ra giải pháp nếu không có sự tham gia của Trung Quốc”, ông Hoa Lê Minh bình luận.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.